17/05/2019 17:34 GMT+7

Xây dựng Quốc hội điện tử, đại biểu chỉ cần chiếc điện thoại

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - "Đại biểu Quốc hội chỉ cần cầm chiếc điện thoại thông minh vào hội trường, không cần mang theo giấy tờ", Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết như vậy.

Xây dựng Quốc hội điện tử, đại biểu chỉ cần chiếc điện thoại - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo về chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội chiều 17-5 - Ảnh: LÊ KIÊN

"Các vấn đề đưa ra để Quốc hội xem xét, quyết định đều là vấn đề quan trọng, liên quan đến quốc kế dân sinh và vấn đề nào tôi cũng quan tâm, tôi không quan niệm vấn đề nào 'nóng'", ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của phóng viên khi chủ trì cuộc họp báo chiều 17-5 về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Đại biểu đem điện thoại thông minh vào hội trường

Trả lời câu hỏi "liệu Quốc hội có ra nghị quyết liên quan đến vi phạm an toàn giao thông tại kỳ họp lần này không?", ông Phúc cho biết: Gần đây có đề nghị là trước tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây bức xúc trong thời gian qua, đặc biệt là người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia gây tai nạn, Quốc hội cần ra nghị quyết tăng mức chế tài với loại hành vi vi phạm này.

"Về hình thức thì có thể ra nghị quyết riêng hoặc có trong nghị quyết chung, tới đây Quốc hội sẽ thảo luận để quyết định", Tổng thư ký Quốc hội nói.

Đề cập đến những điểm mới tại kỳ họp này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: Quốc hội sẽ thí điểm ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong việc cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội (ĐBQH). 

Ví dụ như tra cứu hệ thống pháp luật quốc tế liên quan đến một dự án luật mà Quốc hội đang xem xét, quá trình xây dựng quy định về lĩnh vực đó. Việc thăm dò ý kiến của ĐBQH cũng được thực hiện qua thông tin điện tử.

"Như vậy, đại biểu chỉ cần cầm chiếc điện thoại thông minh vào hội trường, không cần mang theo giấy tờ. Tinh thần là phải xây dựng Quốc hội điện tử", ông Phúc nêu.

Xây dựng Quốc hội điện tử, đại biểu chỉ cần chiếc điện thoại - Ảnh 2.

Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu nội dung, chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội - Ảnh: LÊ KIÊN

Trọng tâm là công tác lập pháp

Theo trình bày của phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Mạnh Hùng, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 7 vào ngày 20-5, thời gian làm việc khoảng 20 ngày (dự kiến bế mạc ngày 14-6), trong đó phần lớn thời gian của kỳ họp dành cho công tác lập pháp (12 ngày).

Cụ thể, Quốc hội sẽ thông qua 7 dự án luật, bao gồm: Luật giáo dục (sửa đổi); Luật kiến trúc; Luật quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công; Luật thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ.

Quốc hội sẽ cho ý kiến với 9 dự án luật khác, trong đó có Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức…

Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013, có hiệu lực đến hết năm 2018. Kỳ họp này, Quốc hội cũng dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Quốc hội lùi Luật đặc khu, kêu gọi người dân bình tĩnh

TTO - Trước chương trình họp chính thức sáng 11-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đứng lên kêu gọi người dân bình tĩnh trước thông tin tụ tập đông người tại một số nơi.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên