Du khách nước ngoài chọn mua đồ lưu niệm tại chợ đêm Bến Thành - Ảnh: Hữu Khoa |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lã Quốc Khánh - phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho rằng: “TP.HCM cần có cái nhìn thẳng thắn để đưa ra được những sản phẩm du lịch đột phá. Một trong những sản phẩm có thể làm ngay là quy hoạch các khu sinh hoạt về đêm”.
* Sở Du lịch TP đã có những cuộc khảo sát các dịch vụ kinh doanh về đêm, vậy ông cho biết nhu cầu sinh hoạt về đêm của người dân và du khách hiện nay như thế nào?
- Đầu tiên là chậm trong việc đưa ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Điều này một phần nguyên do từ các chính sách khuyến khích, tạo động lực ở cấp quản lý địa phương chậm.
Từ năm 2006 có thể thấy địa phương nào quan tâm thì du lịch phát triển nhanh. Như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Nha Trang, Hạ Long... đã đưa ra các sản phẩm riêng để phát triển du lịch. Hạn chế nữa là việc đầu tư vào các sản phẩm du lịch ít được ưu tiên.
Như TP.HCM phần lớn dựa vào xã hội hóa và thiếu chính sách ưu đãi, đặc biệt chưa có định hướng dẫn đến thiếu các ưu tiên tập trung để phát triển các sản phẩm đột phá.
Ví dụ du lịch đường thủy, TP.HCM rất có ưu thế về sông ngòi, kênh rạch nhưng chỉ có các tàu nhỏ đến, các tàu lớn đi về các địa phương khác hết.
Bởi TP.HCM thiếu cầu tàu, bến bãi tàu neo đậu. Nếu TP.HCM làm tốt điều này tạo ra thế du lịch “trên bến dưới thuyền” thì sẽ tạo sức hút gấp đôi.
Còn hiện nay sức hấp dẫn của du lịch TP giảm một nửa do du lịch đường thủy chậm phát triển.
Ông Lã Quốc Khánh - Ảnh: Đ.Dân |
Nếu nhìn thẳng vào vấn đề có thể thấy sức hấp dẫn của du lịch TP.HCM đang chậm đổi mới từ hình ảnh, diện mạo bởi phát triển đơn điệu, không đến nơi đến chốn, phát triển không có trọng điểm.
Đi sâu hơn có thể thấy du lịch TP mới cho khách nhận diện được sự năng động ở con người, còn ở nhịp sống của TP thì chưa. Khách du lịch không đơn thuần là đi chơi mà họ còn có nhu cầu khám phá văn hóa bản địa.
Bước thứ hai là khách sẽ trải nghiệm văn hóa bản địa để xem có hòa nhập hay đã phôi pha, xem họ có thích ứng được văn hóa bản địa không. Du lịch về đêm rơi vào bước thứ hai này.
Ngoài nhu cầu giao lưu văn hóa ra thì nhiều khách còn lệch múi giờ nên họ thường ngủ rất muộn (sau 2h-3h sáng) khi đến VN. Nói vậy để thấy nhu cầu của khách du lịch, dân bản địa sau 0h đêm là có thực.
Theo thống kê của sở thì nhu cầu sinh hoạt sau 0h là cần thiết, trong đó cư dân địa phương chiếm 60-70%, khách du lịch trong và ngoài nước chiếm 30-40%.
Nếu quan sát ở các khách sạn mini ở khu trung tâm thì thấy rõ du khách nước ngoài về nghỉ ngơi trước 0h đêm chỉ khoảng 10% (chủ yếu người lớn tuổi).
* Nếu pháp lý không rõ ràng, khó quản lý và dẫn đến những tiêu cực, ông có nghĩ vậy không?
- Hiện nay các dịch vụ về đêm vẫn làm nhưng hầu như không được Nhà nước cho phép mà hoạt động “ngầm”. Địa phương biết.
Như các bar hoạt động dọc đường Hai Bà Trưng nếu công an làm đúng quy định đóng cửa trước 0h đêm thì đều “dính” hết.
Vậy tại sao duy trì mà không công nhận? Như nhiều vụ gần đây dù karaoke không cho hoạt động sau 0h đêm nhưng khi bắt quả tang các “ổ nghiện” thì phát hiện họ hoạt động thâu đêm suốt sáng.
Hiện nay là không khai, không đăng ký nhưng vẫn cứ làm, ai đóng bảo kê thì yên được làm. Chưa kể đang có sự mập mờ trong quản lý các khu vực, các dịch vụ giải trí về đêm.
Ví dụ như khách du lịch và không ít người dân TP muốn đến bar uống bia, nghe nhạc giải trí nhưng trong danh mục đăng ký ngành nghề hiện nay không có bar.
Như vậy chúng ta đang né tránh thực tiễn mà đáng ra nên nhìn thẳng để có cách quản lý hiệu quả. Nếu chúng ta không làm “TP không ngủ” thì không thể hướng tới mục tiêu điểm đến thân thiện và hấp dẫn được.
* Nhu cầu sống trong TP không ngủ là rất lớn từ du khách nước ngoài, vậy khi nào thì có các dịch vụ này?
- Khách du lịch đến TP.HCM không chỉ có đi vui chơi giải trí mà họ còn có nhu cầu giao lưu với cuộc sống và văn hóa của người bản địa. Điều này rất hạn chế bởi hiện nay các điểm hoạt động sau 0h ở TP.HCM chủ yếu dành cho khách du lịch.
Mới đây quận 4 có đề xuất làm chợ đêm ở khu Bến Vân Đồn, TP hiện đã có chợ đêm ở Bến Thành.
Mô hình này sắp tới sẽ nghiên cứu đề xuất triển khai trên cơ sở đảm bảo được hàng hóa chất lượng với mức giá vừa phải, mỹ quan đô thị và an ninh trật tự.
Chứ để như chợ đêm Bến Thành hiện nay đang thả nổi về chất lượng và giá cả khiến nhiều du khách không an tâm khi tham gia.
Hay các điểm du lịch trên sông về đêm cũng cần được tạo sự kết nối và thể hiện được văn hóa sông nước của người Nam bộ.
Cần quy hoạch các khu vực “không ngủ” Tới đây, tôi đề xuất những điểm chính thức như các nhà hàng lớn, khách sạn 3-5 sao cần cho hoạt động sau 0h đêm nếu các cơ sở này có nhu cầu. Hiện nhiều cơ sở này rất muốn hoạt động sau 0h đêm nhưng quy định chưa cho phép. Quan trọng nhất là nên có quy hoạch các khu vực “không ngủ”, các khu vực này không chỉ nằm trong trung tâm quận 1. Ví dụ như quận 1 ngoài khu phố Tây ở Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão, có thể mở thêm ở đường Hai Bà Trưng, với quận 5 có thể mở ở khu Châu Văn Liêm. Quản lý các điểm này thành điểm đến tham quan, vui chơi giải trí bằng cách đưa vào danh mục đăng ký, dựa vào đó mà quản lý. Ở đây quan trọng là khâu hậu kiểm phải làm thực chất như đang làm với vỉa hè là không thể nể nang cũng không được làm theo kiểu hình thức. Cơ sở nào vi phạm phải xử lý theo đúng pháp luật. Làm được như thế ai cũng được lợi: du khách có điểm đến được pháp luật bảo vệ, chính quyền dễ quản lý, người kinh doanh chỉ cần đóng phí là có thể thức đêm kiếm tiền chính đáng. Doanh nghiệp muốn làm thì đăng ký với chính quyền rõ ràng, được hoạt động công khai mà không cần bảo kê. Việc triển khai “TP không ngủ” cần có lộ trình, đặc biệt phải nâng cao công tác quản lý các điểm trên bằng cách đưa ra các quy định, điều kiện cụ thể về ngành nghề, giờ giấc và địa điểm triển khai. Sau đó, dựa trên tình hình thực tế mở rộng thêm chứ không vội vã. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận