17/08/2016 08:44 GMT+7

Xây dựng đô thị thông minh: Đi tìm mô hình cho TP.HCM

MAI HƯƠNG - TRẦN KIM ANH (maihuong@tuoitre.com.vn)
MAI HƯƠNG - TRẦN KIM ANH ([email protected])

TTO - Từ nay đến năm 2025 đặt nền móng và xây dựng TP.HCM theo hướng TP thông minh là quyết tâm được lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh trong những buổi làm việc gần đây về đường hướng phát triển của TP.HCM.

*** Error ***
UBND Q.1, TP.HCM là một trong những đơn vị cải cách hành chính theo mô hình một dấu, một cửa nên hạn chế rất nhiều phiền hà cho người dân. Trong ảnh: người dân làm thủ tục hành chính tại UBND Q.1 - Ảnh: TỰ TRUNG

Cùng bàn về nội dung này, các chuyên gia, đại diện các tập đoàn, công ty công nghệ thông tin cũng như nhiều người dân TP.HCM đã phác thảo và đề xuất nhiều giải pháp cho mô hình TP.HCM thông minh trong tương lai.

Tạo được nhiều tiện ích

Tại hội thảo về giải pháp tổng thể xây dựng mô hình TP thông minh cho TP.HCM vừa được Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế tổ chức mới đây, các chuyên gia đều có chung lý giải rằng đô thị thông minh hiểu đơn giản là đô thị mà mỗi người sống trong đó được cung cấp mọi công cụ, được tạo mọi điều kiện để tất cả hoạt động như sinh sống, làm việc, học tập, giải trí... của họ được đơn giản, thuận tiện, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Mỗi TP, mỗi quốc gia có thể chọn một khía cạnh để cải cách mạnh mẽ nhằm mang lại tiện ích cao nhất.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, chuyên gia kỹ thuật đến từ Tập đoàn Microsoft, nêu ví dụ: Chẳng hạn như hệ thống xe buýt tại Helsinki (Phần Lan) đã sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu để phục vụ tốt hơn, giảm chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành, hỗ trợ người dân tìm được tuyến xe, tuyến đường phải đi nhanh chóng. Hoặc thủ đô Paris của Pháp chọn khía cạnh giám sát giao thông thông minh để giảm lượng khí thải carbon và làm giảm ùn tắc giao thông. Họ cung cấp thông tin và các lựa chọn vận chuyển linh hoạt cho hơn 8 triệu người sống trong và xung quanh thủ đô. Còn như ở New Zealand, khi người dân muốn vào trung tâm TP thì có công cụ hỗ trợ, tính toán cho họ biết được ngay tất cả chi phí cần trả cho các dịch vụ là bao nhiêu, phải đi đường nào gần nhất, phương tiện nào tiết kiệm chi phí nhất...

Ông Giang cũng nhấn mạnh đến khái niệm “TP thấu hiểu”. Theo ông Giang, một TP hiện đại là TP phải có hệ thống dữ liệu thật tốt để cả chính quyền và từng người dân, doanh nghiệp có thể thấu hiểu, từ đó có được cái nhìn sâu sắc để cải thiện môi trường sống và đem lại tiện ích. TP phải có cơ chế thu thập được thông tin để hiểu rõ hơn và phục vụ tốt hơn. Nói đơn giản hơn là phải có cách thức thu thập nhanh thông tin và xử lý nhanh các tình huống từ thông tin có được.

Giải pháp đưa ra là phải tiến tới “cảm biến toàn TP” - tạo và chia sẻ thông tin toàn cảnh về TP. Cụ thể: thu thập dữ liệu nội bộ từng ngành và cả dữ liệu phản ánh từ bên ngoài ở tất cả các kênh và đối tác (về giao thông, y tế, năng lượng, môi trường), tiến tới minh bạch và chia sẻ các thông tin đó với công dân và doanh nghiệp.

“Ở TP thông minh, thông tin được trao đổi, chia sẻ một cách đơn giản, dễ dàng giữa người dân với nhau và giữa người dân với nhà quản lý. Ví dụ như ở lĩnh vực giao thông, người dân sẽ trở thành người giám sát mọi hoạt động cũng như sự cố giao thông trên đường và báo về cho cơ quan quản lý nhanh nhất. Từ đó cơ quan quản lý sẽ có phản ứng xử lý nhanh nhất” - ông Giang nói.

Giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc

Ông Phạm Đức Long - tổng giám đốc VNPT - cho biết trên thế giới hiện có 30 TP thông minh và dự kiến đến năm 2025 sẽ có 90 TP. Với những điều kiện về hạ tầng công nghệ có sẵn hiện nay, mục tiêu đến năm 2025 xây dựng TP.HCM trở thành “TP thông minh” là hoàn toàn khả thi nếu việc này được phân kỳ hợp lý.

“Ở thành phố thông minh, thông tin được trao đổi, chia sẻ một cách đơn giản, dễ dàng giữa người dân với nhau và giữa người dân với nhà quản lý

Ông Nguyễn Hoàng Giang

Cụ thể, VNPT đề xuất quá trình thực hiện đề án “TP thông minh” tại TP.HCM cần chia làm hai giai đoạn: trong 5 năm đầu tiên tập trung vào các khía cạnh mà người dân còn nhiều quan tâm như thực hiện các chương trình giao thông thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh... để giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như kẹt xe, ngập nước...

Trong những năm tiếp theo, cần tùy theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP để lựa chọn các lĩnh vực khác, ưu tiên đầu tư thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, qua đó giúp TP ngày càng “thông minh” hơn.

Theo phác thảo của VNPT, khi TP.HCM trở thành “TP thông minh”, các dịch vụ công sẽ được thao tác trực tuyến đơn giản. TP sẽ có hệ thống camera kiểm soát giao thông thông minh, tự điều chỉnh để giúp điều phối, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó là các hệ thống bãi đậu xe thông minh, quản lý lưới điện, quản lý nguồn nước sạch, giám sát môi trường, quản lý rác thải... TP thông minh còn phải là một TP an toàn với hệ thống camera giám sát phát hiện các tình huống khẩn cấp, phòng chống cướp giật... kết nối với xe cảnh sát.

Về giáo dục, giải pháp được đưa ra là xây dựng các mô hình quản lý nhà trường, học sinh, hỗ trợ các thiết bị thông minh, giúp phụ huynh theo dõi con cái. Ở lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, VNPT đưa ra các giải pháp như quản lý bệnh viện, số hóa bệnh án, hỗ trợ thanh toán BHYT đến quản lý tệ nạn, vô gia cư, BHXH...

Trong khía cạnh này, chuyên gia đến từ hệ thống y tế Trường Canh (Đài Loan) đề xuất mô hình bệnh viện ứng dụng khoa học công nghệ giúp giảm thiểu sai sót, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân: cụ thể như quản lý cấp thuốc tự động, Internet hóa công tác truyền máu, truyền tải dữ liệu bệnh nhân lên điện toán đám mây...

Thành phố thông minh trong mắt người dân

* Bà Trần Thị Diễm Kiều (ngụ Q.Bình Thạnh):

Tiện lợi khi di chuyển

Có lần tôi đi du lịch ở Singapore thấy một chiếc xe chở vật liệu làm rơi đất xuống đường, ngay lập tức hệ thống liền báo “có vật cản” đồng thời hướng dẫn các xe đang di chuyển về con đường đó đi hướng khác đến khi đống đất trên đường được dọn sạch.

Tôi chỉ mong TP.HCM khi xây dựng cơ sở hạ tầng nên ứng dụng công nghệ vào việc thông báo các vấn đề ngập lụt, kẹt xe, tai nạn... để mọi người có thể truy cập, biết thông tin nhằm chọn đường đi lại phù hợp hơn.

Camera giám sát sẽ truyền trực tiếp hình ảnh từ khu vực có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao để trung tâm điều phối ra quyết định nhanh chóng nhằm giảm ùn tắc giao thông.

* Bà Huỳnh Thị Bích Vân (kế toán, ngụ Q.Thủ Đức):

Thủ tục hành chính nhanh chóng

Tôi nghĩ TP thông minh không phải cái gì to tát, mà phải được thể hiện trong tất cả dịch vụ thường ngày như lấy số điện tử và báo lịch khám bệnh online cho bệnh nhân, cho người làm thủ tục hành chính. Qua Internet, người dân có thể giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo được mục đích mong muốn, tiết kiệm thời gian đi lại.

* Ông Trần Nghĩa Trung (chuyên viên tài chính, ngụ Q.6):

Xanh, sạch hơn

Tôi mong đợi một TP xanh sạch hơn, các hệ thống phân loại, phân hủy nước thải, rác thải sẽ đầy đủ và tốt hơn.

Hệ thống phương tiện vận chuyển đa dạng, có các tuyến đi thẳng đến một số quận trung tâm, sân bay, công viên, trường học... nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm.

TP thông minh sẽ có hệ thống dịch vụ công cộng (nhà vệ sinh, nước uống miễn phí, thùng rác thông minh) đầy đủ, thân thiện với môi trường. Các phương tiện giao thông, máy móc cũng sẽ sử dụng nhiên liệu tái chế được.

Bây giờ đa số ai cũng có smartphone, nên tôi nghĩ bất kỳ nhu cầu nào của người dân đều phải được đáp ứng trong vài thao tác. Từ những hoạt động thường nhật như đi lại, học hành, làm việc cho đến giải quyết các thủ tục hành chính.

Người dân có thể đặt hẹn trước với cơ quan chức năng, hoàn tất thủ tục qua website... Nhưng khi triển khai cũng cần lưu ý việc bảo mật thông tin cho người dân yên tâm.

(còn nữa)

MAI HƯƠNG - TRẦN KIM ANH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên