Theo đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Đảng luôn xác định văn hóa là nền tảng, là động lực giúp dân tộc Việt Nam trường tồn, phát triển, giữ vững bản sắc, cốt cách dẫu phải trải qua bao thăng trầm, biến động.
Xây dựng văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào các dân tộc từ khắp mọi miền đất nước đến Bình Phước sinh sống, lập nghiệp ngày càng nhiều, tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng, miền.
Những trầm tích văn hóa kết tinh trong các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cùng các phẩm chất đặc trưng, cốt cách con người Bình Phước đã góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ vui mừng trước những thành tựu mà Bình Phước đạt được sau 26 năm tái lập. Tuy nhiên, Bình Phước vẫn còn những hạn chế, tồn tại trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.
Cụ thể, phát triển văn hóa chưa có định hướng đồng bộ và mang tính dài hạn; nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa chưa cao, còn dàn trải, chưa ngang tầm và tương xứng với tăng trưởng kinh tế; thiếu những tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, mang tính lan tỏa, phản ánh tầm vóc của sự nghiệp đổi mới…
Mặt khác, đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn không ít khó khăn. Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa chưa nhiều, chưa phát huy hết giá trị di tích lịch sử, văn hóa.
Do đó, ông Nghĩa đề nghị tỉnh Bình Phước tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa. Xác định việc xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm.
Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người. Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, then chốt. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, đầu tư thích đáng cho việc tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể…
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý Bình Phước phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Bình Phước thành một địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.
Đồng thời, chủ động đón nhận thời cơ, thách thức để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, con người Bình Phước.
Tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch chất lượng cao mang đậm bản sắc, cốt cách con người Bình Phước. Tiến tới xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của tỉnh, xây dựng Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Phát huy giá trị văn hóa làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội
Bà Trần Tuyết Minh, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết hội nghị nhận được hơn 30 bài tham luận về lĩnh vực văn hóa ở Bình Phước. Trong đó có 7 bài của các chuyên gia, nhà khoa học và 27 bài của các cơ quan quản lý ở địa phương, đội ngũ văn nghệ sĩ.
"Tỉnh mong muốn nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc của đại biểu, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ văn nghệ sĩ, cùng trao đổi làm rõ về tình hình, những rào cản trong phát triển văn hóa. Đóng góp ý tưởng, hiến kế nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước thời kỳ mới", bà Minh nói.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết qua ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và địa phương là căn cứ để Bình Phước đưa ra giải pháp và xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước.
Ông Hùng lưu ý tỉnh phải xác định bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội. Bình Phước hiện có 45 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và 41 thành phần dân tộc anh em, đây là một lợi thế rất lớn về di tích, văn hóa vật thể, phi vật thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận