12/05/2022 16:57 GMT+7

Xăng tăng kỷ lục, cà phê, cơm sườn, hủ tiếu... tăng theo, chợ buồn vắng khách

THẢO THƯƠNG - NGUYỄN TRÍ - NGỌC PHƯỢNG
THẢO THƯƠNG - NGUYỄN TRÍ - NGỌC PHƯỢNG

TTO - Giá xăng tăng lên xấp xỉ 30.000 đồng/lít vào ngày 11-5 đạt tới điểm giới hạn chịu đựng của nhiều người tiêu dùng. Nhiều gia đình buộc phải giảm chi tiêu, bởi đằng sau việc tăng giá xăng là hàng loạt mặt hàng khác tăng theo.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều dịch vụ ăn uống đã phải tăng giá để bù chi phí đầu vào tăng, nhưng cũng có nhiều cửa hàng, dịch vụ đang gồng mình giữ giá để giữ khách khi sức mua ngày càng yếu.

Đĩa cơm bình dân, tô hủ tiếu tăng thêm 5.000 đồng

Chỉ sau vài tuần không đi ăn quán, chị Nguyễn Thị Vi, sinh viên một trường đại học tại Bình Thạnh, bất ngờ khi quán cơm Bé Hiền gần nhà đã tăng lên 5.000 đồng/dĩa.

Xăng tăng kỷ lục, cà phê, cơm sườn, hủ tiếu... tăng theo, chợ buồn vắng khách - Ảnh 1.

Nhiều bếp ăn, hàng quán đang gặp áp lực với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng liên tục - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Theo chị Vi, đây là quán ăn bình dân nhất trong khu vực nên thu hút khá đông sinh viên, người lao động. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay,  quán này đã 2 lần tăng giá với tổng mức tăng khoảng 7.000 đồng/đĩa.

“Không chỉ cơm, mà nhiều quán ăn bình dân khác trong khu vực cũng đã dán bảng tăng giá bán phở, hủ tiếu, bún... lên trên dưới 5.000-7.000 đồng/tô so với trước đó. Giá tăng thế này chắc tôi mua đồ về tự nấu để tiết kiệm hơn”, chị Vi dự tính.

Bà Lê Thị Hiền, chủ quán cơm Bé Hiền (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh), xác nhận sau vài tuần cầm cự giữ giá trên dưới 25.000 đồng/đĩa cơm, nay bắt buộc tăng thêm 4.000-5.000 đồng cho mỗi đĩa cơm bán ra do chi phí đầu vào tăng mạnh.

Theo bà Hiền, gần 2 năm trước, một lít dầu ăn được bà mua tầm 20.000-30.000 đồng, nhưng nay đã lên 40.000-45.000 đồng; đường cát trắng, đồ gia vị cũng tăng giá; đặc biệt giá gas cũng đã tăng gấp đôi với hiện xấp xỉ 500.000 đồng/bình 12kg.

“Chủ yếu bán cho sinh viên, công nhân nên cố gắng giữ giá trong thời gian dài, nhưng nay không thể giữ được nữa rồi, các mối lái cung cấp hàng cứ đổ lỗi cho giá xăng mà tăng giá bán”, bà Hiền nhận định. 

Xăng tăng kỷ lục, cà phê, cơm sườn, hủ tiếu... tăng theo, chợ buồn vắng khách - Ảnh 2.

Một tiểu thương (quận 3, TP.HCM) chuyên nhập trái cây ở phía Bắc vào TP.HCM, đang lo sáng mai kiện mận từ Mộc Châu vào sẽ bị đánh cước xe cao - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Quảng, chủ một quán hủ tiếu trên đường Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận), cho biết hiện đã tăng 5.000 - 7.000 đồng cho mỗi tô hủ tiếu bán ra so với đầu năm. Cụ thể, hủ tiếu thịt giá 20.000 - 25.000 đồng/tô, còn xương giò 30.000 - 35.000 đồng.

“Mức giá này đã tăng 15 - 20% so với năm ngoái, và 20 - 30% so với năm trước nữa. Hai năm trước, khu vực này có nhiều nơi bán tô hủ tiếu 10.000 - 15.000 đồng, nhưng giờ thì hầu như rất hiếm”, ông Quảng cho hay.

Theo ông Quảng, giá thịt heo mua vào vẫn ổn định như năm ngoái với mức trên dưới 100.000 đồng/kg tùy loại, nhưng giá các sản phẩm đầu vào khác như hủ tiếu, than, dầu ăn, đường, hạt nêm... đều tăng giá.

“Nhiều người cứ “đổ” lên đầu nhà hàng khi thấy giá đồ ăn tăng, nhưng thật ra do giá đầu vào tăng nên phải tăng giá bán, chứ tôi cũng không lãi thêm được nhiều đâu. Thậm chí còn giảm lãi do giá tăng nên khách giảm nhiều”, ông Quảng thanh minh.

Hàng quán ế ẩm, tiểu thương gồng mình giữ khách

Ngày 12-5, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại chợ Tân Định (phường Tân Định, quận 1, TP.HCM), chợ vắng hơn những ngày trước. 

Xăng tăng kỷ lục, cà phê, cơm sườn, hủ tiếu... tăng theo, chợ buồn vắng khách - Ảnh 3.

Chị Trương Thị Hằng (chợ Nguyễn Đình Chiểu, phải) cho biết giá lấy vào vẫn bình ổn, chỉ có giá tần ô và bó xôi do nhiệt độ cao dễ hư nên lấy vào cao hơn 5.000 đồng/kg - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chị Lê Oanh, bán trái cây, cho biết đây là khu chợ của người có điều kiện, nhỉnh hơn các nơi khác nhưng bữa giờ chợ cũng đã thưa người. 

“Cái gì cũng tăng nên chợ ế hẳn. Hôm qua xăng tăng giá thì sáng giờ ngoài chợ, chị em nào cũng than. Xe chở trái cây đến sạp mỗi ngày đưa cước là 150.000 đồng nay phải trả 180.000 đồng. Chợ thì ế, nắng nóng trái cây héo hết, bán buôn đìu hiu lắm”, chị Oanh cho biết.

Còn cửa hàng tạp hóa, cà phê giải khát của bà Nguyễn Thị Thơ, ở đầu một con hẻm của đường Trần Quốc Toản (quận 3), gần đây cũng bớt náo nhiệt hơn ngày thường. “Xăng tăng cao quá, ai cũng bóp chi phí lại, bớt uống cà phê, bớt nước dừa đầu ngõ… Người sáng ra đầu ngõ mua thức ăn sáng rồi vào nhà luôn, người thì đi làm một mạch. Tuy bán chậm nhưng tôi định tuần sau tăng lên 15.000-18.000 đồng/ly cà phê, chứ bán 10.000-12.000 đồng/ly thì hết lời”, bà Thơ nói.

Sáng 12-5, con đường vào chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) không còn cảnh kẹt cứng dòng xe cộ qua lại, do lượng khách ghé qua đã giảm so với trước dịch. Nhiều tiểu thương chờ nhiều giờ trước quầy hàng, đến trưa trên sạp vẫn còn đầy hàng chưa bán được bao nhiêu.

Tiểu thương Phan Hồng Yến bộc bạch: "Lấy mối từ thương lái tăng đã 2 đợt từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, giá thịt heo lấy vào tăng nhưng thịt bán ra vẫn không lên, có khi còn giảm vì ế khách. 

Mỗi ngày tôi chỉ lấy tầm 30kg thịt để bán, mình mua vào thì được nhưng bán không được, vì không có khách nên không dám tăng giá. Giờ ở các con hẻm đều có chợ tự phát nên phải cạnh tranh gay gắt hơn vì nếu mình bán giá cao sẽ không giữ được khách".

Xăng tăng kỷ lục, cà phê, cơm sườn, hủ tiếu... tăng theo, chợ buồn vắng khách - Ảnh 4.

Chị Lê Thị Trang Đài (tiểu thương chợ Thanh Đa, quận Bình Thạnh) cho biết giờ chủ yếu bán cho mối quen - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Còn tại chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh), tiểu thương cũng trong tình trạng tương tự.

Chị Lê Thị Trang Đài cho biết: "Giá mình bán ra sườn 160.000 đồng, đùi 90.000 đồng, ba rọi 120.000 đồng,… Khó bán nhất là xương, giò nên không dám tăng giá và bán rất chậm. Mình còn đỡ vì có mối quen nên bán tới trưa đã dọn hàng, có người bán phải chờ đến chiều bán hết mới về chứ thôi ôm hàng".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quốc Thịnh - người sáng lập hệ thống Lẩu gà 109 (Phú Nhuận) - cho biết giá vật tư nguyên liệu đầu vào đã tăng 10-15% so với năm ngoái, đặc biệt khi giá xăng lên gần 30.000 đồng/lít, nhiều nhà cung cấp lấy lý do giá xăng tăng nên đang đòi tăng thêm 5-7%.

“Sau thời gian dài dịch COVID-19, nhu cầu của người dân vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều thời điểm chỉ đạt khoảng 60% lượng khách so với trước dịch. Do đó, dù gặp áp lực lớn với giá nguyên vật liệu nhưng đơn vị chưa dám điều chỉnh tăng giá. Tuy vậy, cứ mãi theo đà tăng này thì buộc phải tăng giá bán vì không thể gồng gánh mãi”, ông Thịnh than.

Giá cả ‘nhảy múa’, kiểm soát lạm phát thế nào? Giá cả ‘nhảy múa’, kiểm soát lạm phát thế nào?

TTO - Hàng tiêu dùng, chi phí vận tải, vật liệu xây dựng đang tăng giá theo xăng dầu gây áp lực lạm phát lớn, đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời kiểm soát lạm phát, giữ ổn định giá cả trong nền kinh tế.

THẢO THƯƠNG - NGUYỄN TRÍ - NGỌC PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên