Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, công trình được dựng lên từ tấm lòng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TRẦN MAI
Và hôm nay, bệnh xá vẫn giữ mãi khát khao tuổi 20 của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
"Tuổi 20 mãi còn ở đó..."
Bác sĩ Huỳnh Thanh Phương, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm, nhớ lại ngày đặt "viên đá đầu tiên" cho Bệnh xá Đặng Thùy Trâm: "Tôi vẫn nhớ rất rõ, đó là ngày 24-3-2006, bệnh xá được khởi công. Lúc đó tôi đứng bên một góc cùng với những người đồng đội của chị Trâm và nói với nhau: Tuổi 20 mãi còn ở đó".
Nhớ về quá khứ là cả một thời hoa lửa, bác sĩ Phương bảo thời bình hay thời chiến gì cũng vậy, có biến cố là quân đội đi trước, y tế theo sau. Ngày trong chiến cuộc, bác sĩ Phương là đồng đội của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Ông nhớ lại: "Tuổi đẹp nhất của đời người chị ấy đã cống hiến cho nơi này. Đến khi ngã xuống, chị cũng hòa mình vào mảnh đất Phổ Cường. Bệnh xá mà báo Tuổi Trẻ phát động, dựng nên đã giữ mãi tuổi 20 của người con gái giọng Hà thành, tâm mềm, chí thép".
Với những người đồng đội của chị Trâm, bệnh xá không chỉ là nơi cứu chữa bệnh, mà ở đó là lịch sử của mảnh đất này. Y sĩ Ba Ninh, người thực hiện ca khám chữa bệnh đầu tiên khi bệnh xá đi vào hoạt động, vẫn giữ cảm xúc vẹn nguyên với chị Trâm - người đồng đội, người mà y sĩ Ba Ninh xem như chị ruột: "Ngày đó chị Trâm đứng ra thành lập tổ y tế trong dân và trồng vườn thuốc nam. Chị cùng tôi dạy người dân sơ cứu trong đêm. Chiến tranh bom rơi đạn lạc, chị Trâm bảo người dân cần biết sơ cứu, chứ đợi y tế đến thì không kịp nữa".
Năm 2011, cô Ba Ninh nghỉ hưu, nhưng từ đó đến nay cô vẫn đều đặn đến bệnh xá để làm nhiệm vụ thuyết minh cho du khách về người chị, người đồng đội đã hi sinh của mình.
"Tôi rồi cũng sẽ đi đoàn tụ với chị, nhưng tôi nghĩ chị Trâm sẽ mãi mãi ở đó. Khi nào bệnh xá còn thì hình ảnh chị ấy mãi mãi còn. Với tôi, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm 15 năm qua là ngôi nhà thứ hai, là nơi mỗi lần gia đình, hàng xóm cần chị lại đến. Bệnh xá Đặng Thùy Trâm là biểu tượng của ý chí, một công trình quá ý nghĩa".
Miệt mài tiếp nối cô Trâm
Cô Ba Ninh bảo thế hệ y tế địa phương đang tiếp nối hình ảnh người bác sĩ hết lòng vì dân. Y đức là điều thấy rõ ở Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Những ngày qua, dịch COVID-19 hoành hành, năm y bác sĩ ở bệnh xá đi cơ sở liên tục. Nghe ở đâu có người ho sốt là lập tức bệnh xá cử người đến kiểm tra tình hình, rồi triển khai công tác phòng chống dịch.
Hình ảnh ấy làm nhiều người lớn tuổi nhớ đến chị Trâm, luôn xem sức khỏe của người dân là hạnh phúc của mình.
Ông Nghĩa (80 tuổi) chia sẻ: "Các cháu ở bệnh xá rất tốt, rất gần gũi với dân, ôn tồn và lắng nghe. Ở đây các cháu đi khám bệnh trong làng xóm liên tục. Y đức rất tuyệt vời, xứng đáng tiếp nối tinh thần mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm để lại".
Điều dưỡng Phạm Thị Mai, người lớn lên ở mảnh đất Phổ Cường, bao năm gắn bó với bệnh xá. Chị luôn nhớ đến những người bệnh trong cơn đau và ổn định khi ra về.
"Từ những chuyện nhỏ nhất, bệnh xá luôn cố gắng làm tốt để mỗi ngày thắp hương cho cô Trâm lòng thấy vui dù việc mình làm rất nhỏ so với những cống hiến của cô" - điều dưỡng Mai trải lòng.
Còn với nữ hộ sinh Thạch Thị Minh Kết, 15 năm làm việc dưới mái nhà bệnh xá, ngoài công tác khám chữa bệnh, chị hạnh phúc khi kiêm luôn công việc hướng dẫn viên. Mỗi lần có đoàn khách ghé thăm, chị Kết lại kể về vùng đất này trong quá khứ lẫn thực tại.
Như hôm nay, anh du khách tên Tiến từ TP Quảng Ngãi vào, chị Kết và chị Mai dẫn qua phòng truyền thống thắp hương. Rồi qua mỗi tấm ảnh là mỗi câu chuyện, như đây là người giữ cuốn nhật ký, đây là nơi cô Trâm làm việc trong chiến tranh, đây là mẹ và gia đình cô Trâm, đây là... Chị Kết kể chuyện với niềm tự hào hiện rõ.
"Tôi nghĩ đây là bệnh xá rất đặc biệt, bởi chúng tôi có những câu chuyện về nơi này, về một người bác sĩ tuyệt vời đã ngã xuống vì người dân" - chị Kết chia sẻ.
Tiếp đón hàng chục ngàn lượt bệnh, khách tham quan
Bác sĩ Nguyễn Thành Hiếu, trưởng Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, cho biết mỗi năm bệnh xá khám cho khoảng 5.000 bệnh nhân, đến nhà dân khám trong cộng đồng khoảng 8.000 lượt. Riêng với tiếp đón du khách ghé thăm mỗi năm là hơn 10.000 người.
"Đây là công trình do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp, làm hai nhiệm vụ khám chữa bệnh và tiếp đón du khách ghé thăm tìm hiểu về vùng đất và bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và hi sinh. Đến giờ chúng tôi vẫn cố gắng làm tốt nhất để xứng đáng với những đóng góp của mọi người cho bệnh xá" - bác sĩ Hiếu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận