Bạn Trương Thúy Quỳnh, Nghi Lộc, Nghệ An đặt câu hỏi về xâm hại trẻ em tại diễn đàn - Ảnh: NGA THANH |
Tại diễn đàn, các bạn học sinh có dịp nói lên những suy nghĩ về cuộc sống, bản thân gia đình và cộng đồng; những lo lắng trăn trở, những nguyện vọng về môi trường vui chơi an toàn, lành mạnh đặc biệt là vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Nhiều bạn học sinh đặt câu hỏi thế nào là xâm hại và bạo lực với trẻ em và hầu hết các bạn đều cho rằng xâm hại chính là bị cưỡng bức, sàm sỡ, đánh đập.
Bạn Trương Thuý Quỳnh - quê huyện Nghi Lộc thắc mắc “Xâm hại tình dục là gì và chúng cháu phải có những kỹ năng gì để phòng tránh?”.
Trả lời câu hỏi này, thượng tá Cao Ánh Hồng - phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Nghệ An cho biết, xâm hại trẻ em không chỉ là xâm hại tình dục hay đánh đập, bạo lực trẻ em, mà xâm hại là làm tổn thương đến tất cả các quyền của trẻ em.
Vì thế ngoài việc thường xuyên đánh đập, bạo hành trẻ em, có thái độ sàm sỡ với trẻ thì việc tước đoạt quyền được vui chơi, được học hành của trẻ cũng là xâm hại trẻ em.
“Các em cần được nhà trường các tổ chức, và gia đình hay chính bản thân các em trang bị những kỹ năng phòng tránh như cần có thái độ, lên tiếng với các hành vi xâm hại, phản xạ phòng vệ, kêu cứu khi gặp tình huống bất trắc”, thượng tá Hồng nói.
Ông Lê Minh Thông - phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị thông qua diễn đàn lần này các tầng lớp nhân dân, tổ chức cộng đồng cùng chung tay hành động nói không với bạo lực, xâm hại trẻ em; giải quyết, xử lý nghiêm minh các vấn đề xâm hại trẻ em; tăng cường các biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ em, để mỗi em được trưởng thành trong môi trường an toàn, lành mạnh. |
Ông Nguyễn Trọng Bé - đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An cho hay, việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh lâu nay đã được các nhà trường chú trọng tuy nhiên tần suất của các chương trình này chưa được nhiều. Quan trọng hơn là gia đình, học sinh phải tự trang bị những kiến thức để có khả năng sinh tồn.
“Thời gian nghỉ hè các bạn hãy tham gia vào các tổ chức đoàn, đội ở địa phương, ở đó các bạn sẽ được trang bị những kỹ năng sống như giao tiếp, ứng xử hay có thể là các hoạt động thể thao tập thể”, ông Bé đề nghị.
Bạn Nguyễn Thị Thảo Đan, phường Hà Huy Tập, TP Vinh cho biết, các bạn học sinh “khát” sân chơi vào dịp hè, nhất là các sân chơi an toàn bởi hiện nay có nhiều nơi sân chơi của trẻ đang bị thương mại hoá, biến thành quán cà phê, thành sân bóng mini cho người lớn.
Về vấn đề này, ông Hồ Mậu Thanh - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho rằng, ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì mỗi xã đã có một sân vận động, một nhà đa chức năng và những thiết chế văn hoá phụ trợ cho bạn trẻ vui chơi hè.
Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều các điểm vui chơi đạt yêu cầu và điểm vui chơi chật quá, chưa có các thiết bị vui chơi như bạn trẻ mong muốn.
“Một số phường xã cho doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa sân bóng mini mà đã cho doanh nghiệp đầu tư thì phải thu phí. Chúng tôi sẽ tham mưu cho các địa phương cần mở cửa cho các cháu chơi ở sân bóng này, ngoài ra sẽ soát lại nhà văn hoá cộng đồng với diện tích phù hợp.
Ví dụ như ở TP Vinh dịp hè một số trường mở cổng trường để các cháu được vào chơi thể thao, tập thể dục buổi sáng…”, ông Thanh cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận