21/03/2014 06:45 GMT+7

"Xã Trường Sa"

Anh Dương Thanh Luyện (xã đội trưởng xã Tây Trạch)
Anh Dương Thanh Luyện (xã đội trưởng xã Tây Trạch)

TT - Là một xã trung du nghèo khó nằm phía tây của huyện Bố Trạch (Quảng Bình), Tây Trạch “có duyên” với Trường Sa đến lạ.

Xã này đã đóng góp cho Trường Sa đến 32 người lính. Có thôn chỉ vài chục hộ dân nhưng có đến mười người là lính Trường Sa. Cái tên “xã Trường Sa” cũng ra đời từ đó.

A0y6YD5h.jpgPhóng to
Kỷ vật sau hơn một năm làm lính Trường Sa của Dương Đình Tứ là một “cây Trường Sa” làm từ thép quấn nilông và vỏ ốc cùng hai trái bàng vuông - Ảnh: Quốc Nam

Đã qua tết lâu rồi, nhưng nhà ông Dương Đình Thuận (ở thôn Võ Thuận) nhộn nhịp như đang còn tết. Bà con làng xóm cứ thay nhau kéo đến nhà ông để gặp Dương Đình Tứ, con trai ông Thuận, sau một năm rưỡi đi lính ở Trường Sa về. Dù khá mệt sau chặng hành trình dài trở về từ đảo Trường Sa nhưng Tứ luôn tươi cười. “Từ ngày nhập ngũ đến nay em mới về lại nhà. Nhớ bà con, nhớ xóm làng lắm” - anh nói.

“Duyên phận” với Trường Sa

"Ở mô không biết chứ ở vùng Tây Trạch này thôn xóm nào cũng có người đi bộ đội ở Trường Sa. Thôn ít thì vài người, thôn nhiều thì cả chục người. Vì vậy người làng coi Trường Sa cũng như một xóm trong lòng mình vậy"

Tháng 9-2012, lệnh tòng quân về xã Tây Trạch, đã có bốn chàng trai trẻ là Dương Đình Tứ, Nguyễn Tùng Định, Đặng Quang Tuấn, Lê Ngọc Dũng trúng tuyển đi hải quân. Ngày lên đường, cả bốn được biên chế vào đơn vị lính hải quân đóng ở Cam Ranh (Khánh Hòa).

Sau năm tháng huấn luyện, một số ít trong tổng quân số lính mới nhận về được chọn đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Và cả bốn chàng trai cùng quê Tây Trạch đều được chọn.

Tứ đóng quân ở đảo Trường Sa Lớn, Tuấn ở đảo Núi Le A, Định ở đảo Núi Le B và Dũng ở đảo Trường Sa Nhỏ. “Cả mấy trăm người tập hợp giữa sân chờ nghe đơn vị thông báo danh sách tuyển chọn đi làm nhiệm vụ ở đảo. Nghe đến tên mình tự nhiên cảm giác thiêng liêng lắm. Vui hơn nữa là cả bốn đứa bạn cùng lớn lên lại được đi đảo cùng nhau” - Tứ nhớ lại.

Riêng Lê Ngọc Dũng là người háo hức hơn cả, bởi Dũng được đi theo con đường của người chú ruột của mình. Chú của Dũng là Lê Văn Tiệp, ở thôn Làng (cùng xã), cũng là lính Trường Sa. Chú Tiệp ra đảo ngay sau sự kiện đảo Gạc Ma bị đánh chiếm. Từ nhỏ, mỗi khi chú về nghỉ phép là Dũng được nghe kể về câu chuyện bảo vệ Trường Sa. Từ đó, Dũng đã mơ một ngày sẽ cầm súng bảo vệ đảo Trường Sa như chú mình.

“Tụi em đều biết ra đảo là sẽ rất nhớ nhà, rất khó khăn. Bao nhiêu người chú, người anh trong làng xóm đã bảo vệ Trường Sa được thì giờ tụi em cũng làm được” - Tứ tâm sự.

Ở vùng quê nghèo này, người dân chỉ biết cặm cụi trên đồng ruộng kiếm cơm qua ngày nhưng hai chữ Trường Sa đã trở nên rất gần gũi. Từ quán nước đầu xã đến rẫy mì cuối xã, những câu chuyện về đảo Trường Sa luôn được người làng đem ra kể với nhau như cơm ăn áo mặc hằng ngày.

“Cái duyên” của Tây Trạch với Trường Sa bắt đầu từ năm 1982. Ngay trong đợt tuyển quân đầu tiên của đơn vị hải quân ở xã này năm đó, ba chàng trai trẻ là Lê Quang Trung, Hoàng Văn Thiêm, Hoàng Văn Hải đã trúng tuyển.

Không ai nghĩ đó là điềm bắt đầu cho một chuỗi dài đến mấy chục năm “duyên phận” của Tây Trạch với Trường Sa. Bốn năm sau đó, xã này lại có thêm năm người thành lính đảo.

Trong đó có anh Lê Văn Đông ở thôn Rẫy được cử đi làm nhiệm vụ ở đảo Gạc Ma. Khi Gạc Ma bị Trung Quốc đánh chiếm vào ngày 14-3-1988, anh Đông bị bắt đến mấy năm sau mới thả trở về.

Đến năm 1989, Hải quân vùng 4 lại về Tây Trạch tuyển quân. Đó là năm Tây Trạch đóng góp nhiều con em nhất cho quần đảo Trường Sa với chín người.

Từ sau năm 1990 đến nay, rải đều ra các năm, Tây Trạch cũng góp thêm cho Trường Sa 15 người lính.

“Cũng không ai biết duyên phận này từ đâu ra. Chỉ biết đất nước gọi là người dân Tây Trạch quê tui sẵn sàng ra Trường Sa như bảo vệ chính làng mình vậy” - ông Dương Đình Lộc, chủ tịch UBND xã Tây Trạch, nói.

Những người ở đảo

Hoàng hôn ở Tây Trạch thường xuống muộn. Bởi gần như xã này nằm trên những quả đồi. Nhà anh Dương Thanh Luyện đang chuẩn bị mâm rượu nhỏ.

Đây là buổi chiều đặc biệt với anh bởi sẽ có cuộc hội ngộ của năm anh em cùng xóm ngày xưa cùng đi lính hải quân. Anh Luyện kể năm nào năm anh em cũng làm một mâm rượu nhỏ như thế này vào đầu năm để kỷ niệm dịp đặc biệt đó. Chén rượu đầu tiên bao giờ anh cũng rót xuống đất. Anh nói đó là để tưởng nhớ những người đồng đội Trường Sa đã ngã xuống.

Anh Luyện thuộc lứa bộ đội Trường Sa nhập ngũ từ năm 1991. Cùng lứa với anh trong xã Tây Trạch này có đến tám người cùng đi bảo vệ Trường Sa.

“Đây là thời điểm biển đảo đang căng thẳng sau sự kiện Gạc Ma nên tinh thần đi bảo vệ Trường Sa lên cao lắm. Bầu không khí nóng hừng hực từ Trường Sa len lỏi về tận từng xóm làng ở Tây Trạch” - vừa nhấp ngụm rượu gạo quê nhà, anh Luyện hào hứng kể.

“Ra Trường Sa mỗi người ở mỗi đảo. Mỗi khi có tàu qua chúng tôi đều hỏi thăm tin tức của nhau. Anh em hẹn nhau làm xong nhiệm vụ sẽ gặp lại tại quê nhà” - anh Luyện kể.

Ngày anh trở về từ Trường Sa sau hơn hai năm công tác, ai cũng mừng vì anh sớm có gia đình êm ấm. Con trai đầu lòng của anh khỏe mạnh. Nhưng khi hai đứa con nữa chào đời trong tật nguyền thì vợ anh gần như ngã quỵ. Phải vừa làm cha vừa làm mẹ cho hai đứa con tật nguyền, anh Luyện vẫn lạc quan. “Lúc mình đi bộ đội ở đảo Trường Sa còn cực hơn ri nhiều” - anh nói.

Trong số những người lính trở về từ Trường Sa ở xã Tây Trạch, người khó khăn nhất là anh Lê Văn Yếm, ở thôn Làng. Anh Yếm đi Trường Sa cùng lúc với anh Luyện.

Anh Yếm là lính công binh đi xây dựng đảo. Ngày trở về, anh Yếm cũng lấy vợ. Hai vợ chồng đi làm thuê làm mướn nuôi con. Chỉ được vài năm, anh bỗng phát bệnh tâm thần. Suốt năm năm sau đó, anh chỉ toàn sống với ảo giác về những trận chiến. Đến năm 2011, anh đi một cách vô thức trên đường tàu thì bị tàu tông bỏ lại vợ con trong ngôi nhà bé nhỏ. Ngôi nhà chật chội đến mức bàn thờ anh phải đặt tạm trên chiếc bàn nhựa ngay trước chiếc sập đựng lúa.

Những người lính trở về từ Trường Sa ở Tây Trạch hiện là những nông dân cần mẫn. Ở đâu đó trên miền quê này những người lính Trường Sa vẫn thường ngồi lại với nhau. Câu chuyện về những ngày cầm súng bảo vệ biển đảo vẫn được họ kể lại như một ký ức đáng tự hào.

Anh Dương Thanh Luyện (xã đội trưởng xã Tây Trạch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên