18/08/2012 04:45 GMT+7

Xác suất cháy nổ máy tính rất thấp

PGS.TS LÊ TIẾN THƯỜNG
PGS.TS LÊ TIẾN THƯỜNG

TT - Chiều 17-8, ông Lê Xuân Lương (cha của anh L.Đ.Q., nạn nhân trong vụ nổ máy tính tối 16-8, Tuổi Trẻ đã thông tin) cho biết do vết thương của anh Q. quá nặng nên gia đình đã chuyển anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để điều trị. Đến chiều tối cùng ngày, sức khỏe của anh Q. vẫn còn yếu.

alEf6iwP.jpgPhóng to

Hiện trường vụ nổ máy tính để bàn ở Tiền Giang - Ảnh: tr.Giang

"Nổ máy tính gây sát thương là chuyện rất hạn hữu bởi nguồn điện cung cấp cho hoạt động bo mạch chỉ từ 5-12V"

Thượng tá Lê Văn Kiệm, phó Công an TP Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết nguyên nhân ban đầu của vụ nổ được xác định là do anh Q. sửa máy tính gây nên. Từ vụ nổ này, nhiều người sử dụng máy tính bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ cháy nổ của các loại máy tính.

Đánh giá về nguy cơ này, PGS.TS Lê Tiến Thường, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), phân tích: Đối với máy tính để bàn, bên trong phần thùng máy có một bộ nguồn để cấp điện cho hoạt động của máy. Bộ nguồn này gồm những tụ điện, vi mạch điều khiển hoạt động của nguồn. Xác suất xảy ra cháy nổ ở máy tính để bàn cao hơn máy tính xách tay (laptop) do cấu tạo cồng kềnh, khả năng tiêu hao điện năng lớn.

Q. là sinh viên công nghệ thông tin

Theo ông Lương, tối 16-8, Q. một mình ngồi sau bếp sửa chữa chiếc máy tính để bàn. Đây không phải là máy tính của gia đình mà do Q. đem ở bên ngoài về sửa. Trong lúc sửa, mẹ của Q. nghe tiếng nổ lớn phía sau nên chạy ra xem thì thấy Q. nằm bất động dưới đất, máu chảy lênh láng, vật dụng trong phòng bếp bể nát...

Cũng theo ông Lương, Q. là sinh viên công nghệ thông tin năm thứ tư, rất đam mê máy tính, thường xuyên đem máy tính của người khác về nhà mày mò sửa chữa.

Khả năng cháy nổ nguồn điện máy tính có thể do một số nguyên nhân: bộ nguồn đã sử dụng quá lâu, hỏng hóc và không còn khả năng chuyển đổi nguồn điện. Nếu cháy nổ xảy ra khi người dùng đang sửa chữa máy tính để bàn thì nguyên nhân có thể do chập mạch điện khiến nguồn điện cung cấp cho bo mạch tăng vọt, những tụ điện nhỏ và những con vi xử lý gắn trên bo mạch có thể bị nóng lên đột ngột gây cháy nổ. Tuy nhiên, nổ máy tính gây sát thương là chuyện rất hạn hữu bởi nguồn điện cung cấp cho hoạt động bo mạch chỉ từ 5-12V mà thôi.

Đối với máy tính xách tay, các nhà khoa học cho rằng nếu máy tính xách tay phát nổ chỉ có thể do nguyên nhân từ nguồn pin bởi pin là nơi tích điện khá lớn. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến cháy nổ pin như người sử dụng cắm sạc máy tính quá lâu gây nóng pin quá mức, tuy nhiên xác suất xảy ra cháy nổ rất thấp; sử dụng loại nguồn pin cũ được phục chế thì khả năng xảy ra cháy nổ cao hơn do cách phục chế thủ công, không đảm bảo chất lượng pin.

Một số nguyên nhân gây cháy nổ máy tính khác cũng được ông Trần Xuân Quý - trưởng bộ phận kỹ thuật ngành hàng máy tính xách tay, công nghệ thông tin Công ty Thế giới di động - bổ sung: “Cháy nổ nguồn máy tính để bàn có thể do người dùng sử dụng nguồn không đảm bảo chất lượng (những bộ nguồn giá rẻ không có thương hiệu và xuất xứ rõ ràng); công suất nguồn thấp trong khi yêu cầu sử dụng của hệ thống máy tính cao do người dùng gắn thêm ổ cứng, card xử lý đồ họa, âm thanh... Hầu hết những trường hợp này đều do người dùng mua máy tính dạng tự lắp ráp các linh kiện rời”.

Theo ông Quý, trường hợp cháy nổ máy tính trong quá trình sử dụng có thể có một số nguyên nhân như quạt gió tản nhiệt của bộ nguồn bị ngưng hoạt động (do dị vật bị hút vào làm kẹt cánh quạt không quay được) khiến nguồn không được tản nhiệt, nóng lên quá mức gây cháy nổ. Do đó trong quá trình sử dụng, người dùng nên để phần thùng máy tính ở nơi thoáng mát, không nên phủ khăn lên trên thùng máy. Với người dùng ở các vùng nông thôn hoặc ở các nơi có nguồn điện không ổn định, nên dùng thêm bộ ổn áp điện để giữ điện luôn ổn định.

Về thống kê trên thế giới, số vụ cháy nổ máy tính xách tay xảy ra nhiều hơn máy tính để bàn, các chuyên gia trong nước cho rằng điều này không phản ánh đúng thực tế. Theo các chuyên gia, khi máy tính xách tay do các hãng sản xuất bị cháy nổ, người sử dụng thường nhanh chóng lên tiếng khiếu nại. Trong khi đó, nhiều vụ cháy nổ máy tính để bàn do người sử dụng có một số tác động, sửa chữa nên họ thường âm thầm chịu đựng. Hơn nữa, máy tính xách tay được nhiều người dân đô thị sử dụng nên khả năng ghi nhận vụ việc cũng cao hơn.

Ấn Độ: từng có người chết vì nổ máy tính

Các vụ nổ máy tính xách tay trên thế giới không phải là chuyện hiếm. Nguyên nhân hầu hết do pin. Nhưng nổ máy tính để bàn lại không nhiều.

Tháng 4-2009, một kỹ sư phần mềm trẻ ở Ấn Độ thiệt mạng khi đang ngồi trước chiếc máy tính để bàn của mình. Bạn cùng phòng của chàng trai xấu số nói anh nghe một tiếng nổ và khi chạy ra khỏi nhà tắm xem có chuyện gì thì thấy thi thể bạn mình bị cháy đen.

Cảnh sát vào cuộc điều tra. Theo báo Times Of India, vụ việc đã làm cảnh sát cực kỳ bối rối bởi chuyện nổ một chiếc máy tính để bàn thật khó tin. Một nhà điều tra nói: “Chúng tôi chưa bao giờ nghe về một vụ kiểu như vậy”. Tuy nhiên, hiện trường vụ tai nạn cho thấy rõ nạn nhân bị thiệt mạng do máy tính nổ bởi thi thể anh ta ngồi đúng vị trí trước máy tính.

Trang tin công nghệ Tom’s Guide đặt ra nhiều khả năng gây nổ máy tính để bàn trong vụ này: kết nối đường dây điện bị lỗi, dung dịch rò rỉ hay thậm chí là do chập điện. Có thể tia lửa điện phát ra từ nguồn điện đã gây cháy nổ và thiêu sống nạn nhân hoặc cáp điện của máy bị lỗi.

Trên một số diễn đàn máy tính khác, cũng có trường hợp từ năm 2000 kể lại rằng máy tính để bàn bị cháy nổ do sét đánh vào đường điện. Theo trang Space Ninja, một vụ nổ máy tính để bàn khác vào năm 2000 cũng xảy ra ở Portland, Mỹ, nhưng lần này là nổ màn hình. Nạn nhân là một thanh niên 22 tuổi và đã thiệt mạng ngay sau đó.

Riêng đối với máy tính xách tay (laptop) thì đã có nhiều vụ cháy nổ xảy ra. Nổi tiếng có vụ cháy một laptop hiệu Dell hồi năm 2006 tại một hội nghị ở Nhật Bản. Nguyên nhân các vụ cháy laptop hầu hết là do lỗi pin. Những năm gần đây từng có những đợt thu hồi pin quy mô lớn của các hãng máy tính nổi tiếng như Dell, Apple và sau đó là Toshiba, Lenovo, Sony. Một số trường hợp pin đã tỏa ra nhiệt quá lớn làm máy tính nóng lên. Có trường hợp gây cháy.

PGS.TS LÊ TIẾN THƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên