Quần thể chùa Bái Đính (Ninh Bình) với nhiều kỷ lục được xác lập trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Ảnh: V.V.Tuan |
Những công trình xây mới 20 năm trở lại đây có sự khác biệt đầu tiên là có kích thước to lớn, tọa lạc trên những diện tích rộng. Có một mẫu số chung cho các công trình này là giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc rất hạn chế… |
KTS TRẦN HUY ÁNH (Hội Kiến trúc sư VN) |
Xu hướng xây mới các công trình tôn giáo, tín ngưỡng to lớn, hoành tráng và việc cần thiết phải có một bộ quy chuẩn về xây dựng các công trình này đã trở thành vấn đề nóng được đưa ra bàn luận tại hội thảo Nghiên cứu và đánh giá các công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng mới ở VN.
Hội thảo diễn ra sáng 25-12 tại Hà Nội, do Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) tổ chức.
ThS.KTS Đỗ Thanh Tùng (viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia) đặt vấn đề hiện cả nước có 24 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau, với hơn 26.000 cơ sở thờ tự gồm chùa, đền thờ, nhà thờ và các nơi thờ tự khác.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn: “Trong xây dựng mới loại hình công trình này, hiện người ta tập trung mọi nỗ lực để vận dụng một cách máy móc, thiếu sáng tạo nhằm tạo ra một công trình bền vững công năng và đạt được cái đẹp theo ý thích của chủ đầu tư. Tức là chỉ thỏa mãn công năng công trình mà hạn chế khả năng sáng tạo của các kiến trúc sư thiết kế.
Bên cạnh những công trình đạt được giá trị kiến trúc thẩm mỹ thì còn nhiều công trình mắc lỗi trong thiết kế, xây dựng, thẩm mỹ”.
Ông Tùng cho rằng công tác rà soát thực trạng, nghiên cứu tổng thể cũng như những định hướng cho người dân, người làm nghề và các nhà quản lý chưa có là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lai căng, khập khễnh trong hình thức kiến trúc, trong bố cục của các công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng mới.
KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư VN) cũng bày tỏ băn khoăn về những công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở VN được xây dựng trong khoảng 20 năm trở lại đây. Ông nói:
“Tôi rất băn khoăn không biết nên gọi những công trình này là gì, bởi lẽ không thể gọi là những “ngôi chùa” theo như hình dung của chúng ta về những ngôi chùa đã được xây dựng trước năm 1954 ở miền Bắc hay trước năm 1975 ở miền Nam.
Những công trình xây mới 20 năm trở lại đây có sự khác biệt đầu tiên là có kích thước to lớn, tọa lạc trên những diện tích rộng. Có một mẫu số chung cho các công trình này là giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc rất hạn chế...”.
PGS.KTS Nguyễn Vũ Phương (ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho rằng cần phải có một bộ tiêu chí đánh giá các công trình tín ngưỡng, tôn giáo được xây mới ở VN vài chục năm trở lại đây. “Nếu không có bộ tiêu chí đánh giá, chúng ta sẽ đánh giá cảm tính” - ông Phương nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh - trưởng ban tôn giáo Mặt trận Tổ quốc VN - cũng đồng tình nên xây dựng bộ quy chuẩn cho các công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây mới ở VN.
“Từ thời kỳ đổi mới đến nay, có nhiều công trình tôn giáo được tôn tạo, tu sửa, xây mới, trong đó có nhiều công trình được xây mới hoành tráng, có diện tích rộng nhưng đều chưa có quy chuẩn. Vì vậy, cần đưa ra bộ tiêu chí xây dựng các công trình này để tạo dòng chủ đạo, nhưng phải phù hợp với từng vùng miền, từng địa phương.
Bộ tiêu chí có thể trở thành văn bản quy phạm để có sự phối hợp giữa các cơ quan, đảm bảo việc xây mới các công trình tôn giáo được diễn ra tốt hơn” - ông Thanh đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận