Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi bà con nhân dân huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng - Ảnh: Quang Hiếu |
Cùng ngày 7-5, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng có các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri.
Chính phủ gần dân, vì dân
Đơn vị bầu cử số 3 TP Hải Phòng gồm năm ứng cử viên: ông Nguyễn Xuân Phúc - thủ tướng Chính phủ, ông Mai Hồng Hải - tổng giám đốc Công ty ximăng Vicem Hải Phòng, bà Trần Thu Nga - trưởng phòng bảo tồn giống - vật nuôi cây trồng và hợp tác đối ngoại Trung tâm giống và phát triển nông lâm nghiệp công nghệ cao (Sở NN& PTNT Hải Phòng) , ông Lã Thanh Tân - phó giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng, ông Trần Thế Tiến - trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Kiến An.
Trình bày chương trình hành động trước cử tri, các ứng cử viên đều khẳng định nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ nỗ lực phấn đấu xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri, xứng đáng với vai trò người đại biểu nhân dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ trong sạch, gần dân, vì dân, đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng, lãng phí, thực hiện thật tốt nghị quyết Đại hội XII của Đảng...
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công dự án khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu, TP Hải Phòng. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta cần nhiều công trình cho nhân dân, cho xã hội để thúc đẩy kinh tế phát triển”.
Cần cả hệ thống tham gia chống tham nhũng
Cùng tham dự tiếp xúc cử tri huyện Hoành Bồ và TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) có ông Phạm Minh Chính - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tổ chức trung ương, ông Vũ Hồng Thanh - phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Lê Minh Chuẩn - chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, ông Hoàng Bạch Đằng - giám đốc Trung tâm cấp cứu mỏ - TKV, ông Vũ Xuân Phú - phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Tại các cuộc gặp, cử tri đã bày tỏ băn khoăn về nhiều vấn đề như: công tác phòng chống tham nhũng, ngăn chặn thực phẩm bẩn, bảo vệ môi trường... Ông Chính đánh giá việc chống tham nhũng đã thực hiện nhiều năm nhưng hiệu quả chưa cao và khẳng định việc phòng chống tham nhũng phải bằng hệ thống, bằng cơ chế công khai, minh bạch. Nếu được trúng cử, các đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung đóng góp vào xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả hơn cho vấn đề này.
Đối với công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Chính cũng đóng góp một số ý kiến để thực hiện triển khai như lập quy hoạch sản xuất cây trồng - vật nuôi sạch, quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương có thực phẩm bẩn, nâng cao nhận thức của người dân... Ngoài ra, ông cũng cho biết sẽ nghiên cứu kỹ các vấn đề được cử tri nêu ra, góp ý cùng các ban, ngành như công tác xây dựng luật pháp, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường...
Chưa ứng phó đúng với biến đổi khí hậu
Trong ngày 7-5, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Quốc hội - tiếp tục tiếp xúc cử tri là giảng viên và sinh viên ĐH Cần Thơ.
Cử tri Lê Quang Trí (giáo sư, viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ) cho biết giữa năm 2015 đơn vị đã có báo cáo cảnh báo trước là hạn, mặn gay gắt sẽ xảy ra trong năm 2016, “lúc đó các đại biểu Quốc hội có tác động Chính phủ chuẩn bị một số kế hoạch nhưng theo tôi, kế hoạch này chưa nhanh lắm nên khi hạn, mặn xảy ra thì tiếp cận chậm, người dân xuống giống ồ ạt, do đó dù có sự chuẩn bị trước cũng bị thiệt hại”.
Ông Trí kiến nghị: “Chủ tịch Quốc hội tác động Chính phủ có hành động cụ thể hơn cho vấn đề ứng phó của ĐBSCL trong thời gian tới. Sắp tới, hiện tượng La Nina xảy ra thì cũng phải chuẩn bị trước...”.
Thay mặt các ứng cử viên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, có kịch bản nhưng chỉ trong vòng nhiệm kỳ của Quốc hội thì tất cả kịch bản đi nhanh hơn chúng ta tưởng, tác hại nhiều hơn dự kiến. Đặc biệt trong năm nay không có kịch bản nào dự báo được tác hại đến mức như vậy. Cấp thùng chứa nước cho dân chỉ là giải pháp trước mắt, hỗ trợ cho dân một cách căn cơ thì Nhà nước phải làm”.
Không để người dân nào bị gạt ra ngoài cộng đồng
“Tôi sẽ quyết liệt cải cách hành chính với tinh thần vì dân hành động, bảo đảm sự tham gia của nhân dân trong quy trình ra các quyết định về chính sách để mọi người dân đều thấy được vai trò của mình trong xã hội, không ai bị gạt ra ngoài cộng đồng” - ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM, khẳng định trong chương trình hành động được trình bày tại hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 9 (Củ Chi, Hóc Môn) vào ngày 7-5.
Ông Thăng cho biết sẽ đảm bảo cho MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội tham gia giám sát hoạt động của chính quyền, tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý hoạt động công quyền...
Đối với định hướng phát triển của TP.HCM, sẽ phối hợp với các bộ ngành trung ương xây dựng cơ chế đặc thù nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của TP và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, đẩy mạnh liên kết vùng. Kiên trì kiến nghị với trung ương trong phân cấp, phân quyền cho TP trên tất cả các lĩnh vực phù hợp với đặc điểm đô thị đặc biệt, thiết lập cơ chế quản lý hiện đại của bộ máy hành chính.
Cũng tại tổ bầu cử đại biểu Quốc hội số 9, ứng cử viên Bùi Quang Huy - ủy viên Ban thường vụ, trưởng Ban tổ chức Trung ương Đoàn - cho biết nếu được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIV, anh sẽ tham gia tích cực để đảm bảo luật luôn đi vào cuộc sống, chú trọng đến việc thực hiện chức năng giám sát của đại biểu Quốc hội.
Với tư cách là một cán bộ Đoàn, anh Bùi Quang Huy cũng sẽ quan tâm đến các vấn đề của thanh niên, chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, hội nhập quốc tế.
Các ứng cử viên Văn Thị Bạch Tuyết - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, Trần Anh Tuấn - quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Ngô Thị Phương Lan - phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã nêu các vấn đề phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng đời sống văn hóa phù hợp với đời sống công nghiệp hóa.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, các cử tri đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, chế độ chính sách. Thay mặt các ứng cử viên, ông Đinh La Thăng nói tất cả ý kiến đó ông và các ứng cử viên đều đã ghi chép đầy đủ.
Ông yêu cầu UBND huyện Củ Chi phải giải quyết ngay những vấn đề mà dân kiến nghị, nếu sai phải xử lý, nếu đúng phải thông tin lại cho dân. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của TP thì làm văn bản báo cáo kiến nghị trước ngày 20-5. Riêng các vấn đề thuộc thẩm quyền cao hơn, ông sẽ chuyển đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng để giải quyết.
* Ngày hội cử tri trẻ TP.HCM
Hôm nay 8-5, ngày hội cử tri trẻ TP.HCM diễn ra tại nhiều khu vực của TP.HCM. Ngày hội hướng đến các cử tri trẻ, cung cấp những thông tin liên quan đến pháp luật, quy định bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, đề cao trách nhiệm của cử tri trẻ.
Nhiều hoạt động cụ thể: tại chung cư 312 Lạc Long Quân (P.5, Q.11) từ 7g30-11g với nội dung: tổ chức hội thi tìm hiểu quy định bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND với chủ đề “Trách nhiệm cử tri trẻ”, hoạt động tuyên truyền bầu cử cho thanh niên công nhân, tọa đàm “Tiếng nói cử tri trẻ”.
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM - 227 Nguyễn Văn Cừ, Q.5) diễn ra hội thi với pháp luật bầu cử từ 8g-11g.
Từ 14g-20g30 tại công viên Khánh Hội (đường Hoàng Diệu, P.5, Q.4), Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ với các nội dung: diễu hành xe hoa, xe loa tuyên truyền bầu cử Quốc hội và HĐND, thi thiết kế tranh cổ động, tuyên truyền, hội thi “Chúng tôi là cử tri trẻ” và sân chơi Cử tri trẻ, “Khi tôi 18” dành cho học sinh THPT, chương trình văn nghệ.
Tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), khu lưu trú Sadeco (đường Bùi Văn Ba, P.Tân Thuận Đông, Q.7) từ 16g30-20g là chương trình truyền thông tư vấn Luật bầu cử cho thanh niên công nhân, chương trình văn nghệ tuyên truyền bầu cử.
Tại khu dân cư Tân Hồng Uy (87/62 Nguyễn Sỹ Sách, P.15, Q.Tân Bình) từ 17g-20g có các nội dung: tổ chức sân chơi tìm hiểu về bầu cử, chương trình văn nghệ tuyên truyền bầu cử.
Ông Phạm Đức Hải: Tích cực đóng góp cho 7 chương trình đột phá Sáng 7-5 tại trụ sở Quận đoàn Phú Nhuận (TP.HCM), phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải cùng bốn ứng cử viên HĐND TP.HCM tiếp xúc với 250 đoàn viên, thanh niên trẻ của quận. Ông Phạm Đức Hải khẳng định luôn gắn bó với cử tri, nhất là cử tri trẻ. Thông qua đó vừa học hỏi vừa nắm bắt thông tin, nguyện vọng, bức xúc của cử tri để kiến nghị cho HĐND, cơ quan chức năng giải quyết. Đồng thời, ông Phạm Đức Hải cũng nhấn mạnh chương trình hành động sẽ tham gia việc ban hành chính sách thực hiện 7 chương trình đột phá của Thành ủy, trong đó tập trung vào 3 mục tiêu gồm cải cách hành chính, giảm kẹt xe và tai nạn giao thông, chỉnh trang đô thị; chú trọng tham gia giám sát 5 vấn đề gồm: thu chi ngân sách, phí, lệ phí, giáo dục, y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Không hạn chế báo chí đưa tin tiếp xúc cử tri Đó là khẳng định của Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền Hội đồng Bầu cử quốc gia Uông Chu Lưu với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 7-5. Theo ông Lưu, đây là thời điểm những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đang tiến hành gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Theo quy định của pháp luật, đây là hoạt động công khai nên báo chí tác nghiệp theo đúng quy định của Luật báo chí. “Hội đồng Bầu cử quốc gia không có chủ trương hạn chế báo chí. Báo chí tác nghiệp bình thường tại các điểm tiếp xúc cử tri với người ứng cử theo đúng nguyên tắc đưa tin kịp thời, chính xác, khách quan, công bằng” - ông Lưu nói. Tại Hà Nội - nơi tập trung đông đảo cơ quan báo chí, số lượng phóng viên rất lớn, nhưng các cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ứng cử viên thuộc đơn vị bầu cử số 1 diễn ra trong những ngày qua không có bất cứ hạn chế, cản trở nào. Các phóng viên đến đưa tin đều được vào dự cuộc tiếp xúc sau khi xuất trình thẻ nhà báo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận