07/06/2019 10:18 GMT+7

Xài 'chùa' điện cơ quan, có ai tiếc?

NGHĨA ĐỊNH
NGHĨA ĐỊNH

TTO - Có bao giờ bạn quan tâm mỗi tháng cơ quan nơi mình làm việc đã chi trả bao nhiêu cho tiền điện? Đó thật sự là một số tiền quá lớn. Kèm theo đó là thói quen xài thoải mái đến hoang phí ở công sở…

Xài chùa điện cơ quan, có ai tiếc? - Ảnh 1.

Một số người lựa chọn đi thang bộ để vừa tiết kiệm điện vừa rèn luyện sức khỏe tại một cơ quan ở TP.HCM - Ảnh: THANH YẾN

Không bàn về việc dùng điện ở các công ty, nhà máy dùng điện sản xuất, tôi muốn nói về cách mọi người dùng điện ở công sở, cơ quan nhà nước.

Mọi người đang nói rất nhiều về hóa đơn tiền điện nhà mình tăng cao trong 2 tháng qua. Mấy ai bận tâm tiền điện ở công sở tăng cao gấp bội?


Có ai xót tiền điện ở cơ quan?

Tôi đã từng đi hỏi về tiền điện công sở và giật mình vì số tiền phải chi. Công sở khoảng 100 người làm việc có tính chất văn phòng, có dùng máy lạnh, tiền điện có thể đến 40-50 triệu đồng/tháng. Cơ quan khoảng 200 người tiền điện khoảng 100 triệu đồng/tháng.

Đây chỉ là những công sở chủ yếu dùng điện chiếu sáng, máy lạnh, các máy dùng cho công việc văn phòng và cũng là những nơi đã có phong trào kêu gọi tiết kiệm điện. Tính ra tiền điện bình quân đầu người còn cao hơn tiền điện từng nhà chi trả.

Vì sao? Thử nghĩ: chúng ta làm việc ở cơ quan ít nhất 8 tiếng mỗi ngày, nhiều người dùng điện ở cơ quan nhiều giờ hơn ở nhà, môi trường làm việc ở cơ quan tiện nghi hơn ở nhà với nhiều thiết bị tiêu thụ điện. Đành rằng tất cả vì công việc nhưng... vì xài điện cơ quan không phải lo trả tiền. Cơ quan hầu như không thông báo tiền điện nên hầu như mọi người không mấy bận lòng và "xót xa" về lượng điện tiêu thụ và số tiền đã trả.

Có lần tôi dự hội nghị ở quận nhà. 7h30 nhưng các bóng đèn chiếu sáng ban đêm trong nhà để xe máy vẫn sáng trưng. Họp xong, hơn 10h, tôi tranh thủ ghé qua phòng làm việc của bộ phận kế toán, ba nhân viên đều đi kho bạc từ trước đó hai tiếng nhưng đèn trong phòng vẫn sáng trưng và máy lạnh chạy đều đều. 

Lần khác, tôi đến tìm anh trưởng phòng của một sở nọ. Anh đi xuống cơ sở, cửa phòng khóa nhưng tivi trong phòng mở... Nhiều phòng làm việc quạt trần quay vù vù khi phòng không người, phòng mở máy lạnh nhưng luôn mở cửa, thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhưng vẫn giữ thói quen đi thang máy dù lên có 1-2 tầng lầu... Đây là những ví dụ về cách dùng điện lãng phí ở công sở, có thể thấy mọi lúc, mọi nơi.

Hiểu nhưng chưa làm

Tôi nghĩ, hơn ai hết, mỗi cán bộ, nhân viên ở công sở luôn hiểu hơn người dân về chuyện năng lượng, họ cũng rất hiểu mức tiêu thụ điện từng thiết bị. Tiết kiệm điện cần thiết không kém việc sản xuất thêm điện. Chỉ có điều cách xài điện ở cơ quan và ở nhà rất khác nhau. Có người tiết kiệm điện ở nhà nhưng lên cơ quan thì xài vô tư. 

Chỉ cần cúp điện đột xuất nửa tiếng ai cũng than vãn nhưng một động tác đơn giản như tắt quạt đèn khi ra khỏi phòng làm việc thì nhiều người chưa tự giác làm. Tôi hay có dịp đến nhiều cơ quan khác nhau và nhận thấy việc thực hành tiết kiệm điện vẫn còn trên lý thuyết. Đến đâu cũng rất dễ nhìn thấy những dòng chữ, hình ảnh tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, nhân viên tiết kiệm điện. Có vẻ như những khẩu hiệu này ấn tượng với người lạ, người tại chỗ nhìn riết quen mắt và quên thực hiện.

Ở những doanh nghiệp tư nhân, điều này được chú trọng hơn. Tiết kiệm điện luôn được chú trọng thành nội quy, thành thói quen, thành kế hoạch khi mua sắm thiết bị có dùng điện. Mua trang thiết bị ít hao tốn điện nhất, tận dụng triệt để các điều kiện, cơ hội có được nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ điện như mở hết cửa sổ khi trời mát, khuyến khích nhân viên và khách hàng đi thang bộ... Cùng với đó là sự nghiêm khắc đối với những vi phạm trong sử dụng điện.

Nhiều doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM đề ra mức phạt rất nặng mỗi khi phát hiện có người lãng phí điện. Lâu dần, tiết kiệm điện thành nhận thức, thói quen từng người. Tiết kiệm điện cũng như một cách chấp hành quy định chung và tiết kiệm chi phí công ty, cơ quan mình.

Xài chùa điện cơ quan, có ai tiếc? - Ảnh 3.

Tập thói quen tắt các thiết bị điện không sử dụng khi ra khỏi phòng - Ảnh: NGUYỆT NHI

Tôi từng đến dự họp tại công ty dược ở TP.HCM. Hội trường có sức chứa gần 200 người, cuộc họp còn khoảng 20 phút nữa kết thúc, họ đã chủ động tắt máy lạnh trước. Tôi nhẩm tính, với số lượng hàng chục máy lạnh công suất lớn được ngừng hoạt động sớm 1.200 giây sẽ bớt được khoản chi phí đáng kể. Không ít nhà hàng, quán ăn tiết kiệm điện bằng cách sử dụng các loại bóng đèn "cảm ứng" trong nhà vệ sinh.

Có người bước vào đèn tự động sáng, bước ra đèn sẽ tắt để không bị phụ thuộc vào "trí nhớ" của thực khách đến đây. Nhiều trường học có máy lạnh cũng chỉ sử dụng khi thật cần thiết và duy trì mức nhiệt độ 26oC. Những chuyện này không chỉ là chuyện tiết kiệm tiền, mà còn là cách truyền đi một thông điệp tiết kiệm năng lượng cuộc sống.

Tiếc thay, điều này chưa được thực hiện tốt ở các cơ quan nhà nước, công sở, văn phòng với những người hiểu biết nhất về chuyện này. Tiết kiệm điện không chỉ là khẩu hiệu, hô hào suông, nó còn rất cần sự gương mẫu "nói đi đôi với làm", bắt đầu từ công sở.

Bi hài chuyện tiết kiệm điện

TTO - Điện tăng giá 8,36% khiến người tiêu dùng phải cắn răng tiết giảm điện dù đang cao điểm nóng nực.

NGHĨA ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên