Người dân tra cứu thông tin trên màn hình cảm ứng được kết nối với kho dữ liệu về nhà đất, khu quy hoạch, các văn bản pháp luật… trước khi làm thủ tục nhà đất tại UBND Q.8 (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG |
“Việc phối hợp công - tư sẽ là vấn đề lớn nhất. Các hạ tầng dữ liệu thường nằm trong tay các cơ quan nhà nước, do đó phải có cơ chế chia sẻ thông tin cụ thể |
PGS.TS NGUYỄN ÁI VIỆT lưu ý khi đề cập đến những vấn đề sẽ vấp phải khi xây dựng TP thông minh |
Ông Lê Quốc Cường, phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, cho rằng không nhất thiết phải lập ra một bộ máy chuyên trách để làm mọi việc giúp TP trở nên thông minh.
Quá trình xây dựng TP thông minh phải là thông minh từng phần, tiến tới thông minh tổng thể nhưng phải nằm trong lộ trình chung có định hướng để tránh tình trạng manh mún, cuối cùng không kết nối với nhau được.
“Thông minh từng phần”
“Từng ngành, từng lĩnh vực phải chịu làm, tự làm cho mình ngày càng thông minh hơn. Còn cái gì người dân đang cần thì tập trung giải quyết nhanh trước như thúc đẩy kinh doanh, phát triển kinh tế bằng các giải pháp đăng ký kinh doanh qua mạng, cơ sở dữ liệu dân cư tập trung, giao thông, chống ngập...” - ông Cường nêu quan điểm.
Theo ông Cường, quá trình thông minh hóa này đòi hỏi người đứng đầu phải có quyết tâm thúc đẩy, phải gắn với hoạt động quản lý nhà nước hằng ngày thì mới hiệu quả. Cụ thể như không ai hiểu rõ hơn ngành y tế là phải thông minh từ đâu trước, từ bệnh viện nào trước.
Có cùng quan điểm, ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP - cho rằng không nên ôm đồm một lúc nhiều việc, mà cần bắt đầu từ những nhu cầu bức thiết cụ thể.
Chẳng hạn như xây dựng được chính quyền điện tử, hạn chế tối đa sự tiếp xúc của cán bộ và người dân, doanh nghiệp; thực hiện quy hoạch thông minh bởi yếu kém của TP hiện nay là quy hoạch còn mang tính cảm tính - quy hoạch thường theo sau thực tế; xây dựng dữ liệu mở, trong đó tập trung vào dữ liệu về đất đai, nhà ở, dữ liệu về dân cư, dữ liệu về hoạt động doanh nghiệp của TP.
Ông Cường cho biết thực hiện chỉ đạo của TP, Sở Thông tin - truyền thông TP sẽ là đơn vị định hướng về lĩnh vực công nghệ thông tin, đặt ra chuẩn để các sở ngành khi xây dựng, vận hành khâu nào “thông minh” vô phải kết nối được với nhau.
Cụ thể sở sẽ ra quy chuẩn để dùng chung được phần mềm và cơ sở dữ liệu, vì người dân đi một cửa mà các sở ngành liên quan không có một cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ rối lên ngay...
Thí điểm ở những khu dân cư chất lượng cao
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP thông minh sẽ có nhiều tiện nghi rất cao cấp và không phải ai cũng trả nổi chi phí.
Ông Sơn nêu ví dụ: “Ở TP thông minh Fujisawa (Nhật Bản), những người già mắc bệnh mãn tính được cung cấp một máy đo các chỉ số diễn biến bệnh bên người. Những chỉ số này được truyền hằng ngày về trung tâm chăm sóc sức khỏe, trung tâm này sẽ tự phân tích các chỉ số để theo dõi.
Nếu người bệnh có những biểu hiện nặng cần được chăm sóc y tế thì trung tâm sẽ cử nhân viên y tế đến nhà chăm sóc hoặc đưa đi bệnh viện...
Những trẻ em phải đi học một mình sẽ được cha mẹ đăng ký thời gian đi và về để các em được “bảo vệ từ xa”, cảnh sát hoặc những người bảo vệ sẽ xuất hiện lúc cần thiết.
Cha mẹ đang ở bất kỳ đâu cũng có thể biết con em mình đang ở đâu, làm gì. Hầu hết các công trình đều sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, gió...”.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho TP thông minh ban đầu sẽ rất đắt, nhà quản lý phải bỏ kinh phí rất lớn để thu thập thông tin, quản lý và khai thác thông tin cho hiệu quả trên thực tế.
Với kinh phí đầu tư ban đầu lớn thì vốn ngân sách sẽ không lo nổi và người sử dụng sẽ đóng góp phần nào đó bằng cách đóng thuế hoặc trả phí. Vì vậy, để xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn phát triển hiện nay phải nhắm đến khu vực dân cư có thu nhập cao và trình độ cao.
Coi trọng cơ chế “gác cửa”
Theo PGS.TS Nguyễn Ái Việt (Viện công nghệ thông tin, ĐHQG Hà Nội), TP thông minh có rất nhiều thành phần, do nhiều đơn vị ngang quyền nhau xây dựng.
Do đó việc đảm bảo an toàn sẽ rất khó. Giống như một TP có nhiều cửa ngõ, chỉ một vài cửa ngõ mất kiểm soát, cả TP sẽ bị đe dọa. Do đó an toàn thông tin cần được bảo vệ ở các cấp theo một hướng dẫn và chỉ đạo tập trung.
Về vấn đề này, chuyên gia đến từ Tập đoàn Temasek (Singapore) cho biết dù Singapore hiện là một trong số các đô thị thông minh nhất thế giới nhưng vấn đề an ninh mạng luôn được đặt ra, bởi thế giới ngày nay giờ phút nào cũng có tấn công mạng.
“Đừng bao giờ phó mặc cho số phận mà phải chủ động ứng phó. Cụ thể phải có đủ số chuyên gia an ninh mạng đáp ứng về trình độ, công nghệ để sẵn sàng giải quyết mọi tình huống xảy ra” - chuyên gia này cảnh báo.
Tọa đàm “Giải pháp cho mô hình Thành phố thông minh” Hôm nay (18-8), báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Giải pháp cho mô hình Thành phố thông minh” với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, tổng công ty trên địa bàn TP.HCM, các chuyên gia am hiểu về thực trạng TP cũng như có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng. Nội dung của buổi tọa đàm xoay quanh việc tìm kiếm các giải pháp, bước đi phù hợp để tiến tới xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh; giải quyết, khắc phục được các hạn chế, tồn tại của đô thị hiện hữu... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận