Mới 3 tuổi, bé L. đã phải theo cha mẹ đến cơ quan điều tra làm việc với tư cách bị hại - Ảnh: N.L.
Thông tin này khiến gia đình cháu L. suy sụp bởi thời gian qua, họ đã cầu cứu rất nhiều nơi khi con mình bị hại.
Vụ việc bắt nguồn ngày 15-4-2019, sau khi đi chơi gần nhà về thì bé L. bị sốt cao và liên tục than với cha mẹ bị đau chỗ kín. Khi được cha mẹ hỏi, L. kể bị người đàn ông hàng xóm tên T. ôm, hôn nhiều lần và làm đau vùng kín.
Bé còn nhiều lần dẫn cha mẹ đến nhà ông T. và xác định đó là người đàn ông đã có hành vi xấu đối với cháu.
Xử lý thiếu nghiêm khắc
Những đoạn ghi âm bé L. kể lại chuyện bị ông T. xâm hại, clip bé dẫn cha mẹ đến tận nhà ông T. đều được cha mẹ bé nộp cho cơ quan điều tra. Kết luận giám định cho thấy các đoạn clip, ghi âm này đều không bị cắt ghép.
Từ khi vụ việc xảy ra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nhà Bè đã nhiều lần tổ chức cho bé L. nhận dạng thì bé đều chỉ đúng mặt ông T. là người đã xâm hại mình. Cô bé 3 tuổi còn dẫn điều tra viên đến tận nhà ông T. sinh sống.
Kết quả giám định cho thấy có tế bào nam trong âm hộ và hậu môn của cháu L..
Mặc dù kết quả điều tra, xác minh như vậy nhưng Công an huyện Nhà Bè vẫn quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can với hai lý do: không đủ cơ sở để đối chiếu với mẫu ADN của đối tượng; ngày xảy ra vụ việc thì ông T. ở nhà với gia đình.
Không bỏ cuộc, gia đình và luật sư của cháu L. vẫn tiếp tục gửi đơn kêu cứu và nỗ lực làm việc với các cơ quan tố tụng Nhà Bè để làm rõ sự thật. Riêng bé L. từ đứa trẻ hoạt bát nay trở nên sợ người lạ. Bé thường tự cắn vào tay mình, đánh mẹ, đánh em.
Câu chuyện nêu trên chỉ là một trong rất nhiều khó khăn, vướng mắc mà các gia đình có con bị xâm hại tình dục gặp phải.
Tháng 3-2019, cháu Q. (9 tuổi, ngụ huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) bị đối tượng Nguyễn Trọng Trình dùng vũ lực hiếp dâm khiến bé bị đau tay, gãy răng và chảy máu vùng kín.
Hành vi hiếp dâm cháu Q. đã rõ ràng nhưng Công an huyện Chương Mỹ lại khởi tố Nguyễn Trọng Trình về tội "dâm ô với người dưới 16 tuổi".
Bị can được tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Tính chất nghiêm trọng của vụ việc đã khiến dư luận "dậy sóng".
Ngay sau đó, Công an TP Hà Nội đã thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can sang tội danh "hiếp dâm người dưới 16 tuổi", đồng thời bắt tạm giam Nguyễn Trọng Trình.
Tại TP.HCM cũng xảy ra một vụ việc tương tự, nạn nhân cũng là một bé gái tên Q. (9 tuổi) bị một người bán vé số quan hệ tình dục trong vòng 3 năm. Thế nhưng khi vụ việc bị phát hiện, các cơ quan tố tụng quận Bình Tân lại khởi tố, truy tố, xét xử bị cáo về tội "dâm ô người dưới 16 tuổi".
Một số luật sư tại TP.HCM đã phải đấu tranh trong 2 năm thì bị cáo mới bị khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em và hồ sơ vụ án đã được chuyển cho các cơ quan tố tụng TP.HCM xử lý.
Tội dâm ô người dưới 16 tuổi có mức hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Trong khi đó, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Vì vậy, cách xử lý "nhẹ hều" đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em khiến dư luận xã hội phản ứng gay gắt.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần quy định các chế tài thật nặng để xử lý loại tội phạm này.
Đơn cử như vụ thầy giáo tại Bắc Giang sờ mó hàng loạt học sinh nhưng lại không đủ căn cứ để khởi tố; ông già ở Vũng Tàu dâm ô hai bé gái nhưng lại được tòa án cho hưởng án treo; thượng tá công an ở Thái Bình quan hệ tình dục với trẻ em chỉ bị lãnh án 3 năm tù…
Án kéo dài, khó thu thập chứng cứ
Đã bảo vệ cho hàng trăm nạn nhân trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho biết thủ tục tố tụng đối với các vụ án xâm hại trẻ em vẫn còn nhiều bất cập như thời hạn, thủ tục điều tra, khởi tố vụ án hình sự.
Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định thời hạn, thủ tục, trình tự khởi tố vụ án hình sự chung cho tất cả các loại tội phạm mà không có sự khác nhau giữa người bị hại là trẻ em và người lớn. Vì vậy, có nhiều vụ án cơ quan điều tra để kéo dài, đến khi bắt đầu xác minh, điều tra thì khó thu thập chứng cứ.
Lý do bởi đặc thù riêng biệt của những vụ án xâm hại trẻ em (cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu…) là chứng cứ trực tiếp yếu (không có người chứng kiến, không bắt được quả tang…); sự việc được phát hiện khi hành vi vi phạm đã kết thúc; phát hiện qua lời kể lại của bị hại…
Bên cạnh đó, đa số bị hại vì còn nhỏ tuổi, nhận thức chưa đầy đủ nên không thể nhớ chính xác những vấn đề liên quan như thời gian, địa điểm, diễn biến của vụ việc. Bị hại không cung cấp được thông tin chính xác cho cơ quan điều tra nên không có căn cứ để khởi tố vụ án.
Đã có vụ việc mà bị hại là trẻ em nhưng cũng bị lấy lời khai như người lớn. Đơn cử như vụ việc bé Q. bị người bán vé số hiếp dâm nêu trên, vụ án kéo dài nên cơ quan điều tra lấy lời khai của bé rất nhiều lần. Công an đến tận trường học để làm việc với bé và về tận khu nhà trọ để thực nghiệm hiện trường.
Hậu quả, sau đó bé Q. phải bỏ học, phải chuyển nhà trọ khiến cuộc sống đã khó khăn lại càng trở nên bế tắc.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng: "Trong các vụ án xâm hại tình dục, chứng cứ để lại chỉ là tinh dịch, tế bào nam… và dễ mất đi nếu không thu thập nhanh chóng, đúng cách.
Hiện nay quy định về cách thức, trình tự, thời gian thu thập, giám định chứng cứ về tội danh này cũng giống như những tội khác là không phù hợp. Nhiều vụ án đã xảy ra nhưng vì thời gian giám định quá lâu dẫn đến không có kết quả, không xử lý được người vi phạm".
TS Đinh Thế Hưng (trưởng phòng pháp luật hình sự Viện Nhà nước và pháp luật - Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN):
Cần thêm quy định hình phạt bổ sung
Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định hình phạt chính và hình phạt bổ sung với tất cả các loại tội phạm mà chưa có hình phạt đặc thù cho những tội phạm cụ thể. Tội xâm phạm tình dục trẻ em cần có những chế tài đủ mạnh nhằm phòng ngừa tội phạm.
Luật pháp ở nhiều nước ngoài hình phạt chính thì còn áp dụng các hình phạt bổ sung rất nghiêm khắc, phù hợp với đặc thù của tội xâm phạm tình dục trẻ em.
Ví dụ ở Mỹ, có rất nhiều đạo luật liên quan đến việc lưu lại thông tin, công khai danh tính của kẻ phạm tội để người dân biết và đề phòng.
Luật pháp Mỹ có những hình phạt khác nhau khiến tội phạm tấn công tình dục trẻ em phải khiếp sợ như: phạt tù, phạt tiền, bị đăng ký là tội phạm tình dục trong hồ sơ, bị hạn chế ân xá.
Các bị cáo có hành vi quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ em sẽ bị ghi tên là tội phạm tình dục suốt đời.
Khi bị kết án với tội danh này, bị cáo sẽ phải khai báo với nhà chức trách bang ít nhất mỗi năm một lần trong suốt quãng đời còn lại, nếu không sẽ phải đối mặt với các hình phạt khác vì trốn tránh khai báo.
Ở Việt Nam, thi hành hình phạt tù xong rồi người phạm tội được tự do mà không có các biện pháp kiểm soát đặc biệt sẽ rất nguy hiểm. Rất có thể người phạm tội lại tiếp tục hành vi, bởi xâm phạm tình dục trẻ em nhiều khi là hiện tượng bệnh lý.
Do đó, cần có quy định riêng và hình phạt bổ sung chặt chẽ đối với các tội xâm hại tình dục trẻ em.
Không giám định đầy đủ vì sợ… tốn tiền
Ông Phan Văn Hiếu, giám đốc Trung tâm giám định pháp y TP.HCM, cho biết khi xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em, việc trưng cầu giám định là rất quan trọng. Tuy nhiên, có nhiều vụ việc cơ quan điều tra lại không giám định hoặc giám định không đầy đủ, không kịp thời khiến gia đình bị hại rất bức xúc.
Lý do vì nguồn kinh phí giám định pháp y do cơ quan điều tra giữ. Khi công an ra quyết định trưng cầu giám định pháp y phải trả tiền cho trung tâm giám định. Do quỹ hạn hẹp nên có vụ việc phải thu 26 mẫu để giám định nhưng cơ quan điều tra lại gửi giám định rất ít mẫu vì sợ… tốn kinh phí.
Để tháo gỡ vướng mắc này, ông Hiếu đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao kinh phí giám định cho UBND TP để ủy ban cấp cho trung tâm giám định chứ không giao cho cơ quan điều tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận