Tại hội thảo "Thương hiệu - Nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt" do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 27-6, bà Võ Thị Liên Hương - tổng giám đốc Công ty cổ phần Secoin - cho biết sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Tây Ban Nha, Mexico, Brazil… và doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực để khẳng định tên tuổi trên bản đồ xuất khẩu.
"Tuy vậy khi ra thế giới, người ta quan tâm đến sản phẩm Việt Nam, chứ không quan tâm đến từng thương hiệu, đó chính là yếu tố thương hiệu quốc gia. Vì vậy, khi phát triển câu chuyện về thương mại xanh, nếu một doanh nghiệp thực hiện thôi thì không đủ mà phải xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp xanh để làm sao khi nghĩ đến hàng Việt Nam là nghĩ đến sản phẩm xanh đầu tiên", bà Hương nói.
Rất đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Ngọc Hòa - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - cho rằng quá trình chuyển đổi xanh cần thực hiện đồng bộ. Chúng ta cần một rừng xanh - cả một cộng đồng Việt Nam đồng tâm hiệp lực chứ không phải chỉ một vài cây xanh, thì mới cải thiện được hình ảnh sản xuất của Việt Nam trên thị trường thế giới.
"Và khi nói đến rừng cây xanh, không chỉ có vai trò chính của doanh nghiệp, mà còn có vai trò quản lý của Nhà nước. Vì để doanh nghiệp chuyển đổi xanh, bắt buộc phải đầu tư và cần có nguồn lực", ông Hòa nhấn mạnh.
Quá trình xanh hóa của doanh nghiệp cần gắn với tầm nhìn, bởi chỉ khi nhận thức được thì doanh nghiệp sẽ hiểu "nếu không xanh hóa thì không tương lai". Và điều này đòi hỏi quyết tâm rất lớn và sự kiên trì của doanh nghiệp gắn với sự đầu tư công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, đội ngũ, nhận thức…
Thuận lợi của TP.HCM là vừa được Quốc hội thông qua nghị quyết 98. Đây cũng là cơ sở để HĐND ban hành nghị quyết 09 về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, cho phép hoạt động chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ lãi suất 100%.
Ông Hòa kiến nghị UBND TP.HCM sớm ban hành quyết định triển khai nghị quyết này để tạo điều kiện nguồn vốn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các tổ chức tài chính quốc tế cũng hình thành những khoản tài chính xanh, cho các doanh nghiệp tiếp cận với lãi suất tốt để thực hiện quá trình lãi suất xanh.
Ông Nguyễn Anh Đức - chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho rằng hiện nay ở thị trường trong nước, hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực, bám chắc xu hướng xanh, nhờ đó được người tiêu dùng đón nhận.
Nếu như trước đây theo đuổi tính xanh là sự đánh đổi chi phí thì bây giờ xanh hóa nhằm bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Khi ta có sản phẩm xanh, ta dễ dàng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và đây cũng là tấm "hộ chiếu xanh" quyền lực toàn cầu cho doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận