Khách hàng đến đăng ký dịch vụ mới tại VNPT
Chiều 14-9, TAND TP.HCM đã tuyên sửa án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), buộc bị đơn là bà Sỹ Truyền Hoàng Ngân (ngụ phường 5, quận 11) phải trả cho nguyên đơn gần 1,1 tỉ đồng tiền cước điện thoại.
Theo nội dung vụ án, ngày 1-7-2013, bà Ngân ký hợp đồng sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông với một chi nhánh của Viễn thông TP.HCM (thuộc VNPT).
Theo đó, Viễn thông TP.HCM cung cấp cho bà Ngân 1 sim điện thoại thuê bao trả sau.
Ngoài việc gọi trong nước, bà Ngân còn được sử dụng sim này để gọi chuyển vùng quốc tế không bị giới hạn bởi vị trí máy gọi, máy nhận.
Bà Ngân ký quỹ 5 triệu đồng, khi ngưng dùng dịch vụ bà Ngân sẽ được nhận lại số tiền này.
Tuy nhiên, khi vừa hòa mạng thì thuê bao của bà Ngân phát sinh cước cao bất thường. Cụ thể, từ ngày 1 đến ngày 6-7-2013, thuê bao của bà này phát sinh tiền cước gần 1,1 tỉ đồng.
Công ty Viễn thông TP.HCM thông báo cho bà Ngân biết và yêu cầu thanh toán cước phí nhưng bà Ngân không đồng ý nên VNPT đã khởi kiện khách hàng này ra tòa.
Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm, TAND quận 11 đã bác đơn khởi kiện của VNPT.
Tòa sơ thẩm cho rằng khi tiền cước phí sử dụng dịch vụ vượt quá 5 triệu đồng thì Công ty Viễn thông TP.HCM phải chặn cuộc gọi.
Do phía Công ty Viễn thông TP.HCM không chặn là lỗi thuộc về nguyên đơn nên phải tự chịu hậu quả, còn phía bà Ngân chỉ phải chịu tiền cước phí trong giới hạn đã ký kết.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, Công ty Viễn thông TP.HCM đã kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn cho biết sau khi hòa mạng thì thuê bao của bà Ngân phát sinh cước lên tới 1,1 tỉ đồng tiền cước gọi, sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế, nên ngừng cung cấp dịch vụ.
Công ty yêu cầu bà Ngân thanh toán cước phí nhưng bà Ngân không thanh toán.
Đại diện ủy quyền cho bà Ngân không đồng ý trả tiền và cho rằng phía VNPT đã giải thích hợp đồng không đúng nội dung đôi bên giao kết.
Khi ký quỹ 5 triệu đồng, giao dịch viên giải thích số tiền này là ngưỡng cước phí gọi tối đa, nếu cước phí quá số này thì sẽ bị chặn cuộc gọi.
Ngoài ra, bà Ngân khai đã cho một người quen mang quốc tịch Pakistan sử dụng sim điện thoại thuê bao nói trên.
Sau khi xảy ra chuyện, bà Ngân không liên lạc được với người này nữa.
Theo tòa phúc thẩm, hợp đồng cung cấp sử dụng dịch vụ viễn thông giữa các bên đã có hiệu lực pháp luật.
Tại hợp đồng này, ngoài các nội dung in sẵn còn có nội dung mở dịch vụ gọi quốc tế và dịch vụ gọi chuyển vùng quốc tế.
Yêu cầu này đã được phía công ty đáp ứng. Việc bà Ngân cho rằng hợp đồng không rõ ràng là không có cơ sở.
Theo kết quả giám định tư pháp về viễn thông, số thuê bao của bà Ngân đã đăng ký dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi và đã nhận được nhiều cuộc gọi trong cùng một thời gian.
Tổng đài đã chuyển tiếp toàn bộ 4.380 cuộc gọi đến tổng đài khác hoặc thuê bao khác.
Việc bị đơn không đồng ý với kết quả giám định nhưng không đưa ra được chứng cứ nào cho thấy kết quả giám định là không chính xác nên tòa không chấp nhận giám định lại.
Dịch vụ chuyển vùng quốc tế được mở đồng thời với dịch vụ gọi quốc tế mà không cần phải đăng ký.
Hầu hết các mạng trong nước và quốc tế đều thực hiện như vậy. Ngay cả trong trường hợp bà Ngân không đăng ký chuyển vùng quốc tế thì vẫn phát sinh cước.
Án sơ thẩm cho rằng 5 triệu dùng để ký quỹ gọi chuyển vùng quốc tế là không có cơ sở.
Như vậy, khi đăng ký dịch vụ quốc tế người sử dụng phải biết và chịu trách nhiệm.
Mặt khác bà Ngân thừa nhận đăng ký thuê bao trả sau bao gồm dịch vụ gọi quốc tế và gọi chuyển vùng quốc tế.
Đây là ý định của bà Ngân nên việc xác định công ty viễn thông thiếu trách nhiện trong việc cung cấp thông tin là không có cơ sở.
Vì vậy tòa đã chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận