Bộ Giao thông vận tải đề nghị Tổng cục Đường bộ xây dựng phương án di dời hoặc giữ nguyên trạm thu phí T2 kết hợp giảm giá - Đồ họa: N.KH
Chỉ đạo đó được đưa ra trong kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật, trong cuộc họp xử lý bất cập trạm thu phí T2 quốc lộ 91 thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn km14 đến km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT.
Sau khi nghe Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư dự án, báo cáo, trên cơ sở ý kiến các đơn vị liên quan, thứ trưởng Nguyễn Nhật đã kết luận:
Sau khi cầu Vàm Cống hoàn thành đã phát sinh luồng phương tiện lưu thông từ Đồng Tháp - An Giang qua trạm T2 với cự ly ngắn, và đã có phản ứng đối với việc phải trả phí. Hiện tại, nhà đầu tư đã tạm dừng thu phí tại trạm T2.
Theo thứ trưởng Nhật, bất cập tại trạm T2 chỉ có thể giải quyết triệt để khi tuyến tránh Long Xuyên được đầu tư và đưa vào sử dụng (dự kiến hoàn thành 2022), các phương tiện qua khu vực sẽ có sự lựa chọn, không phải qua trạm thu phí T2.
Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:
Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư, các cơ quan chức năng liên quan của địa phương nghiên cứu xây dựng 2 phương án:
Phương án 1: Di dời trạm thu phí T2 về phía Cần Thơ qua ngã 3 Lộ Tẻ (giao quốc lộ 80 với quốc lộ 91), vị trí khoảng km 49+200 quốc lộ 91.
Phương án 2: Giữ nguyên trạm T2, rà soát điều chỉnh giá vé cho các phương tiện lưu thông qua trạm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Đồng thời nghiên cứu tổ chức bổ sung hệ thống camera giám sát luồng phương tiện để thực hiện việc thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm nhằm kiểm soát theo công nghệ mới.
Tại mỗi phương án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần phân tích ưu, nhược điểm, đánh giá tác động, thu thập, tổ chức đếm xe để có đủ số liệu phương tiện các loại, tính toán dự báo lưu lượng xe qua trạm và tính toán phương án tài chính dự án.
Riêng phương án di dời trạm T2, dự kiến kinh phí và thời gian xây dựng trạm tại vị trí mới, trình tự thủ tục thực hiện theo quy định tại nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có phương án khác tối ưu, chủ động nghiên cứu báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Trên cơ sở báo cáo đề xuất phương án của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức buổi làm việc với các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và UBND TP. Cần Thơ, nhà đầu tư, hiệp hội ôtô vận tải các tỉnh, ngân hàng và các cơ quan, đơn vị liên quan để thống nhất phương án thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận