23/11/2011 18:43 GMT+7

"Xâm lăng" tổ ấm cũng khổ trăm bề

THIÊN HƯƠNG (ghi theo lời kể của bạn N.K., sinh viên năm 1 ĐH KHXH&NV TP.HCM)
THIÊN HƯƠNG (ghi theo lời kể của bạn N.K., sinh viên năm 1 ĐH KHXH&NV TP.HCM)

TTO - Trong câu chuyện ở nhờ nhà người quen, không chỉ có chủ nhà "đau đầu nhức óc" khi cảm thấy không gian riêng bị xâm phạm mà ngay cả người ở nhờ cũng lắm khi rơi vào tình huống dở khóc dở cười.

Chỉ vì ở nhờ mà thành ôsin không công lúc nào không hay, bị sai vặt một cách thái quá, bị kiểm soát gắt gao... là những nỗi khổ của người đi ở nhờ.

kkSqtQix.jpgPhóng to

Với một số người phải đi ở nhờ, cuộc sống cũng lắm nỗi niềm dở khóc dở cười, thậm chí trở thành ôsin không công lúc nào chẳng hay - Ảnh minh họa: từ Internet

Ở nhà cậu mợ - tiến thoái lưỡng nan

Tôi là con một, lại là con gái nên khi lên Sài Gòn học đại học, ba mẹ ở quê khó khăn lắm mới cậy nhờ được cậu mợ cho tôi ở nhờ. Nhưng cuộc sống ăn nhờ ở đậu rất nhiều nỗi niềm mà chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu được.

Ngày lên Sài Gòn, ba mẹ dặn dò tôi rằng: “Con cứ yên tâm ở, đừng mặc cảm gì hết. Ba mẹ đã thương lượng hết với cậu mợ tiền ăn, tiền ở rồi”. Vậy nên tôi cũng yên tâm một phần là mình không phải dạng “ăn chực”. Cậu tôi đi làm suốt ngày, còn mợ tôi ở nhà bán tạp hóa. Ngày trước cậu mợ tôi lâu lâu vẫn về quê ghé thăm nhà tôi và cho tôi rất nhiều quà bánh. Tôi vẫn hay khoe với bạn bè của mình vì có cậu mợ hào phóng và là “người Sài Gòn”. Vậy mà…

Những ngày đầu mới lên, mợ tôi rất niềm nở, chỉ bảo tôi đường đi nước bước và những thói quen sinh hoạt của gia đình. Mợ bảo cơm nước mợ lo hết, tôi chỉ việc lo chuyện học hành, rảnh rỗi thì phụ mợ bán hàng. Dù vậy, bản thân tôi cũng “biết thân biết phận” của mình nên thường phụ mợ những việc lặt vặt trong nhà và luôn giành trông tiệm để mợ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Được hơn một tháng, khi tôi nhập học thì mọi chuyện khác đi. Mợ tôi bắt đầu có những câu nói bóng gió, những cái nhìn đầy khó chịu. Trong bữa cơm có cả gia đình, mợ thường bóng gió về việc tôi lười biếng, không biết phụ giúp, thêm một miệng ăn mà không thêm được đôi tay nào khiến mợ không phút nào được nghỉ ngơi… Trong khi đó, tôi vừa nhập học, lịch học dày đặc nên thời gian ở nhà không nhiều. Nhưng lúc ở nhà tôi vẫn phụ giúp mợ, vẫn vừa học bài vừa trông cửa tiệm cho mợ kia mà.

Rồi dần đến chuyện đi đứng, ăn mặc, cả chuyện phơi đồ mợ tôi cũng cằn nhằn rằng tôi đi đứng thiếu ý tứ, quần áo thì mợ hết chê tôi nhà quê đến chê sao ăn diện quá, đến khi phơi đồ thì mợ bảo tôi phơi sao mà choán hết chỗ… Những lúc đó tôi chỉ im lặng.

Nhưng điều khiến tôi không thể thở nổi chính là… hai đứa con của cậu mợ. Đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi và đều là con trai nên rất hiếu động. Vì nhà chật, tôi phải sắm thêm một tấm nệm nhỏ ngủ chung phòng với chúng và hứng hết sự nghịch ngợm của bọn nhóc.

Đi học thì không nói gì, về đến nhà đứa lớn thì nghịch ngợm, đứa nhỏ lại nhõng nhẽo và tôi luôn là người phải dỗ dành và chiều chuộng chúng. Nhiều lúc bị bọn nhóc nhéo đỏ tay, tôi cũng phải cắn răng chịu đựng.

Một lần bực quá tôi quát lại thì cả hai đứa khóc toáng lên rồi đi méc cậu mợ khiến tôi không biết giải thích thế nào. Tệ nhất là lần đứa lớn lén lấy tiền mợ tôi để trong tiệm để mua đồ chơi. Đến khi mợ tôi phát hiện mất 100.000 đồng thì liền nghi cho tôi vì ngoài mợ thì chỉ có tôi trông tiệm. Lẽ dĩ nhiên, mợ không bao giờ nói thẳng mà chỉ nói bóng nói gió khiến tôi vô cùng khó chịu, muốn giải thích cũng không được mà im lặng cũng không xong.

Rồi mợ mang chuyện đó đi nói với cậu. Cậu kêu tôi lại nhưng cũng không nói thẳng mà nhắc nhở đủ thứ. Đến lúc này thì tôi quyết định trút hết ra với cậu. Tuy tôi ăn nhờ ở đậu nhưng vì hoàn cảnh chứ đâu phải tôi muốn. Tôi đã cố gắng hết sức để không làm xáo trộn cuộc sống của gia đình cậu mợ và luôn tranh thủ phụ giúp để họ thấy rằng có thêm một người trong nhà thì tốt hơn chứ không phải xấu hơn…

Sau lần đó, tôi gọi điện về cho ba mẹ để xin ra ở trọ nhưng ba mẹ không đồng ý. Tôi đành phải kể chuyện mình bị vu oan thì mẹ tôi lại gọi lên cho cậu để nói rõ trắng đen. Sau cuộc gọi đó, chẳng những tình hình không cải thiện mà tôi cảm giác cả cậu và mợ đều dường như ác cảm với tôi.

Xét lại, nhà trọ ở Sài Gòn khá đắt đỏ, gia đình lại không đủ điều kiện, nếu tôi nhất quyết dọn đi có thể tình cảm giữa gia đình tôi và cậu mợ sẽ sứt mẻ. Tôi đành chọn giải pháp “giả câm giả điếc”, sống như một cái bóng trong nhà. Ban ngày dù không đi học tôi cũng đến nhà bạn học bài.

Lấy lý do học thêm, tôi thường ở lại đến gần 21g-22g mới về để tránh bị bọn nhóc quấy phá và không phải nhìn sắc mặt khó chịu của cậu mợ. Giờ đây tôi đang cố gắng tìm việc làm thêm phù hợp để không phải chịu cảnh ăn nhờ ở đậu như thế này nữa.

Tiền bạc phân minh, tình cảm dứt khoát

Mâu thuẫn giữa của chung và của riêng rất phổ biến. Nhiều người ở nhờ nhưng lại cho rằng trách nhiệm của anh chị là phải lo lắng cho em nên rất vô tư thụ hưởng. Bản thân bố mẹ cũng có suy nghĩ như vậy, rằng anh trai phải lo cho các em mà không cần biết những lo toan của gia đình riêng đó, không cần biết tới việc tiền của do con mình hay con dâu làm ra. Thậm chí, có bố mẹ tìm mọi cách để lấy tài sản của anh để giúp em.

Giúp đỡ các em là việc cần làm nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát. Sự không rõ ràng khiến bao gia đình tan nát. Bố mẹ không thể thấy đứa con này sướng, đứa con kia khổ mà muốn san bằng, san sẻ được. Ai cũng có phúc phận của người đó. Cái sướng không phải tự dưng mà có được.

Thà nói thẳng chứ không thể chịu đựng

Có người bảo những cặp vợ chồng trẻ hiện nay quá nghiêng về lối sống riêng tư, tôi nghĩ không hẳn vậy. Tất nhiên không ai phủ nhận riêng tư là một đặc quyền của mọi người (đặc biệt là với những cặp vợ chồng trẻ), nhưng chúng tôi vẫn thích có sự thăm viếng của họ hàng hai bên. Có như vậy cuộc sống mới thú vị, mới có sự liên kết, gần gũi và... xã hội hơn. Quan trọng là mọi thứ phải có chừng mực, mức độ. Mọi sự "lấn sân" đều không thể chấp nhận.

Không ai có thể cho rằng chúng tôi hẹp hòi, ích kỷ... bởi sự chịu đựng nào cũng có giới hạn của nó. Không chỉ người thân mà cả bạn bè chúng tôi cũng tiếp đón đàng hoàng, không chỉ vì phép lịch sự mà vì đó là vai trò, trách nhiệm, là tình người...

Nhưng rất tiếc, nhiều người không biết điểm dừng, thậm chí tính toán, lợi dụng. Tôi mong họ đặt mình vào vị trí chúng tôi. Hãy nhận rõ đời sống chúng tôi như thế nào để "đến đi cho phải phép".

Tôi từng đề nghị người thân, bạn bè hạn chế "làm khách". Tôi nói thẳng do bận bịu công việc cũng như khả năng đáp ứng, chăm lo có hạn và mong có sự thông cảm. Tất nhiên đó là những lời nói rất khó, cần phải thận trọng, khéo léo lựa lời...

Quan điểm của tôi là thà nói thẳng chứ không thể âm thầm chịu đựng hay giả dối "mặt ngoài mặt trong". Tôi nghĩ nếu là người hiểu biết, có lòng tự trọng thì không ai nỡ trách tôi. Tôi không hẹp hòi nhưng một khoảng riêng là cần thiết với tất cả mọi người.

Làm dâu, làm vợ - bạn sẽ ứng xử thế nào khi một ngày nọ tổ ấm của bạn xuất hiện thêm những người thân bên phía nhà chồng, nhà vợ và không hẹn ngày "dời gót"? Bạn sẽ cả nể hay quyết liệt hành động để ngăn chặn những nguy cơ làm sứt mẻ hạnh phúc gia đình?

Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến về vấn đề này theo công cụ dưới bài hoặc gửi về email [email protected] (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt).

THIÊN HƯƠNG (ghi theo lời kể của bạn N.K., sinh viên năm 1 ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên