Tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh.
Tập thể dục dưỡng sinh buổi sáng tại chung cư Miếu Nổi, P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH
TP.HCM hiện có trên 1.200 chung cư. Dự kiến năm 2020 sẽ có khoảng 55% dân số Việt Nam sống ở chung cư. Tuy nhiên, việc quản lý vận hành chung cư đặt ra nhiều vấn đề và từ đó cũng phát sinh khá nhiều tranh chấp, mâu thuẫn giữa các chủ thể trong chung cư.
Văn hóa ứng xử từ mỗi cư dân
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho rằng: "Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong chung cư là cần thiết. Trong cuộc sống chung cư, văn hóa cao nhất là sự nhường nhịn nhau. Sự tự do của mỗi cá nhân nằm trong giới hạn bởi tự do của người khác. Mỗi cư dân dựa vào quy tắc ứng xử chung để tự ý thức và điều chỉnh hành vi ứng xử của mình cho phù hợp với lối sống của chung cư, tạo môi trường sống lành mạnh". Việc này, theo ông Châu, đòi hỏi trách nhiệm của doanh nghiệp, cư dân và sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - nguyên trưởng khoa đô thị học và quản lý đô thị Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - góp ý về quy tắc ứng xử chung cư: hiện chúng ta có quy chế gia đình văn hóa, xã, phường, khu phố văn hóa... nên phải nghĩ đến việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong chung cư.
"Lẽ ra phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong chung cư từ 10 năm trước. Báo Tuổi Trẻ có thể đóng vai trò trung gian trong việc kết nối cơ quan nhà nước, các chuyên gia và các chủ thể liên quan đến chung cư để ngồi bàn với nhau xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung này" - ông Hòa nói.
Văn hóa chung cư: bắt đầu từ câu chuyện an toàn
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng phòng quản lý nhà và công sở Sở Xây dựng TP.HCM, chia sẻ: để chung cư phát triển lành mạnh, trở thành môi trường sống tốt cần có sự điều chỉnh xung quanh thái độ ứng xử của năm chủ thể: chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, cư dân, ban quản trị và cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế, ông cho rằng việc hiểu biết và vận dụng pháp luật trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư hiện nay chưa cao. Các bên không hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình. Người dân sinh sống trong chung cư phải chủ động tìm hiểu quyền và nghĩa vụ của mình.
Ông Nguyễn Hồng Minh, tổng giám đốc Công ty quản lý tòa nhà PMC, cho rằng chung cư Việt Nam còn khoảng trống về quy định: thỏa thuận chung cư là thỏa thuận cộng đồng, nhưng thiếu các quy định thực thi thỏa thuận này. Nếu người dân chung cư không thực hiện, ban quản trị không có quyền xử phạt, bảo vệ chung cư lại càng không. Vì vậy, cần phải có quy định cho cơ quan công quyền quản lý đến tận hành lang chung cư. Ví dụ như ở Nhật Bản hay Singapore, mỗi khi có người vi phạm, họ sẽ gọi báo cảnh sát hoặc cơ quan nhà nước đến xử phạt.
Theo ông Minh: "Muốn đẩy nhanh văn hóa chung cư, ứng xử văn minh thì phải có giải pháp. Các cơ quan chức năng có thể đẩy thành phong trào xây dựng văn hóa chung cư, bắt đầu từ câu chuyện phòng cháy chữa cháy. Mỗi năm có một ngày nhất định để tuyên truyền cho toàn dân biết đến và nâng cao ý thức".
Thượng tá Phan Đức Tuấn, đại diện Công an TP.HCM, cho rằng: một chung cư không an toàn về cháy nổ, không bảo đảm vệ sinh... thì không thể gọi là chung cư văn hóa được. Theo ông Tuấn, để có văn hóa chung cư thì người dân trước hết phải chấp hành pháp luật, nội quy chung cư. Cư dân có ý thức tự quản, tự phòng tự bảo vệ tài sản của mình và của người khác. Nhà đầu tư phải có sự hợp tác với cơ quan chức năng, công an. Người dân cần có ý thức quan tâm đến việc chung như góp ý xây dựng quy tắc chung, họp hành, hội nghị nhà chung cư đầy đủ.
Nhà báo Đỗ Văn Dũng (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ):
Bạn đọc quan tâm nhiều nhất về nếp sống chung cư
Tuổi Trẻ đã đề cập rất nhiều vấn đề về chung cư, từ góc nhìn quản lý nhà nước đến câu chuyện kinh tế, đầu tư và sau này về văn hóa, nếp sống. Khi phát động diễn đàn "Văn hóa chung cư", Tuổi Trẻ được nhiều bạn đọc ủng hộ, quan tâm và phản hồi. Nhiều bài viết kể những câu chuyện rất thú vị về cách sống, sự sẻ chia, tình hàng xóm, mâu thuẫn trong chung cư. Nhiều bài viết được sự quan tâm, bình luận sôi nổi của bạn đọc. Hiện tại, các nhà đầu tư đã xây dựng nhiều chung cư lớn, cố gắng đáp ứng nhiều tiện ích, nâng chất lượng sống cho cư dân. Nhưng còn nhiều nỗi lo về nếp sống, phong cách sống, thói quen ứng xử giữa những cư dân với nhau.
Tọa đàm hôm nay cho chúng ta nhiều góc nhìn, nhiều cách tiếp cận khác nhau về văn hóa chung cư để tìm ra lời giải cho chính vấn đề này. Có thể xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chung của chung cư làm chuẩn để người dân, ban quản trị, chủ đầu tư, người quản lý vận hành... cùng áp dụng, ứng xử với nhau.
Ông Trần Quốc Dũng (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh):
Thể hiện văn hóa: trước tiên từ tuân thủ nội quy
Trong các chung cư do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư, chúng tôi luôn phát cuốn sổ tay chung cư quy định nội quy kèm theo hợp đồng mua bán khi bàn giao căn hộ. Tôi mong nhà đầu tư và cư dân quan tâm đúng mức đến hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất. Đây là hội nghị thông qua nhiều văn bản quan trọng, trong đó có nội quy, quy chế. Tuân thủ nội quy tức là thể hiện văn hóa sống trong chung cư.
Sau diễn đàn này, mong báo Tuổi Trẻ và các cơ quan chức năng tiếp tục theo đuổi để xây dựng bộ quy chuẩn văn hóa chung cư. Mong cư dân, ban quản trị, các công ty quản lý, Hiệp hội Bất động sản và đặc biệt là các cơ quan chức năng cùng góp ý, xây dựng nội dung và hình thức. Bộ quy chuẩn chung này sẽ là chuẩn mực để từ đó các chung cư xây dựng nội quy, hương ước, quy tắc ứng xử riêng cho phù hợp với trình độ, lối sống, thói quen... riêng mỗi chung cư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận