Tại hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu", do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương TP.HCM tổ chức ngày 28-2 tại khách sạn Rex (TP.HCM), các chuyên gia cho rằng xây dựng Luật công nghiệp để thúc đẩy cho phát triển các ngành công nghiệp, làm nền tảng thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công hơn.
Đề xuất sớm có luật thúc đẩy các ngành công nghiệp
Nói về chương trình hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM, ông Trần Anh Hào - trưởng phòng quản lý công nghiệp - Sở Công Thương TP.HCM - cho biết từ năm 2015, thành phố đã bắt đầu xây dựng đề án thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.
Đến nay, chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, là nền tảng cho tỉ lệ nội địa hóa của thành phố luôn đạt trên 50%.
Tuy vậy, ông Hào cho rằng khó khăn là đến nay ngành công nghiệp chưa được luật hóa, công tác quản lý quy hoạch, chiến lược phát triển, đặc biệt trong quản lý và liên kết vùng còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực công nghiệp còn phân tán, đa số doanh nghiệp là nhỏ và vừa, nên bị hạn chế về nhân sự, nguồn lực tài chính, nghiên cứu phát triển sản phẩm.
Ông Hào cho rằng để ngành này thực sự phát triển, cần tập trung vào phát triển quỹ đất công nghiệp, nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối cung cầu... Trong đó sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý là Luật công nghiệp và thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp quốc gia.
Hỗ trợ doanh nghiệp đầu đàn
TS Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế CIEM, cho rằng trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, Việt Nam có nhiều lợi thế khi ở vị trí trung tâm ở châu Á - Thái Bình Dương, là vùng năng động nhất để phát triển, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Tuy vậy, để trả lời câu hỏi Việt Nam có công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành công không thì không có đáp án cụ thể. Chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine, dịch bệnh là… bất định, nhưng những nỗ lực về phát triển của doanh nghiệp là sự hiện hữu.
Đặc biệt, xây dựng chuỗi cung ứng thường gắn với những lợi thế so sánh, chi phí vận chuyển, tự động hóa... nên câu chuyện không chỉ còn là hiệu quả, công nghệ mà còn là lòng tin giữa các đối tác, xu hướng bảo hộ gia tăng. "Các đối tác mà Việt Nam tham gia đều là "toàn diện", "chiến lược", sẽ là cơ hội để hợp tác, tạo nên lòng tin chiến lược", ông Thành lưu ý.
Vấn đề của Việt Nam, theo ông Thành, khi xác định "hạt giống tiềm năng" thì cần có chính sách hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu đàn. Đó là những công ty tiên phong, thu hút tạo dựng được liên kết với các doanh nghiệp và các thể chế liên quan.
Tuy vậy, ông nói rằng điều đáng tiếc là trước đây dù CIEM đã xây dựng chính sách này nhưng sau đó phải "đút gầm bàn" và không thể thực hiện.
Ông Phil Kyun Choi, chuyên gia đến từ Hàn Quốc, đã chia sẻ các quy trình để các doanh nghiệp này nhận hỗ trợ từ chính phủ nước này trong thời gian đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Đáng chú ý nhất đó là xây dựng nền tảng xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp xuất khẩu. Mục đích là công ty xuất khẩu có thể đưa mặt hàng, dịch vụ lên trang này để nhà nhập khẩu ở nước ngoài tìm kiếm được dễ dàng hơn. Chúng tôi cũng mong xây dựng hệ thống trang thông tin như vậy giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhà xuất khẩu tốt hơn", ông Phil Kyun Choi chia sẻ.
Những thách thức của doanh nghiệp Việt Nam
Doanh nghiệp Việt Nam không có lợi thế vốn, công nghệ và đang ở mức thấp nhất trong chuỗi giá trị. Cụ thể, chuỗi giá trị do nhà sản xuất chi phối như ô tô, điện tử đã không thành công trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, còn với chuỗi giá trị do người mua chi phối như dệt may, da giày thì Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh chi phí lao động, dịch vụ cao….
Đặt trong bối cảnh chuyển đổi quan trọng của cuộc cách mạng 4.0, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, kết nối tài chính, sự linh hoạt của đối tác sản phẩm buộc Việt Nam phải tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn.
Do đó, ngành dệt may, da giày và điện tử có đặc trưng là hàm lượng lao động cao, lệ thuộc vào nhập khẩu, FDI chiếm tỉ trọng lớn, bị người mua hàng chi phối, thì cần phải sàng lọc lại để nâng cao năng lực và có chính sách hỗ trợ trọng tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận