Phóng to |
Nền móng xây dựng trái phép bên Nghinh Lương đình (ảnh chụp ngày 29-3) - Ảnh: Thái Lộc |
Từ trước đó ngày 27-3, UBND phường Phú Thuận, TP Huế phát hiện công trình xây dựng ở đây chưa được cấp phép, đã lập biên bản và báo cáo lên UBND TP Huế có hướng xử lý tiếp theo.
Sai phạm nghiêm trọng
Tại hiện trường, hai bên di tích Nghinh Lương đình, đơn vị thi công đã xây hai bức tường bờ lô ximăng cao 0,7m, dài hơn 20m áp sát vào thân di tích. Hai phần tường phía bờ sông Hương đã được lấp đầy cát cao bằng nền di tích Nghinh Lương đình.
Ông Nguyễn Văn Thành - phó chủ tịch UBND TP Huế - cho biết đang cho thuộc cấp lập văn bản không chấp nhận cấp phép công trình này và yêu cầu trả lại nguyên trạng cho di tích. “Trường hợp này là vi phạm khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ di tích nên không được xây (thêm) cái gì ở đấy cả. Về mặt cảnh quan thì giải pháp xây dựng không đảm bảo. Do đó phải tháo dỡ tất cả, phải trả lại nguyên trạng di tích như trước đây” - ông Thành nói.
Nơi tổ chức lễ Quốc khánh của triều Nguyễn Nghinh Lương đình nằm bên bờ sông Hương, ngay trước kinh thành Huế, là một thành phần thuộc quần thể được xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia, và là bộ phận của di sản văn hóa thế giới tại Huế. Theo sách Đại Nam thực lục đệ thất kỷ, Nghinh Lương đình hiện nay được xây dựng năm 1918 dưới thời Khải Định, làm nơi tổ chức lễ Quốc khánh của triều Nguyễn hằng năm. |
Ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, cho biết rất ngạc nhiên khi nhận được thông tin xây dựng ở khu vực rất nhạy cảm của di tích Huế này. Ông nói: “Ai mà dám cả gan cho xây dựng mặt bằng ở di tích này!”. Ông đã yêu cầu thanh tra của sở kết hợp với TP Huế đi kiểm tra với quan điểm đập bỏ hết công trình xây sai phạm.
Một “cửa hàng bách hóa tổng hợp”
Ông Phan Thanh Hải cho biết Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho một doanh nghiệp thuê khai thác dịch vụ tại khu vực Nghinh Lương đình và thuyền cung đình ở dưới sông Hương. Mà muốn khai thác thì phải xây dựng nhà bổ trợ, làm nơi đón khách và tổ chức các dịch vụ. Phương án đưa ra là làm hai nhà tạm hai bên di tích Nghinh Lương đình, vừa dễ tháo lắp, vừa khỏi ảnh hưởng đến di tích, vừa tôn thêm vẻ đẹp cho di tích. Ông Hải cho biết cũng đang xin chủ trương của tỉnh và TP Huế về dự án này.
Theo hợp đồng kinh tế đã ký kết, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Giải Pháp Vàng (Huế) thuê toàn bộ khu vực Nghinh Lương đình và thuyền cung đình trong năm năm kể từ ngày 25-3-2013, với giá 250 triệu đồng/năm. Bản hợp đồng này ghi rõ bên thuê sử dụng “thuyền cung đình và toàn bộ mặt bằng Nghinh Lương đình để tổ chức hoạt động kinh doanh các dịch vụ ăn uống, giải khát, hàng lưu niệm, vận chuyển phục vụ du khách đi du thuyền trên sông Hương và tất cả dịch vụ kèm theo khác”.
Hồ sơ kỹ thuật thi công được ông Phan Thanh Hải ký duyệt cũng thể hiện rõ hai bên Nghinh Lương đình được xây phần nền móng công trình mới áp sát, mỗi bên rộng 110m2, trên đó dựng hai khu nhà thép lợp tôn, trần gỗ. Đây là hai dãy nhà làm nơi kinh doanh, giải khát và quầy bar... Theo ông Nguyễn Văn Thành: “Giải pháp theo bản vẽ là xây dựng kiên cố với ximăng và nhà giàn sắt thép ở khu vực di tích chứ không phải là công trình tạm, có thể dễ tháo dỡ như phía di tích báo!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận