Đó là khẳng định của ông Phạm Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - khi trao đổi với Tuổi Trẻ trước khi quy định xác thực khuôn mặt chính thức có hiệu lực.
Cam kết hoàn tất xác thực trước giờ G
Theo ông Phạm Anh Tuấn, lý do có thể khẳng định như vậy là vì chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt của chủ tài khoản. "Khi tổng giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày, người thực hiện chuyển tiền dù 1 đồng cũng phải đưa khuôn mặt vào để xác thực. Nếu đúng là chính chủ đang chuyển tiền, giao dịch mới thành công" - ông Tuấn khẳng định.
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, quy định buộc phải xác thực khuôn mặt với giao dịch trên 10 triệu đồng/lần chính thức có hiệu lực, theo quy định của quyết định 2345 của NHNN. Các ngân hàng đang chạy nước rút triển khai đến khách hàng, đảm bảo hoàn thành trước giờ G.
Đại diện Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết từ ngày 10-6 đã triển khai cho khách hàng đăng ký xác thực khuôn mặt nhằm tăng cường bảo mật tài khoản và bảo vệ các giao dịch trực tuyến giá trị lớn, đồng thời tuân thủ theo quyết định 2345 của NHNN.
Cụ thể ngân hàng sẽ triển khai cho khách hàng đăng ký xác thực khuôn mặt trên ứng dụng ngân hàng số ACB ONE phiên bản mới 3.26.0. Khách hàng cần có điện thoại thông minh có hỗ trợ đọc NFC và thẻ căn cước gắn chip chính chủ còn hiệu lực. Việc này nhằm đảm bảo dữ liệu khuôn mặt đăng ký với ACB trùng khớp dữ liệu sinh trắc học đã được xác minh và lưu trữ tại Bộ Công an.
"Xác thực khuôn mặt là công nghệ bảo mật hiện đại, đảm bảo chính chủ tài khoản đang thực hiện giao dịch trực tuyến. Từ đó giảm thiểu rủi ro gian lận và bảo vệ tốt hơn cho các giao dịch có giá trị lớn", vị này cho biết.
Theo quyết định số 2345, từ ngày 1-7 người dùng khách hàng sẽ phải thêm bước xác thực khuôn mặt khi đăng nhập lần đầu vào ứng dụng ngân hàng số trên thiết bị mới và khi thực hiện giao dịch trực tuyến có giá trị trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch cộng dồn trong ngày trên 20 triệu đồng.
Theo một lãnh đạo của Vietcombank, giải pháp này càng có ý nghĩa quan trọng hơn nữa trong điều kiện số lượng và giá trị các giao dịch tài chính trên các kênh số liên tục gia tăng.
"Khách hàng dịch chuyển ngày càng nhanh lên trên các kênh số. Cùng với đó, tội phạm lừa đảo công nghệ cao cũng tăng theo với chiêu thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi", vị này nói.
Cũng theo vị này, Vietcombank đã chỉ đạo quyết liệt và tập trung nguồn lực tốt nhất để triển khai kết nối kỹ thuật với dữ liệu quốc gia về dân cư và nhiều hạng mục cần thiết. Mục tiêu là hoàn thành ứng dụng giải pháp khai thác dữ liệu quốc gia về dữ liệu quốc gia và dân cư trước ngày 1-7 theo quy định.
"Với kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng và nền tảng công nghệ sẵn có, đến nay cơ bản Vietcombank đã hoàn tất các điều kiện để triển khai các công đoạn kết nối, đảm bảo đáp ứng thời hạn yêu cầu của NHNN", vị này cho biết.
Đầu tư lớn để làm sạch dữ liệu khách hàng
Trong khi đó theo đại diện TPBank, từ đầu tháng 4, ngân hàng này đã cập nhật khuôn mặt của khách hàng ở mọi kênh giao dịch của ngân hàng. Tại các điểm giao dịch truyền thống gồm chi nhánh/phòng giao dịch, ngân hàng này đã cập nhật khuôn mặt khách hàng thông qua thiết bị đọc chip chuyên dụng và giải pháp xác thực so khớp khuôn mặt.
Tại TPBank LiveBank 24/7 hoạt động 24/7, có gần 500 điểm giao dịch với tỉ lệ đọc chip gần như 100%. Đây cũng là kênh mang lại ưu thế vượt trội cho TPBank. "Khi khách hàng không thể tự thực hiện trên môi trường online hoặc không ra chi nhánh ngân hàng trong giờ hành chính, có thể tới LiveBank 24/7 vào mọi thời điểm trong ngày và có giao dịch viên hướng dẫn từ xa", vị này cho biết.
Hoặc trên Mobile App, với 8 triệu khách hàng sử dụng, TPBank cũng phối hợp cùng nhiều nhà cung cấp (được chứng nhận bởi Bộ Công an) trong giải pháp đọc chip và so khớp khuôn mặt...
"Trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 mẫu khuôn mặt và căn cước công dân được cập nhật vào kho dữ liệu của TPBank từ tất cả các kênh. Vì thế, chúng tôi tự tin hoàn thành việc thu thập khuôn mặt trước thời điểm 1-7" - vị này khẳng định.
Ông Lưu Danh Đức - phó tổng giám đốc SHB - cho biết SHB đầu tư rất lớn gồm chi phí hạ tầng công nghệ như máy chủ, đường truyền kết nối; bản quyền phần mềm bên thứ ba... cho việc xác thực dữ liệu khách hàng.
"SHB đã triển khai xong Module thu thập sinh trắc học và xác thực dữ liệu căn cước công dân gắn chip với C06 (Bộ Công an). Hai tuần nữa chúng tôi sẽ chính thức bật tính năng xác thực khuôn mặt, tuân thủ theo đúng quyết định 2345 của NHNN" - ông Đức nói.
Trong khi đó theo đại diện BIDV, từ tháng 5 ngân hàng này đã ra mắt tính năng "Cài đặt sinh trắc học" và triển khai phương thức xác thực giao dịch bằng sinh trắc học trên BIDV SmartBanking. Do đó, khách hàng của BIDV cần hoàn thành cài đặt sinh trắc học sớm nhất có thể và trước ngày 1-7, để tránh gián đoạn khi giao dịch.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của quyết định 2345, Agribank cũng đang triển khai các giải pháp kỹ thuật như thu thập dữ liệu sinh trắc học và dữ liệu tích hợp trong thẻ căn cước công dân gắn chip đối với khách hàng.
Đồng thời, ngân hàng cũng xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học đã được làm sạch, rà soát dữ liệu của khách hàng hiện hữu, cập nhật và làm sạch dữ liệu của khách hàng nhằm ngăn chặn rủi ro gian lận...
Kỳ vọng dẹp những vụ mất tiền "khủng"
Thời gian qua, nhiều vụ mất tiền lớn, lên đến vài chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng, gây xôn xao dư luận và ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng. Với việc yêu cầu xác thực sinh trắc học khuôn mặt từ 1-7, các chuyên gia cho rằng tội phạm sẽ khó có thể "bẻ khóa" tài khoản để lấy số tiền "khủng" như trước.
Ông Nguyễn Trần Nam, giám đốc khối ngân hàng số ACB, cho hay trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngày càng tinh vi, khách hàng chỉ cần thực hiện thêm bước xác thực khuôn mặt là có thể an tâm giao dịch không giới hạn.
"Các giao dịch trực tuyến giá trị cao tại ACB sẽ được bảo mật tối đa qua nhiều lớp, bao gồm cả mật khẩu, xác thực khuôn mặt và xác thực bằng ACB Safekey OTP nhưng vẫn giữ được sự thuận tiện", ông Nam nhấn mạnh.
Đại diện BIDV cũng cho rằng với việc xác thực khuôn mặt, giao dịch an toàn và bảo mật hơn bởi ngân hàng sử dụng chính dữ liệu sinh trắc học của khách hàng đã được xác thực với Bộ Công an để giao dịch, mã hóa và bảo vệ thông tin của khách hàng trước các rủi ro tội phạm mạng.
Theo Vietcombank, việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác thực khách hàng sẽ giúp ngân hàng này nói riêng, các ngân hàng thương mại nói chung xây dựng một cơ sở dữ liệu sạch, đảm bảo dữ liệu không chỉ chính xác mà còn luôn được cập nhật, đảm bảo tính "sống" của dữ liệu.
Điều này sẽ nâng cao tính an toàn, bảo mật trong giao dịch của khách hàng trên các kênh số, giảm thiểu các rủi ro gian lận, lừa đảo gây thiệt hại cho khách hàng. Theo đại diện TPBank, trước đây các yếu tố xác thực chỉ thường dừng lại ở các phương thức xác thực truyền thống như OTP, SmartOTP hay chữ ký/pin thẻ...
Do vậy kẻ gian vẫn có thể lợi dụng kẽ hở (phishing lấy số OTP hay giả mạo danh tính/chữ ký) để lừa đảo lấy tiền của người dân. Kể cả việc xác thực bằng FaceID cũng chỉ phụ thuộc vào các thuật toán so khớp mẫu khuôn mặt trên thiết bị điện thoại cá nhân mà không đảm bảo chính khách hàng đăng ký tài khoản là người thực hiện giao dịch.
Vô hiệu hóa tài khoản "rác"
Theo đại diện TPBank, với việc áp dụng quyết định 2345, hệ thống sẽ so khớp với khuôn mặt trên căn cước công dân với khuôn mặt của người thực hiện giao dịch nhằm đảm bảo người giao dịch là chính chủ tài khoản.
Nhờ đó, khách hàng sẽ tránh được bị lừa đảo. Còn đối với ngân hàng, các tài khoản không chính chủ/tài khoản rác mở ra với các ý đồ xấu làm các tài khoản trung gian trung chuyển tiền xấu sẽ dần bị loại bỏ do đã kiểm soát được việc khi giao dịch phải có khuôn mặt của chủ tài khoản.
Kết hợp với các công nghệ kỹ thuật tiên tiến như big data, trí tuệ nhân tạo và liên tục được cải tiến, đại diện Vietcombank cho biết sẽ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, an toàn và bảo mật nhất. "Chúng tôi luôn đặt mục tiêu bảo vệ tài khoản và thông tin của khách hàng lên hàng đầu, đảm bảo khách hàng có thể yên tâm giao dịch và thanh toán trong môi trường trực tuyến ngày càng phức tạp", vị này cho biết.
Tuy vậy với các chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp và biến đổi liên tục, Vietcombank khuyến cáo khách hàng luôn đề cao cảnh giác, chú ý cập nhật các thông tin cảnh báo, hướng dẫn giao dịch an toàn mà ngân hàng thường xuyên gửi đến khách hàng qua các kênh như email, tin nhắn OTT ngay trên ứng dụng VCB Digibank hay thông báo..." - đại diện Vietcombank thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận