Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ |
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 30-3, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết thông tin trên
“Chúng tôi cho rằng các bên liên quan cần tôn trọng chủ quyền của Việt Nam cần tôn trọng chủ quyền của VN, hành xử có trách nhiệm, và không có hành động làm phức tạp tình hình cũng như đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.” - Ông Lê Hải Bình trả lời câu hỏi của phóng viên.
Ông Bình một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước đó, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho biết dường như Trung Quốc sắp hoàn thiện các công trình quân sự lớn trên ba đảo nhân tạo bao gồm Subi, Vành Khăn, và Chữ Thập mà nước này xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa.
Các chuyên gia của CSIS cho rằng Trung Quốc có thể triển khai máy bay chiến đấu và các vũ khí quân dụng hạng nặng khác đến những đảo này bất cứ lúc nào.
Cũng theo Reuters, Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc của Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông. Trong khi đó, mới tuần trước Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết các thiết bị quân sự mà nước này đặt ở Biển Đông chỉ nhằm mục đích duy trì “tự do hàng hải”.
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ rằng Việt Nam kỳ vọng gì về cuộc họp cấp cao giữa giữa đại diện Trung Quốc và các nước ASEAN bàn về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) tại Campuchia trong hai ngày 29 và 30-3, Người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định lợi ích chung của tất cả các nước ASEAN và cộng đồng ASEAN là duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và tại Biển Đông.
Trên cở đó, theo ông Bình, các nước ASEAN trong đó có Việt Nam, luôn nhất trí cần sớm có một bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận