Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là hàng năm giảm thiểu tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương trên một km đường bộ cao tốc; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc; 100% mạng đường bộ cao tốc phải được thẩm định an toàn giao thông từ giai đoạn thiết kế kỹ thuật (hoặc thiết kế bản vẽ thi công), trước khi đưa công trình vào khai thác và trong quá trình khai thác tuyến đường.
Đồng thời, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có phương án tổ chức giao thông được phê duyệt chính thức; các tuyến đường bộ cao tốc được trang bị hệ thống giao thông thông minh (ITS); trên 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tuyến đường bộ cao tốc đi qua có quy hoạch hệ thống giao thông vận tải kết nối với các tuyến đường bộ này.
Để đạt mục tiêu trên, đề án đã đưa ra 9 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc; xây dựng cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu an toàn giao thông, tổ chức giao thông và kết nối hệ thống giao thông thông minh giữa các doanh nghiệp dự án PPP và các cơ quan quản lý nhà nước.
Đồng thời, tiến hành thẩm định an toàn giao thông cho tất cả các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác và trước khi đưa vào khai thác; các dự án đang xây dựng phải được thẩm định an toàn giao thông ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công.
Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải của địa phương kết nối với đường bộ cao tốc; bố trí các điểm dừng đón, trả khách ngoài khu vực các trạm dừng thu phí đường nhánh và tại các nút giao thông; tăng cường kiểm tra công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ; cảnh báo các lái xe kiểm tra xe đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện trước khi tham gia giao thông trên đường bộ cao tốc; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông. Lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường thanh tra trên đường bộ cao tốc.
Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác các tuyến đường bộ cao tốc ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ cứu hộ, cứu nạn phải có điều khoản ràng buộc là đơn vị cung cấp dịch vụ phải có phương tiện thường trực 24/24h. Từng bước thành lập các trạm cứu hộ, cứu nạn có trang thiết bị và nhân lực thường xuyên túc trực 24/24h tập trung tại các trạm dừng nghỉ hoặc tại các điểm với cự ly trung bình khoảng 50 km. Trạm này tập trung các lực lượng bao gồm: tuần đường của đơn vị quản lý, khai thác, cảnh sát giao thông, cứu hộ giao thông, cứu nạn, cấp cứu y tế tai nạn giao thông...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận