Mẫu vật do nhóm TS Nguyễn Lê Anh tìm thấy ở khu vực máy bay mất tích năm 1971 được Quân chủng PK-KQ khẳng định là bộ phận của máy bay mất tích-UMig-21 - Ảnh: TS Nguyễn Lê Anh cung cấp
Sáng 24-5, TS Nguyễn Lê Anh - người đã tìm thấy mẫu vật nghi của máy bay UMig-21 bị tai nạn mất tích tại khu vực Tam Đảo, cho biết Quân chủng phòng không không quân đã có thông tin về kết quả tìm kiếm, giám định các hiện vật nghi là của máy bay UMig gặp nạn ngày 30-4-1971.
Những mẫu vật này được nhóm tìm kiếm của TS Nguyễn Lê Anh tìm thấy và bàn giao cho Quân chủng cuối tháng 2-2018.
Theo TS Anh, sau khi tiếp nhận mẫu vật của ông, Quân chủng đã thành lập một tổ công tác để xác minh.
Các cơ quan chức năng của Quân chủng đã gặp các cựu chiến binh qua các thời kỳ của Trung đoàn 921, Sư đoàn 371; gặp gỡ, làm việc với nhóm tìm kiếm và nhân dân địa phương khu vực xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để tìm hiểu thêm thông tin và tổ chức lực lượng tìm kiếm tại thực địa khu vực nghi máy bay bị tai nạn ngày 30-4-1971, thống nhất các biện pháp xử lý.
Sau 3 ngày tìm kiếm (từ 28 đến 30-3-2018) tại khu vực TS Nguyễn Lê Anh tìm thấy mẫu vật, đoàn công tác đã tìm thấy một mảnh dù bị cháy một phần; một mảnh lốp nghi là lốp của máy bay.
Quân chủng Phòng không - không quân cũng tiếp nhận 1 hiện vật kim loại hình tròn có rãnh răng cưa, chỉ còn một nửa đường kính khoảng 45cm, do một người dân sống ở khu vực này cung cấp.
Sau khi phân tích, giám định, Quân chủng Phòng không khẳng định mảnh vỡ kim loại, mảnh lốp, mảnh dù có hai màu trắng và da cam, mảnh vỡ kim loại hình tròn có rãnh răng cưa chỉ còn một nửa đường kính khoảng 45cm là các bộ phận của máy bay UMig-21 trong vụ tai nạn bay ngày 30-4-1971.
Trên cơ sở giám định mảnh dù (hai màu trắng và da cam do tổ công tác tìm kiếm được), khẳng định: Phi công không nhảy dù được và đã hi sinh.
TS Nguyễn Lê Anh cho biết hiện Quân chủng phòng không không quân đang tiếp tục phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Quân khu 2 (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên) tổ chức lực lượng tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ.
TS Nguyễn Lê Anh bàn giao mẫu vật được tìm thấy cho đại diện Quân chủng PK-KQ cuối tháng 2-2018 - Ảnh: TS Nguyễn Lê Anh cung cấp
Theo thông tin của Quân chủng Phòng không - không quân, ngày 30-4-1971, Trung đoàn 921 tổ chức huấn luyện cho số phi công chuyển loại từ Mig-17, sang bay Mig-21, sử dụng 12 máy bay Mig-21 và 3 máy bay huấn luyện (UMig-21).
10h21, Trung đoàn bắt đầu cất cánh huấn luyện. 10h24, phi công Công Phương Thảo cùng Đại úy Liên Xô Pa-rơ-cốp làm giáo viên kèm, cất cánh ra khu vực Tam Đảo, Sơn Dương, Đại Từ, Tuyên Quang, bay bài khu vực giản đơn, đến 10h43, máy bay mất liên lạc với Đài chỉ huy.
Ngay sau khi máy bay mất liên lạc, Quân chủng Phòng không - không quân đã chỉ thị cho các lực lượng khẩn trương tổ chức tìm kiếm.
Từ ngày 30-4 đến 8-5-1971, Quân chủng đã sử dụng 13 lần/chuyến máy bay An-2; 30 lần chuyến máy bay Mi-4, có 17 lần hạ cánh các bãi; tổ chức 3 tổ cấp cứu mặt đất, phối hợp với dân quân địa phương đi sâu vào núi Tam Đảo và các khu vực nghi máy bay rơi để tìm kiếm, song không phát hiện được gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận