21/09/2014 09:30 GMT+7

Xây chợ Tân Bình, tiểu thương lo lắng

DŨNG TUẤN - ĐÌNH DÂN - D.NGỌC HÀ
DŨNG TUẤN - ĐÌNH DÂN - D.NGỌC HÀ

TT - “25 năm kinh doanh tại chợ này, chỉ sau một đêm chúng tôi gần như mất hết, mất hết mọi thứ mà không hề được biết trước điều gì”.

Trung tâm thương mại dịch vụ sẽ được xây dựng trên khu đất “mặt tiền” của chợ Tân Bình hiện tại - Ảnh: H.T.V.
Trung tâm thương mại dịch vụ sẽ được xây dựng trên khu đất “mặt tiền” của chợ Tân Bình hiện tại - Ảnh: H.T.V.

Đây là tâm sự của chị Thiên Thanh, chủ sạp 84 khu A2, chợ Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM).

Một ngày sau khi UBND Q.Tân Bình công bố kế hoạch xây chợ mới, chợ Tân Bình vẫn đông đúc, nhộn nhịp, hàng hóa vẫn chất đầy trên những xe tải, xe máy chở đi bán khắp nơi. Nhưng bao trùm lên toàn chợ là không khí lo lắng, buồn rầu của rất đông tiểu thương.

Bỗng dưng mất sạp

Dự án hơn 2.879 tỉ đồng

Tổng kinh phí dự kiến cho dự án xây dựng chợ Tân Bình là 2.879 tỉ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, đầu tư xây dựng chợ tạm và chợ mới. Trong đó, kinh phí xây chợ khoảng 2.000 tỉ đồng. Công ty Tân Quang sẽ bỏ toàn bộ chi phí ban đầu, UBND Q.Tân Bình sẽ hoàn trả số tiền này trong vòng năm năm từ nguồn thu tiền thuê sạp của tiểu thương. Kinh phí cho phần trung tâm thương mại 17 tầng ước tính 1.992 tỉ đồng.

Theo các tiểu thương, điều họ bức xúc nhất là chuyện họ đang là chủ sở hữu các sạp có giá hiện hành từ 2-10 tỉ đồng nhưng khi về chợ mới sẽ bị “mất trắng” và phải thuê với giá 400 triệu đồng/sạp mới. Nếu không tiếp tục kinh doanh tại chợ mới, họ sẽ được đền bù 30 triệu đồng.

Anh Quý, tiểu thương sạp K20-A2, khẳng định gia đình anh kinh doanh ở đây hơn 20 năm, trước đây các sạp ở chợ Tân Bình thuộc sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, khi xây chợ mới bỗng dưng anh Quý mất sạp, lại phải đi thuê kiôt để được kinh doanh. “Điều này vô cùng bất hợp lý” - anh Quý bức xúc.

“Lên chợ mới chúng tôi phải đóng tiền thuê mặt bằng cao nhất là 400.000 đồng/m². Nếu với giá này, sạp tối thiểu theo thiết kế là 3m² thì tiểu thương phải đóng 1,2 triệu đồng/tháng, theo phương án 30 năm là phải đóng 432 triệu đồng. Các sạp càng lớn thì đóng tiền càng nhiều. Như vậy chẳng khác nào chúng tôi đi trả tiền thuê nhà cho chính ngôi nhà của mình” - bà Liên, chủ sạp chăn mền, vải thun ở khu A1, nói.

Không riêng gì bà Liên, rất nhiều tiểu thương kêu trời sau khi biết được chủ trương của Q.Tân Bình về việc xây dựng chợ mới. “Chẳng khác nào người ta sửa nhà cho tôi, sau khi sửa xong, dọn về ở tôi bị mất nhà, trở thành người đi thuê” - anh Trung, chủ sạp tại khu A, đau xót ví von.

Nhiều tiểu thương cho biết họ chấp nhận thực hiện di dời về chợ mới với điều kiện phải đền bù hợp lý. “Chủ trương như vậy thì chúng tôi cũng chấp nhận, nhưng phải đền bù chứ không dưng tự nhiên mất sạp, xong lại phải đi thuê là không được” - chị Lan Hạnh, sạp E1/7, cho hay.

Các tiểu thương cũng đồng loạt đặt câu hỏi liệu một sạp chợ giá từ 2-10 tỉ đồng mà khi không có ý định kinh doanh nữa sẽ được đền bù 30 triệu đồng thì có chấp nhận được không?

Bên cạnh ý kiến này, nhiều tiểu thương cũng cho rằng không nên xây chợ mới, nếu hư hỏng, xuống cấp thì sửa chữa chứ xây dựng tốn kém mà không đem lại lợi ích gì cho tiểu thương cả.

“Chúng tôi không muốn đi đâu cả, cứ giữ nguyên vị trí kinh doanh cho chúng tôi, hoặc xây mới thì xây chỗ khác giùm chứ đừng đạp đổ chén cơm của bà con” - chị Thiên Thanh bức xúc.

Dành chỗ đẹp cho trung tâm thương mại dịch vụ?

Trong dự án xây dựng mới trên lô đất chợ Tân Bình hiện tại, UBND Q.Tân Bình dành 7.000m² đất phía mặt đường Lý Thường Kiệt để xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ đa năng 17 tầng. Dự án này do Công ty TNHH thương mại dịch vụ bất động sản Tân Bình Phú làm chủ đầu tư.

Tiểu thương cho rằng phương án xây trung tâm thương mại nằm ở mặt tiền đường Lý Thường Kiệt đã giành mất chỗ đẹp của khu chợ này, “đẩy” chợ Tân Bình mới (được xây trên khu đất 15.000m² còn lại) vào bốn con đường nhỏ, không còn lợi thế mặt tiền như hiện nay.

Về vấn đề này, ông Lê Sơn, phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình, cho hay quy hoạch trung tâm thương mại ở khu đất giáp đường Lý Thường Kiệt đã có từ rất lâu, nay mới có nhà đầu tư thực hiện. Còn chợ truyền thống mới cũng giáp bốn mặt đường chứ không sợ bị mất vị thế đẹp.

Ông Sơn cũng giải thích việc tiểu thương phải đóng tiền thuê sạp ở chợ mới một lần khá cao (trên 400 triệu đồng) là vì theo chủ trương của UBND TP.HCM, việc đầu tư xây dựng các chợ truyền thống không được lấy tiền từ ngân sách nhà nước mà phải từ nguồn xã hội hóa.

Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp mặn mà với việc xây chợ bởi “bỏ ra tiền tỉ, thu về tiền lẻ”. Vì vậy, UBND Q.Tân Bình quyết định đứng ra đầu tư nên phải thu tiền thuê sạp chợ của tiểu thương từ giai đoạn đầu để trả cho nhà thầu xây chợ.

Vừa góp vốn xây trung tâm thương mại, vừa trúng thầu xây chợ

Năm 2007, UBND TP đồng ý giao khu đất 7.000m² trước chợ Tân Bình cho Công ty Dịch vụ đô thị Q.Tân Bình (nay là Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Q.Tân Bình - gọi là Công ty Công ích) quản lý, khai thác.

Ông Hà Văn Toản, giám đốc Công ty Công ích, cho biết tháng 5-2013, UBND TP chấp thuận chủ trương cho Công ty Công ích góp vốn bằng quyền khai thác dự án với Công ty TNHH Tân Quang để thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án trung tâm thương mại dịch vụ.

Theo ông Toản, vốn điều lệ của pháp nhân mới (Công ty TNHH thương mại dịch vụ bất động sản Tân Bình Phú) là 300 tỉ đồng, trong đó Công ty Công ích góp bằng giá trị quyền khai thác dự án là 30 tỉ đồng, chiếm 10%.

Công ty Tân Quang là một bên liên doanh thực hiện dự án trung tâm thương mại dịch vụ nhưng cũng là đơn vị trúng thầu thực hiện dự án chợ Tân Bình.

Trả lời về sự trùng hợp này, ông Toản cho biết Công ty Tân Quang đã hợp tác với Công ty Công ích trước khi trúng thầu xây dựng chợ Tân Bình. Đây là hai phần dự án khác nhau, không phải vì Công ty Tân Quang xây chợ mà được mời hợp tác xây dựng trung tâm thương mại.

DŨNG TUẤN - ĐÌNH DÂN - D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên