16/01/2017 10:49 GMT+7

Xây dựng chuẩn để nâng chất giáo dục nghề nghiệp

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TTO - Trước thềm Hội nghị toàn quốc về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được tổ chức tại TP.HCM ngày 16-1, TS Nguyễn Hồng Minh - tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH - đã có cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ.

Giờ thực hành nghề công nghệ ôtô tại Trường CĐ nghề Thanh niên dân tộc nội trú Tây nguyên - Ảnh: Hồng Hưng
Giờ thực hành nghề công nghệ ôtô tại Trường CĐ nghề Thanh niên dân tộc nội trú Tây nguyên - Ảnh: Hồng Hưng

Mối quan hệ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp còn khá lỏng lẻo. Tổng cục Dạy nghề sẽ tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH xây dựng các cơ chế chính sách bảo đảm tính khả thi quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp được quy định bởi Luật GDNN.

TS NGUYỄN HỒNG MINH

TS Nguyễn Hồng Minh chia sẻ:

- Việc mở ra khả năng di chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề cao, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ và tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động VN chưa cao.

Kỹ năng nghề chưa đáp ứng yêu cầu

* Theo ông, đâu là điểm yếu căn bản của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) khiến hệ thống này chưa thật sự sẵn sàng hội nhập, chưa tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đủ sức cạnh tranh với các nước?

- Thực tế trong một thời gian dài, hệ thống GD-ĐT VN nói chung và GDNN nói riêng đều thực hiện theo hướng “cung”, nên kỹ năng thực hành, kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Đặc biệt, khả năng hòa nhập của người học sau tốt nghiệp trong môi trường lao động khu vực và toàn cầu còn yếu do đào tạo trong nhà trường chưa chú trọng xứng đáng cho tiếng Anh và tác phong công nghiệp. Khả năng thích ứng với thay đổi, kỹ năng thực hành và ý thức làm việc cũng là những thách thức không nhỏ đối với lao động VN.

* Đâu là “nút thắt” cần tháo gỡ để nâng cao chất lượng đào tạo nghề?

- GDNN buộc phải đổi mới và nâng cao chất lượng. Trước hết, phải tập trung xây dựng các chuẩn, nhất là các chuẩn về đào tạo theo khung trình độ quốc gia, chuẩn giáo viên, chuẩn trang thiết bị đào tạo, từ đó thực hiện chuẩn hóa trong toàn hệ thống. Chúng ta cũng cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo theo hướng đạt chuẩn quốc gia, khu vực và thế giới, đồng thời nâng cao cả chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý các trường nghề.

Ngoài ra, phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị của các trường, đổi mới xây dựng chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo. Đặc biệt, phải tăng cường gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp trong tất cả các khâu của quá trình tổ chức đào tạo.

Đào tạo nghề cũng nặng “ứng thí”, “luyện gà nòi”?

* Theo Tổng cục Thống kê (GSO), tỉ lệ lao động qua đào tạo mới chạm mốc 21%, trong khi con số tương tự do Bộ LĐ-TB&XH công bố lại lên đến hơn 50%. Ông bình luận gì về số liệu có vẻ rất mâu thuẫn này?

- Đó là hai cách tiếp cận khác nhau. Theo cách tiếp cận của GSO, lao động qua đào tạo chỉ bao gồm những người có chuyên môn kỹ thuật với bằng cấp, chứng chỉ từ 3 tháng trở lên. Còn theo cách tiếp cận của Bộ LĐ-TB&XH, đó là đối tượng qua đào tạo nghề ở tất cả các trình độ CĐ, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng.

Hai số liệu này đang được sử dụng đồng thời. Khi thực hiện công bố thống kê nhà nước thì sử dụng số liệu của GSO, còn khi phản ánh thực trạng chất lượng nguồn nhân lực thì có thể sử dụng số liệu của Bộ LĐ-TB&XH. Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH đã được đưa vào trong các báo cáo của Đảng và Quốc hội.

Theo chúng tôi, sắp tới cũng cần có sự trao đổi giữa các cơ quan có liên quan để thống nhất chỉ tiêu thống kê và cách tính để đưa ra một con số, tránh sự hiểu lầm trong xã hội và trong trích dẫn của các tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, dù cách tính thế nào thì thực tế cho thấy tỉ lệ lao động qua đào tạo ở VN còn thấp, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Thời gian tới sẽ phải tăng quy mô đào tạo hợp lý để nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp trong cơ cấu nhân lực quốc gia đến năm 2020 đạt gần 60%.

Song quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng cho doanh nghiệp lao động có khả năng làm việc trong môi trường cạnh tranh cao, môi trường làm việc đa văn hóa.

* Theo đánh giá chung về nguồn nhân lực của WB, nếu lấy thang điểm 10 thì VN chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Tại sao VN thường đoạt giải cao thi tay nghề khu vực và quốc tế nhưng thực tế lại thiếu vắng lao động có trình độ tay nghề bậc cao? Phải chăng trong GDNN vốn chuyên chú cho mục tiêu đào tạo nghề nhưng vẫn mang nặng tâm lý ứng thí, “luyện gà nòi” mà chưa thực sự quan tâm đến nâng cao mặt bằng chất lượng đào tạo chung?

- Những nhận định của WB và các tổ chức quốc tế, dù rằng còn phải bàn luận về phạm vi đánh giá, nhưng đó là những cảnh báo rất hữu ích đối với các cơ quan quản lý nhà nước VN. Việc tổ chức các hội thi quốc gia để hướng tới các hội thi khu vực và thế giới đã tạo ra “lực đẩy” cho các trường chú trọng đến nâng cao chất lượng đào tạo.

Song việc đoạt giải trong các hội thi không phản ánh đầy đủ chất lượng chung của nguồn nhân lực quốc gia. Không thể lấy kết quả không cao của Singarore qua các hội thi để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của quốc đảo này là thấp.

Tuy nhiên, sau nhiều năm tham gia và ngày càng đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới cho thấy để đạt được kết quả như vậy cần đầu tư thích đáng về nguồn lực, đặc biệt là trang thiết bị và điều kiện thực hành, thực tập tiên tiến cùng với chuyên gia đào tạo có trình độ cao. Như thế, để đầu tư đại trà cho nhiều ngành nghề vẫn khó khăn trong điều kiện của nước ta hiện nay.

Trong thực tế thực hiện, đúng là có hiện tượng chạy theo thành tích của một số cơ sở dạy nghề, nhưng hiện tượng đó không phản ánh tình hình chung.

Mục tiêu chung của hệ thống là nâng cao chất lượng đào tạo để cung ứng nhân lực có năng lực làm việc, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và thị trường lao động, chứ không chỉ chú trọng đến luyện thi để phục vụ cho các hội thi.

Xin được nhấn mạnh: tham gia hội thi chỉ là một trong những hoạt động thúc đẩy để nâng cao chất lượng đào tạo, chứ không phải là mục tiêu đào tạo của hệ thống GDNN.

Buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo

Theo TS Nguyễn Hồng Minh, hiện nay cung lao động khá dư thừa cộng với gần 90% doanh nghiệp VN là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu nên chỉ muốn sử dụng lao động chưa qua đào tạo để giá rẻ, dễ tuyển dụng.

Thêm một thực tế khác là chất lượng đào tạo mặc dù có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Người học sau tốt nghiệp chưa có được những kỹ năng cần thiết mà doanh nghiệp cần, buộc họ phải đào tạo lại.

Đây là vấn đề có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của GDNN. Mục tiêu của người học nghề là đi học nghề để có nghề, để có thể kiếm được việc làm, nhưng thực tế, với việc tuyển dụng của doanh nghiệp hiện nay, nhiều người không cần học nghề vẫn được tuyển dụng vào làm việc, làm cho nhiều người học khác không muốn đến trường nghề, để mất 1, 2 hoặc 3 năm học mới có thể tìm kiếm được việc làm.

Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN. Từ việc tham gia đào tạo, doanh nghiệp sẽ dễ dàng chấp nhận người lao động do mình đào tạo.

Ngoài ra, cũng cần áp dụng chính sách bắt buộc doanh nghiệp chỉ được tuyển dụng lao động qua đào tạo.

Hiện nay, chính sách đã có nhưng đang chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và liên quan đến sức khỏe con người.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên