Suýt va quẹt xe, hai người phụ nữ bỏ cả giầy dép để xông vào đánh người đàn ông áo xanh. Người đội mũ bảo hiểm cố gắng ngăn lại - Ảnh: THIÊN THẢO
Nơi tôi làm việc là một tòa nhà ở trên con đường khá sầm uất ở quận 3, TP.HCM. Hàng ngày chúng tôi gửi xe và ăn trưa cách đó độ 200 mét cho nên tôi và các đồng nghiệp luôn có dịp đi bộ về công ty.
Đó là cơ hội tốt để vận động, thư giãn nhưng hỏi ra ai cũng ngán ngẫm khi phải đi bộ trên vỉa hè. Tại sao vậy?
Khi cái sai đã trở thành bình thường
Lề đường không rộng lắm, đã vậy còn bị lấn chiếm để buôn bán lại thêm tình trạng xe gắn máy chạy trên vỉa hè.
Rất nhiều xe gắn máy chạy ngược xuôi trên vỉa hè với tốc độ cao, kèm theo đó là những tiếng nẹt pô hùng hổ, tiếng còi inh ỏi bắt buộc người đi bộ phải tránh xe ngay trên… vỉa hè.
Một lần vì không chịu nổi tiếng kèn chát chúa giành đường từ phía sau, anh bạn đồng nghiệp của tôi đã quay lại phản ứng:
- Anh đã sai khi chạy xe trên vỉa hè lại còn bắt chúng tôi phải nhường đường nữa à?
Không ngờ người đàn ông có vẻ dân công sở (xét qua cách ăn mặc) đã nhanh nhảu gạt chống xuống xe, săn tay áo như khoe những hình xăm vằn vện rồi lớn tiếng:
- ĐM tụi bây, đồ ích kỷ. Tao thích vậy đó, làm gì nhau. Thằng nào ngon bước ra chơi tay đôi?
May mà chúng tôi cùng những người đi đường kịp thời can ngăn nên đã không xảy ra chuyện lớn. Nhưng sau lần ấy tôi cứ tự hỏi tự bao giờ những cái sai rành rành như vậy đã trở nên bình thường.
Thậm chí, trở thành điều đúng của những kẻ cơ bắp. Anh bạn đồng nghiệp của tôi rất đúng khi tỏ thái độ bức xúc với người đi sai luật nhưng đổi lại là sự hằn học trách móc của kẻ sai.
Tình trạng đi sai làn đường, đi ngược chiều, chạy xe trên vỉa hè phổ biến đến mức trở nên hết sức bình thường. Ai cũng muốn vượt lên, đi trước bất chấp tất cả.
Dễ thấy nhất trên các con đường có đường sắt cắt ngang, mỗi khi thanh chắn vừa hạ xuống là xe cộ lấn hẳn sang phần đường bên kia. Kết quả là sau khi đoàn tàu đi qua là đoạn đường bị ùn tắt do tình trạng không ý thức của những người tham gia giao thông.
Phải chăng do nhịp sống nhanh, hối hả đôi khi làm người ta phản ứng quá nhanh mà thiếu đi sự suy nghĩ, cân nhắc?
Theo tôi tất cả xuất phát từ sự thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ những người tham gia giao thông. Chính sự thiếu ý thức của người lớn đã làm gương xấu không chỉ cho chính con em của họ mà còn cho nhiều người khác nữa.
Tôi có anh bạn là tuy là giám đốc một công ty xây dựng nhưng lại thích tự ôm vô lăng rong ruổi khắp nơi. Anh tâm sự: "Kinh nghiệm của tôi là cứ giơ tay xin đường đàng hoàng thì hiếm khi xảy ra chuyện, vì cánh tài xế thật ra họ rất thông cảm lẫn nhau chứ có ai lại muốn khó dễ làm gì. Cứ vượt ẩu, đâm ngang thì tránh sao không va chạm xô xát".
Hằng ngày tôi vẫn gặp không ít tài xế rất lịch sự sẵn lòng nhường đường cho các phương tiện khác, cho người đi bộ bang ngang qua. Nhưng dường như rất ít người kịp cúi đầu cảm ơn họ.
Ý thức tham gia giao thông phải được giáo dục, hướng dẫn, làm gương cho trẻ nhỏ từ chính thầy cô, cha mẹ thì may ra mới có kết quả chứ không phải những lời nói suông, những biểu ngữ sáo rỗng.
Cách đây hơn 20 năm chuyện dừng đúng vạch khi đèn đỏ là chuyện lạ, tuy nhiên nhờ sự tuyên truyền hữu hiệu và xử phạt nghiêm minh mà nay đã là điều mọi người chấp hành nghiêm túc. Ngay cả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông đứng ở ngã tư nhưng hễ ai nào lỡ trớn dừng quá vạch cũng phải tự giác lùi lại vì thấy kỳ kỳ, thấy mình không giống ai.
Và cả sự nghiêm minh của pháp luật
Nói rằng tình trạng giao thông lộn xộn do ý thức của người tham gia giao thông kém là không sai. Nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân kém lại có nguyên nhân rất lớn từ vấn đề thực thi pháp luật không nghiêm minh và tình trạng tiêu cực.
Hằng ngày trên đường không hiếm hình ảnh những người vi phạm luật giao thông đưa điện thoại cho... CSGT để chứng tỏ có quen biết "anh Bảy, chú Tám" nào đó mong được thông cảm cho qua.
Tôi không xét đoán việc CSGT tiếp nhận các cuộc gọi từ điện thoại của người vi phạm giao thông là đúng hay sai, tuy nhiên với hình ảnh ấy ít nhiều đã làm suy giảm sự nghiêm minh của pháp luật. Đó là chưa kể quyền được "thương lượng" hoặc "cưa đôi" lỗi vi phạm của những người phạm luật giao thông.
Xe buýt phóng nhanh vượt ẩu bất chấp những phương tiện khác, sẵn sàng lấn đường chèn ép các phương tiện khác để thoát khỏi đám kẹt xe, lấn đường kiểu "mạnh được yếu thua", cái sai đã thành cái đúng, điều bình thường?
Taxi quay đầu, giữa đường, rẽ ngang, phóng dọc đã có mấy trường hợp bị xử phạt?
Nói tóm lại để xây dựng văn hóa giao thông: xin hãy bắt đầu từ ý thức của chính từng người tham gia giao thông và sự nghiêm minh của lực lượng thừa hành pháp luật.
Làm sao xây dựng văn hóa giao thông? Ra đường gặp những người chạy xe vô ý thức, phải làm sao? Mời bạn chia sẻ hình ảnh, clip mà bạn ghi lại đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận