Xăng E5: Đầu tư lớn và... lỗ

TTCT - Ba nhà máy sản xuất ethanol tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước dự kiến cung cấp 300 triệu lít/năm nhưng thực tế những gì đang diễn ra gây lo ngại cho ngành sản xuất mới vừa manh nha ở VN.

Hoàn thiện bể chứa nhiên liệu tại Nhà máy bio - ethanol Dung Quất - Ảnh: Trà Giang

Có mặt tại Nhà máy ethanol Bình Phước (xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) những ngày đầu năm 2013, chúng tôi chứng kiến nhà máy nằm trên diện tích 44ha đóng cửa im lìm. Dù đang trong giờ làm việc nhưng không thấy bóng dáng công nhân, cũng chẳng nghe tiếng động cơ, máy móc.

Quy mô lớn, hoạt động cầm chừng

Nhà máy này từng được nhiều người hi vọng sẽ làm thay đổi cuộc sống của họ nhưng tới nay sự thật không phải vậy. Chị Loan, chủ quán giải khát gần nhà máy, cho hay khi nhà máy mới vận hành, mỗi ngày chị bán trên 100 ly cà phê, nước giải khát, nhưng tới nay có khi từ sáng tới chiều chỉ bán được 3-4 ly cà phê. Các khu nhà trọ, quán ăn... gần đó cũng lâm vào cảnh đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.

Nhà máy ethanol Bình Phước có quy mô đầu tư lên tới 84,5 triệu USD, được kỳ vọng sẽ cung cấp tới 100 triệu lít xăng sinh học mỗi năm, tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn (khoai mì) cho bà con nông dân. Là kết quả hợp tác giữa Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) và Tập đoàn Itochu (Nhật Bản), Nhà máy ethanol Bình Phước được khởi công từ tháng 4-2010. 

Tới tháng 4-2012, nhà máy bắt đầu chạy thử để cho ra những lít xăng sinh học đầu tiên. Nhưng cứ chạy 2-3 ngày được vài ngàn lít là nhà máy lại... nghỉ và tới nay đang dừng chưa biết khi nào mới chạy lại. 

Hơn 200 nhân công của nhà máy thì hầu hết đã được cho tạm nghỉ hưởng từ 50-70% lương. Anh Kiên (thôn 8, xã Minh Hưng) cho biết: “Tôi cũng như nhiều lao động tại địa phương khi được cho nghỉ lãnh đạo hứa là khi nhà máy hoạt động trở lại sẽ được nhận vào làm lại nhưng chờ hoài chẳng thấy. Sắp tới nếu vẫn không thấy động tĩnh gì chắc chúng tôi phải đi kiếm công việc khác”.

Ông Đặng Quốc Dũng, phó giám đốc Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF), cho biết từ tháng 2-2012 đến nay, Nhà máy bio-ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) vẫn đang trong giai đoạn chạy thử, công suất có lúc ở mức 80%, khi 100%. Nhà máy đã sản xuất hơn 13,8 triệu lít, xuất khẩu 9,9 triệu lít, bán nội địa 2,4 triệu lít, hiện còn tồn kho hơn 1,2 triệu lít.

Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất được khởi công xây dựng tháng 9-2009, tổng mức đầu tư hơn 80 triệu USD. Công suất thiết kế nhà máy 100 triệu lít/năm. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư là BSR-BF vào ngày 24-3-2012, khánh thành nhà máy ngày 19-5-2012, nhưng nay vẫn còn trong giai đoạn chạy thử.

Ở Phú Thọ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) năm 2009 cũng chính thức khởi động xây dựng nhà máy sản xuất cồn nhiên liệu sinh học (bio-ethanol) với công suất 100 triệu lít/năm. Nhưng thực trạng nhà máy đến nay cũng ảm đạm như hai nhà máy ở Quảng Ngãi và Bình Phước. 

Khi được hỏi về việc Nhà máy xăng ethanol Phú Thọ dự kiến đi vào hoạt động năm 2011 nhưng nay vẫn chưa hoạt động khiến người dân trồng sắn gặp khó khăn, ông Phùng Đình Thực - chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí VN - giải thích cả ba nhà máy PVN đầu tư đều là công ty cổ phần.

Dự án nhà máy ethanol Dung Quất dù đã chạy thử, đã xuất khẩu sản phẩm ethanol ra nước ngoài nhưng theo ông Thực, vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống xử lý bảo vệ môi trường. Riêng nhà máy sản xuất ethanol ở Phú Thọ, ông Thực cho biết PVN chỉ có 31% cổ phần. Tuy nhiên, tại nhà máy này đang nảy sinh phức tạp do phát sinh một số vấn đề khi xây dựng. Ông Thực cho biết một số chi phí đã phát sinh và khó khăn là nhà đầu tư bên ngoài PVN chưa thống nhất cách giải quyết. Vì vậy, nhà máy vẫn chưa hoàn thành.

Theo kế hoạch của PVN, từ tháng 12-2011 đến tháng 4-2012 cả ba nhà máy này lần lượt đi vào vận hành thương mại. Nhưng thực tế đang diễn ra khác xa với kế hoạch.

Tháng 8-2010, xăng E5 (xăng pha 4-5% nhiên liệu ethanol) được tung ra thị trường TP.HCM và Hà Nội. Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015 xăng E5 sẽ được tiêu thụ đại trà trên cả nước. Ba nhà máy sản xuất ethanol đã được đầu tư, nhưng đến nay cả ba đều sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngưng hoạt động. 

Sắn khô là nguyên liệu sản xuất chính của bio-ethanol Dung Quất nhưng tại vùng nguyên liệu, người dân chỉ bán sắn tươi nguyên củ nên đang có những bất cập giữa người trồng sắn và nhà máy - Ảnh: Trà Giang

Đầu tư đón đầu

Từ cuối năm 2007 Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015 và tầm nhìn đến 2025”, với mục tiêu tổng quát phát triển nhiên liệu sinh học để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.

Theo đề án, giai đoạn 2011-2015 VN sẽ sản xuất khoảng 18 triệu lít nhiên liệu sinh học, đáp ứng 0,1% nhu cầu xăng dầu cả nước. Đến năm 2025 sẽ sản xuất khoảng 2,1 tỉ lít nhiên liệu sinh học, đáp ứng 5% tổng nhu cầu xăng dầu. Với chiến lược như thế, tưởng việc sản xuất nhiên liệu sinh học, cụ thể là ethanol để pha vào xăng thành xăng sinh học sẽ thuận lợi.

Ông Lê Xuân Trình, phó tổng giám đốc PV Oil thuộc PVN, công nhận cả hai nhà máy của PVN tại Quảng Ngãi và Bình Phước đều đang phải hoạt động cầm chừng bởi nhu cầu ethanol nội địa không đáng kể. 

Sở dĩ có điều này bởi theo quyết định ban hành lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống được Thủ tướng ký ngày 22-11-2012 thì phải đến năm 2015 VN mới bắt buộc sử dụng trên toàn quốc xăng E5.

Trong khi đó, theo ông Lê Xuân Trình, kế hoạch của PVN là đến năm 2014, ba nhà máy của PVN sẽ cung cấp tới 300 triệu lít ethanol, đủ để pha 6 tỉ lít xăng E5, tương đương 94% nhu cầu tiêu thụ xăng cả nước năm 2014. Ngay cả khi Chính phủ bắt buộc phải sử dụng xăng E5 trên toàn quốc vào năm 2014, ông Trình công nhận sản lượng các nhà máy ethanol của PVN và các nhà máy tư nhân khác vẫn thừa và phải xuất khẩu.

Giải thích lý do đầu tư mạnh các nhà máy ethanol, ông Trình cho biết trong một cuộc hội thảo tại PVN tháng 10-2012: vì PVN là tập đoàn kinh tế hàng đầu, nhận thức được tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học đến phát triển bền vững nên PVN đã xây dựng cho riêng mình một chiến lược mang tính “đi trước đón đầu”. Ông Trình cho biết đến cuối năm 2010 PV Oil đã đầu tư được 30 điểm bán xăng E5. Vào cuối năm ngoái thêm được 100 cửa hàng xăng dầu bán xăng E5 nữa.

Ngoài ra, để đưa được sản phẩm xăng E5 đến người tiêu dùng, PV Oil đã đầu tư năm trạm pha chế xăng E5 tại các kho Đình Vũ (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Nhà Bè (Tp.HCM), Miền Đông (Vũng Tàu) và Trà Nóc (Cần Thơ) với chi phí khoảng 3 tỉ/trạm. Các trạm này có quy mô pha chế 80.000-85.000 lít/ngày.

Nông dân khổ vì sắn

Nhà máy ethanol Bình Phước ngưng hoạt động khiến nhiều hộ dân trồng sắn gặp khó khăn vì giá sắn rớt thê thảm. Bình Phước là tỉnh có nghề trồng sắn lâu đời, sản lượng sắn đứng thứ ba cả nước (sau Tây Ninh và Gia Lai). Khi Nhà máy ethanol Bình Phước được xây dựng kỳ vọng không chỉ tiêu thụ sắn cho bà con trong tỉnh mà còn của cả khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên.

Đặc biệt, khu vực trồng sắn tại các diện tích bán ngập thuộc lòng hồ Thác Mơ và vùng vành đai hồ (huyện Phước Long và Bù Đăng, Bình Phước) dự kiến chiếm khoảng 20% nhu cầu của nhà máy trong năm đầu tiên hoạt động. Những năm qua, nhiều hộ dân tại Bình Phước đổ xô đi trồng sắn, thậm chí thuê đất trồng sắn với hi vọng sẽ bán được với giá cao khi nhà máy ethanol hoạt động.

Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động tới nay Nhà máy ethanol Bình Phước chỉ mới tiêu thụ được 35.000 tấn sắn (bao gồm sắn nhập khẩu từ Campuchia), trong khi năng lực của nhà máy có thể tiêu thụ tới 240.000 tấn sắn/năm. Nay khi nhà máy ngừng hoạt động, nông dân phải vất vả mang sắn đi nơi khác bán, tốn kém chi phí vận chuyển, nhiều khi bị thương lái ép giá.

Hiện nay giá thu mua sắn tươi tại vườn trung bình 1.100 đồng/kg, tại đại lý, nhà máy khoảng 1.500 đồng/kg (giảm 700 đồng so với cùng kỳ năm 2011). Giá sắn xắt lát phơi khô cũng giảm mạnh chỉ còn 3.800 đồng/kg (giảm hơn 1.000 đồng/kg). Do giá sắn quá thấp nên nhiều hộ dân sau khi thu hoạch đã chuyển sang thái lát phơi khô chờ tăng giá mới bán.

Công ty nhiên liệu sinh học Phương Đông cho biết chỉ có thể mua sắn theo nhu cầu vận hành thực tế, công ty không thể mua sắn tạm trữ cho bà con vì e ngại mua sắn chất trong kho sau này cũng không bán được. Mặc dù có nhu cầu rất lớn về sắn nhưng tới nay Nhà máy ethanol Bình Phước vẫn chưa ký kết hợp đồng cung cấp - tiêu thụ sắn nào với người dân trong vùng nguyên liệu.

Quảng Ngãi cũng đã quy hoạch diện tích trồng sắn đến năm 2020 cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất gần 14.200ha. Mục đích 10 năm tới hình thành vùng sắn nguyên liệu tập trung chuyên canh ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Quốc Dũng - phó giám đốc BSR-BF, mặc dù nguyên liệu hiện nay cung cấp cho nhà máy ổn định nhưng giữa công nghệ chế biến và vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy đang có những bất cập. Chẳng hạn, thói quen của bà con tại Quảng Ngãi là thu hoạch và bán sắn tươi, trong khi nhà máy dùng sắn lát khô để chế biến nên chưa dùng sắn tại Quảng Ngãi mà phải tìm mua ở Quy Nhơn (Bình Định) hay được chở từ Gia Lai, Kon Tum... xuống.

Theo ông Dũng, trong thời gian tới, BSR-BF sẽ xây dựng 11 trạm thu mua, sơ chế tại năm huyện đồng bằng và sáu huyện miền núi để thu mua sắn cho người dân, đồng thời cải tiến, bổ sung công nghệ để có thể chế biến được sắn tươi nhưng phải chờ nhà máy được bàn giao.

“Hiện PVN đang đốc thúc khâu này, nhưng chưa thể bàn giao được vì phụ thuộc vào nhà thầu. Hơn nữa, thời gian vừa rồi nhà máy phải tập trung để xử lý khắc phục các lỗi kỹ thuật, tránh gây ô nhiễm môi trường nên tiến độ bàn giao nhà máy cũng chậm. Mối quan hệ giữa nhà máy và người nông dân mang yếu tố sống còn, nên nhà máy sẽ hợp tác chặt chẽ với họ, thu mua với giá hợp lý” - ông Dũng cho biết.

____________

Mặc dù xăng E5 đã được PV Oil và Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) tung ra thị trường từ năm 2010 nhưng đến nay người dân muốn mua cũng thật khó vì chỉ vài ba cây xăng có bán E5. Nghịch lý đầu tư cho ra sản phẩm để rồi khâu phân phối ách tắc chẳng biết khi nào mới hết?

Nhìn vị trí tấm bảng quảng cáo xăng sinh học E5 này đủ thấy việc quảng bá cho nó được trân trọng cỡ nào và vì sao còn ít người biết đến E5 (ảnh chụp tại một cây xăng trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Người mua khó tìm

Đi tìm những cửa hàng có bán xăng E5 đã khó, tìm những trụ bơm E5 đông khách càng khó hơn. Không có mấy người tiêu dùng ghé vào những cửa hàng bán xăng E5 ở TP.HCM để đổ loại xăng này, thậm chí có người còn không biết có sự tồn tại loại xăng sinh học này. 

Ghé những cửa hàng nằm trên đường Điện Biên Phủ, Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp), đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú), quốc lộ 1 (Q.Thủ Đức) lâu lâu mới thấy có một khách chạy xe máy tới đổ xăng E5.

Trạm bán lẻ xăng dầu của Công ty cổ phần Vật tư - xăng dầu (Comeco) ở số 220 Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh có tới bốn trụ bơm xăng A92, A95 nhưng chỉ có một trụ bơm xăng E5. Tuy vậy, khách hàng gồm cả ôtô, xe máy đều rồng rắn chờ đổ xăng A92. Tại các trụ bơm xăng A92, có những lúc quá công suất, người mua xăng phải đứng chờ, mặc dù ngay kế bên trụ bơm xăng E5 nằm trơ trọi.

Chẳng có một dấu hiệu đặc biệt nào của xăng E5 đủ thu hút người tiêu dùng quan tâm. Ông Phan Trường Đăng, khách hàng mua xăng tại đây, nói: “Tôi cứ thuận đâu đổ đấy thôi. Tôi vẫn quen xài A92, không nghe nói gì nhiều về xăng sinh học, không biết cái nào tốt hơn để lựa chọn cả”.

Tại cây xăng ở địa chỉ 70 Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), anh Bùi Hoàng Minh, một khách hàng, nói: “Tôi đổ xăng E5 thay cho A92 vì hiểu nó có lợi cho môi trường chứ không phải giá rẻ. Vì thế, gặp thì đổ, không thì thôi chứ tôi không chủ động”.

Theo niêm yết giá tại các cửa hàng có bán xăng E5 của PV Oil, xăng A92 đang bán giá 23.150 đồng/lít, xăng E5 bán giá 23.050 đồng/lít, chênh lệch chỉ 100 đồng/lít. Trong khi tại các cửa hàng của Saigon Petro, xăng E5 rẻ hơn 50 đồng/lít so với xăng A92. Trước đây khi mới tung ra xăng E5, PV Oil quyết định giá mặt hàng này rẻ hơn xăng A92 500 đồng nên thu hút được một số lượng khách.

Nguồn hàng nhỏ giọt

Trong khi người tiêu dùng đang thờ ơ với xăng E5, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, gồm cả doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ, đều tỏ ra không mặn mà. Trong danh sách điểm bán xăng sinh học do PV Oil công bố, có những điểm hiện nay đã ngưng bán. 

Tại cửa hàng xăng dầu số 3 của Comeco ở địa chỉ 178/9 Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, tấm biển quảng cáo đề “Điểm bán xăng sinh học” có nền màu xanh mướt ngày nào giờ đã phai nhạt và không còn treo bề thế như trước mà là treo lên tường rào, che nắng cho hiên một ngôi nhà nằm kế bên!

Các cửa hàng còn bán xăng E5 hiện nay cũng kinh doanh theo kiểu cầm chừng. Ông Đặng Quế Sơn, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủ Đức (Timexco), cho biết đang duy trì ba điểm bán xăng E5 nhưng đều trong tình trạng quá ế ẩm, doanh nghiệp không còn hào hứng. Theo ông Sơn, hàng lấy từ đầu mối về kho thường bị hao hụt nhiều hơn vì sự khác biệt của nhiệt độ E5 và nhiệt độ hầm chứa.

“Cứ 1.000 lít xăng E5, mức hao hụt sẽ cao hơn so với A92 chừng 3-4 lít” - ông Sơn nói. Trung bình mỗi ngày, lượng xăng A92 mà Timexco bán ra thị trường khoảng 100.000 lít, xăng E5 chỉ được khoảng 6.000-7.000 lít.

“Hơn nữa, nguồn hàng từ doanh nghiệp đầu mối cũng không dồi dào. Không phải muốn lấy hàng vào lúc nào cũng được. Mặc dù chiết khấu cho E5 luôn cao hơn xăng A92 100 đồng/lít. Chúng tôi cũng khuyến khích anh em làm sao tăng cường lượng bán nhưng nhu cầu thị trường không tới. Đầu mối họ cũng phải tính toán lượng vừa phải, tránh pha trộn xong lại không tiêu thụ được. Có thể đó là nguyên nhân của tình trạng ít hàng từ nguồn so với trước” - ông Sơn cho hay.

Một lãnh đạo Saigon Petro cho biết tại TP.HCM vẫn duy trì bốn cửa hàng bán xăng E5 nhưng hiện nay lượng bán đã giảm rất nhiều. Trung bình mỗi tháng chỉ còn bán được khoảng 100.000 lít, giảm hơn một nửa so với cách nay một năm rưỡi. Theo Saigon Petro, đối tượng tiêu thụ nhiều nhất hiện nay là các taxi vì họ cho rằng sử dụng xăng E5 tiết kiệm hơn xăng A92.

Trưởng phòng kinh doanh một đầu mối cung cấp xăng cho biết vừa khảo sát lấy ý kiến các đại lý kinh doanh về việc bán xăng E5, hầu hết uể oải vì tiêu thụ chậm và viện cớ kinh doanh lỗ nên không thể mở thêm trụ bơm, bồn chứa cho riêng E5. Thậm chí có đại lý xin rút…

Xuất khẩu lỗ

Kể từ khi PV Oil chính thức tung ra sản phẩm xăng E5 vào năm 2010 đến nay, sản lượng bán ra chẳng bao nhiêu và số cây xăng có bán E5 cũng thuộc loại hàng hiếm ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Chính vì thế, dù có công suất lên tới 9 triệu lít/tháng nhưng từ tháng 4-2012 tới nay, Nhà máy ethanol Bình Phước mới sản xuất được 14 triệu lít xăng sinh học.

Việc tiêu thụ chật vật trên thị trường nội địa là lý do khiến nhà máy sản xuất trì trệ. Địa điểm bán xăng sinh học đầu tiên của Bình Phước tại xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành tới nay cũng đã ngừng bán loại xăng này. Đại diện Công ty nhiên liệu sinh học Phương Đông (quản lý Nhà máy xăng ethanol Bình Phước) buộc phải tìm kiếm lối thoát nhờ việc xuất khẩu tới các thị trường Philippines, Trung Quốc, Canada…

Theo Lê Xuân Trình, phó tổng giám đốc PV Oil, đến chín tháng đầu năm 2012, ba doanh nghiệp đầu mối PV Oil, Petec, Saigon Petro chỉ cung cấp được ra thị trường khoảng 15 triệu lít xăng E5, tương đương 750.000 lít ethanol - chỉ bằng công suất sản xuất trong hai ngày rưỡi tại mỗi nhà máy ethanol! Với lượng dư thừa lớn, các nhà máy đã phải xuất khẩu… mặc dù không hiệu quả vì giá thành cao.

Ông Phùng Đình Thực, chủ tịch PVN, cho biết quy định hiện tại chưa bắt buộc phải sử dụng xăng E5 ngay nên gần như chỉ có các đơn vị của PVN thực hiện pha và bán xăng E5, làm cho việc tiêu thụ không như mong muốn. Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), đơn vị chiếm thị phần 60% và có mạng lưới bán lẻ rộng khắp nhưng chưa tham gia bán xăng E5.

Tuy nhiên, ông Thực cho biết ethanol sản xuất ở VN giá thành 15.000 đồng/lít nhưng đang phải xuất khẩu với giá 13.000 đồng/lít. Theo ông Thực, dù xuất khẩu với giá thấp như vậy, các đơn vị của PVN vẫn phải làm bởi dù sao trong giá thành 15.000 đồng/lít đã có tính cả khấu hao. “Không sản xuất vẫn phải khấu hao nên vẫn phải sản xuất để bán” - ông Thực nói.

Vì vấn đề bảo vệ môi trường mà chính phủ các nước áp dụng từ chính sách khuyến khích đến áp đặt để người dân sử dụng xăng sinh học. Trong khi ở VN, vì sao một chủ trương lớn như vậy của Nhà nước mà Petrolimex, một doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu ngành xăng dầu, vẫn đứng ngoài cuộc? Ông Đặng Quốc Dũng, phó giám đốc Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF), đặt câu hỏi tại sao sản phẩm xuất khẩu được, các nước khác sử dụng mà trong nước lại không tiêu thụ được?

 Petrolimex thận trọng với xăng E5

Ông Trần Ngọc Năm, phó tổng giám đốc Petrolimex, cho biết do mặt hàng xăng E5 có đặc tính ngậm nước nên cần thiết phải đầu tư hệ thống công nghệ phù hợp mới đáp ứng được. Petrolimex có trên 2.200 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc nên chi phí đầu tư phát sinh tương đối lớn trong bối cảnh tình hình tài chính của Petrolimex còn hạn chế. Từ các lý do trên, ông Năm cho rằng Petrolimex cần phải có lộ trình và kế hoạch triển khai hợp lý.

Theo ông Trần Ngọc Năm, Petrolimex đang xây dựng kế hoạch triển khai bán xăng E5 theo đúng lộ trình do Chính phủ quy định. Việc thực hiện đúng lộ trình của Petrolimex, theo ông Năm, là dựa trên các căn cứ: cần tiếp tục theo dõi các thông tin công khai về kết quả bán thử nghiệm xăng E5 do các cơ quan/tổ chức có chức năng công bố và Petrolimex cũng phải xây dựng kế hoạch đầu tư thiết bị pha trộn tại các kho, đảm bảo phù hợp với tình hình tài chính của Petrolimex trong điều kiện kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện mục tiêu bình ổn giá của Chính phủ.

C.V.KÌNHghi

Trao đổi với TTCT, ông Phạm Anh Tuấn, phó tổng giám đốc PV Oil, cho biết PV Oil sẽ thực hiện sớm hơn lộ trình bán xăng E5 của Chính phủ.

Người tiêu dùng rất khó tìm thấy cây xăng có loại xăng E5 để mua - Ảnh: T.T.D.

* Đâu là khó khăn của thị trường xăng sinh học?

- So với xăng A92, lượng bán E5 hiện nay chiếm số lượng rất ít, không thấm tháp vào đâu. Ở những điểm bán xăng quy mô bình thường, nếu có bán xăng E5 thì cũng chỉ có một cột bơm E5, trong khi có từ 3-5 cột bơm A92.

Hoạt động kinh doanh xăng E5 không tiến triển là do công ty không thể tiếp tục “đỡ” cho mặt hàng này quá nhiều như trước. Trước đây, E5 bán thấp hơn A92 tới 500 đồng/lít nên có nhiều người tiêu dùng chọn, nay chỉ rẻ hơn 100 đồng/lít. Để bán được như vậy công ty phải bù lỗ, chứ không phải nhờ giá ethanol rẻ hơn. Qua năm 2012, thị trường xăng dầu có nhiều biến động. Doanh nghiệp thường xuyên phải bán xăng dầu dưới giá thành, tức là lỗ. Nếu tiếp tục gánh thêm khoản lỗ lớn hơn nữa từ E5 thì công ty không thể nào chịu nổi.

Đó là nguyên nhân chủ quan từ phía chính sách giá của doanh nghiệp. Ở góc độ khách quan, cũng có bộ phận không nhỏ người tiêu dùng từng sử dụng E5 nay đâm ra e ngại vì những thông tin liên quan đến tình trạng cháy xe và một số quan điểm sai lầm cho rằng cháy xe là do xăng pha ethanol. Điều này có lỗi của chính doanh nghiệp đầu mối là hoạt động quảng bá cho E5 còn làm quá yếu.

* Nhưng chính các đại lý cũng không mặn mà?

- Người tiêu dùng mua ít thì đại lý không mặn mà bán là điều dễ hiểu. Vì thị trường tiêu thụ với số lượng nhỏ nên doanh nghiệp đầu mối còn phải điều tiết lượng hàng phù hợp, cớ gì đại lý lại mở ra bán 2-3 trạm bơm? Chiết khấu cho đại lý hiện nay vẫn còn được ưu đãi nhưng không nhiều như trước. Trước đây, có thời điểm chiết khấu cho E5 cao hơn chiết khấu cho A92 tới 250 đồng/lít. Nay mức chênh lệch khoảng 150 đồng/lít.

* Với tư cách là nhà phân phối cho ba nhà máy ethanol, PV Oil đã có những chuẩn bị như thế nào để việc bán xăng E5 theo đúng lộ trình?

- Mấy năm vừa qua, kinh doanh E5 ở PV Oil vẫn chỉ là hoạt động thử nghiệm. Chúng tôi đang chuẩn bị tăng tốc. PV Oil vừa thành lập ban nhiên liệu sinh học. Chúng tôi đang trong quá trình chuẩn bị cho chiến lược phân phối E5. Trong đó sẽ tập trung vào việc quảng bá, cung cấp thông tin đầy đủ hơn về xăng E5 cho cả đại lý và người tiêu dùng. Hoàn thiện cơ sở vật chất để phục vụ việc vận chuyển, chứa trữ phù hợp với đặc tính của E5.

Chúng tôi chuẩn bị luôn cho toàn bộ hệ thống của PV Oil trên cả nước, phục vụ việc bán E5 bắt buộc ở tất cả các địa phương vào tháng 12-2015, chứ không phải chỉ ở bảy tỉnh, thành phố vào cuối năm sau.

Chúng tôi có kế hoạch sẽ hợp tác với các cơ quan truyền thông đại chúng để thúc đẩy quảng bá và thông tin rộng rãi hơn với người tiêu dùng về mặt hàng E5. PV Oil sẽ hỗ trợ cho đại lý chi phí sửa sang hầm chứa xăng, trụ bơm xăng, chi phí làm biển quảng cáo...

Tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng đã có trạm trộn liên tục. Tại Hà Nội, chúng tôi dự kiến trong năm 2013 cũng sẽ xây dựng xong một trạm trộn nữa. Ở khu vực miền Trung hiện mới chỉ có trạm trộn theo mẻ ở kho Liên Chiểu (Đà Nẵng), chúng tôi đang xây trạm trộn liên tục, dự kiến ba tháng nữa sẽ xong, đặt tại Quảng Ngãi.

* Theo ông, cần những cơ chế như thế nào để hỗ trợ việc bán xăng E5 rộng rãi cho người tiêu dùng?

- Ở PV Oil, chúng tôi đủ năng lực để thực hiện sớm hơn lộ trình. Dự kiến PV Oil sẽ bán E5 đồng bộ trên toàn hệ thống đại lý và cửa hàng bán lẻ của công ty trước sáu tháng so với lộ trình của Nhà nước.

Tuy nhiên, tôi được biết các đại lý và doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác vẫn khá đủng đỉnh, hầu như chưa có chuẩn bị gì cho thị trường xăng sinh học. Các nhà máy sản xuất ethanol ra đời vì chủ trương phát triển thị trường xăng sinh học ở VN. Nay các nhà máy này lao đao, nguy cơ phá sản phần lớn vì chính sách tiêu thụ xăng sinh học quá chậm.

Về lâu dài Nhà nước cần đưa ra các chính sách tạo điều kiện để ngành sản xuất ethanol sống được. Đến khi bán E5 thay cho A92, cần phải duy trì thuế nhập khẩu ethanol ở mức 20% như hiện nay, để các đầu mối xăng dầu ưu tiên mua ethanol sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận