Ông Nguyễn Văn Phúc, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu như vậy tại Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức sáng 20-10.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết việc xây dựng Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; góp phần xây dựng hình ảnh con người TP.HCM "Sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo".
Phát biểu tại nghị, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định: "TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai một cách bài bản về trường học hạnh phúc. Việc xây dựng trường học hạnh phúc là phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục thế giới, để mỗi ngày giáo viên, học sinh đến trường là một ngày hạnh phúc".
Tuy nhiên, ông Phúc đề nghị các cơ sở giáo dục khi xây dựng trường học hạnh phúc cần làm thực chất, tránh hình thức:
"Không được hành chính hóa việc xây dựng trường học hạnh phúc. Tôi biết khi triển khai việc này, nhiều thầy cô hiệu trưởng sẽ lo lắng. Nhà trường tự đánh giá các tiêu chí của trường học hạnh phúc. Nhưng nếu kết quả tự đánh giá quá thấp thì họ có bị xét thi đua không?
Tôi đề nghị không đưa nội dung này vào thi đua. Để các trường thực hiện vì sự tiến bộ của chính nhà trường. Để sau mỗi năm, các trường sẽ đối chiếu lại, cứ năm sau tốt hơn năm trước là được".
Ông Phúc đánh giá: "Việc xây dựng trường học hạnh phúc là một quá trình phức tạp, lâu dài. Không thể giải quyết nó trong vài tháng hoặc vài năm. Vì vậy các cơ sở giáo dục cần bình tĩnh, xem cái gì thiết thực cần làm trước. Làm đúng các tiêu chí của trường học hạnh phúc nhưng khi hỏi học sinh, các em nói không hạnh phúc thì cũng chẳng có ý nghĩa gì".
Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc có gì?
Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM xây dựng, dựa trên cơ sở tham khảo Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc của UNESCO và điều kiện thực tế ở TP.HCM. Sau hơn một năm nghiên cứu và lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo, bộ tiêu chí đã chính thức ban hành ngày 16-10.
Bộ tiêu chí gồm 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: nhóm tiêu chuẩn về Con người gồm 6 tiêu chí; Nhóm tiêu chuẩn về Dạy học và Hoạt động giáo dục gồm 8 tiêu chí; Nhóm tiêu chuẩn về Môi trường gồm 4 tiêu chí.
Điểm đáng ghi nhận là các nội dung gợi ý thực hiện trường học hạnh phúc thể hiện quan điểm giáo dục khá tích cực và tiến bộ .
Ví dụ như: Chấp nhận, xem lỗi sai của người học như một phần của quá trình dạy học để hướng dẫn học sinh ngày càng tiến bộ; Học sinh có được ý thức về thành tích và thành tựu, không chỉ ở điểm số cao mà nhiều hơn là sự công nhận, khuyến khích, động viên từ giáo viên, cha mẹ, nhà trường; Vinh danh những gương học sinh điển hình trong quá trình học tập, rèn luyện…
Mỗi tiêu chí được đánh giá thành 3 mức: Cần cải thiện, Khá, Tốt.
Dựa trên bộ tiêu chí, lãnh đạo các cơ sở giáo dục tự đánh giá mức độ đạt được của đơn vị mình. Từ đó, chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt cần duy trì, chỉ tiêu nào chưa đạt được cao thì cần đưa ra mục tiêu, phương hướng để cải thiện mức độ và chất lượng để đạt trường học hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận