13/12/2020 08:13 GMT+7

Xây dựng cơ chế để không thể, không dám và không cần tham nhũng

Theo TTXVN
Theo TTXVN

TTO - Hôm qua 12-12, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 tại Hà Nội và trực tuyến đến hơn 80 điểm cầu trong cả nước.

Xây dựng cơ chế để không thể, không dám và không cần tham nhũng - Ảnh 1.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: TTXVN

Trong bài phát biểu dài 75 phút chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - khẳng định nhìn lại chặng đường 8 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt. Đây chính là cơ sở và nguồn động lực to lớn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Phòng chống tham nhũng là chống giặc nội xâm

"Không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm chậm sự phát triển đất nước. Ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, chùn bước những người nhỡ "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và dũng khí" - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Phân tích về nguyên nhân đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ nhiều bài học quý, có ý nghĩa về mặt lý luận, thực tiễn đã được rút ra.

Đó là trong công tác phòng chống tham nhũng, trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng; phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng chống tham nhũng.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh phòng chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài. Do đó phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng", "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng", một cơ chế để "không cần tham nhũng".

Bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở"

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" bởi hai mặt này có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai.

Ông yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của mình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Các cơ quan tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng.

Xây dựng cơ chế để không thể, không dám và không cần tham nhũng - Ảnh 2.

Đồ họa: N.KH.

5 nhiệm vụ, giải pháp

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ:

* Một là, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

* Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".

* Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

* Bốn là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" thể chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hóa.

* Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng. Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này. Tôi đã nhiều lần nói: Phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực!

Kỷ luật một vài người để cứu muôn người

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo, quan điểm: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

Ông nhấn mạnh: "Tôi đã nhiều lần nói rằng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm.

Kỷ luật một vài người để cứu muôn người, và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây".

Lãnh đạo phải trọng liêm sỉ, biết xấu hổ khi bản thân, người thân tham nhũng Lãnh đạo phải trọng liêm sỉ, biết xấu hổ khi bản thân, người thân tham nhũng

TTO - Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí.

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên