TTCT - Trong cơn mưa xối xả, gió rít mạnh, nước dâng lên cực nhanh... lão nông Nguyễn Hữu (65 tuổi, thôn Thạch An, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và anh Phạm Thế Hiển (35 tuổi, phó trưởng công an xã này) vẫn lao vào tâm lũ cứu người. Ông Hữu (phải) cùng anh Hiển (bìa trái) đến thăm gia đình anh Tiến sau khi lũ rút. -Ảnh: TRẦN MAI Khẩn cấp Người dân thôn Phước Tích (xã Bình Mỹ) nằm cạnh sông Trà Bồng có lẽ hiểu rõ nhất sức mạnh của dòng nước. Ngày báo Tuổi Trẻ vào trao quà cứu trợ ở đây, chúng tôi đã nghe người làng kể về hai người hùng của họ. Anh Hiển kể: Khoảng 7h sáng 5-11, điện thoại anh liên tục đổ chuông, lãnh đạo xã Bình Mỹ thông tin có người dân kẹt trong lũ dữ ở thôn Phước Tích, nước lên quá nhanh không thoát ra được. Anh Hiển lập tức phóng xe máy tới nhà ông Hữu: “Chú ơi, có người kẹt trong lũ”. Không kịp nói với vợ, ông Hữu lên xe cùng anh Hiển đi mượn một chiếc thúng rồi cả hai ngược dòng lũ ra thôn Phước Tích. “Nước từ sông túa vào, nhiều lúc cái thúng như muốn lật úp. Vậy mà hai chú cháu cứ chèo vù vù” - anh Hiển nhớ lại. Giữa lũ lớn lên nhanh, cả thôn là một biển nước trắng xóa. Nơi cao ráo cuối cùng là nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Mỹ cũng chỉ thấy đỉnh của tấm bia ghi công. Hì hục chèo ghe tiến lên con dốc, ông Hữu và anh Hiển nghe tiếng hét lớn: “Đây đây, giúp tôi với, nước lên nhanh quá không chạy kịp”. Trong cơn mưa, ông Hữu nhìn thấy cả gia đình anh Đào Văn Tiến (40 tuổi) đứng chôn chân trong dòng nước, cố ép người lại với nhau cho đỡ lạnh. Cạnh đó, hai con bò kêu ò ò vì lạnh và đói. “Năm người mà chỉ có anh Tiến là đàn ông, còn lại là hai phụ nữ và hai cháu nhỏ. Cả nhà tháo chạy khỏi lũ nhưng nước lên nhanh quá, đi tới nghĩa trang thì không tiến thêm được nữa” - ông Hữu kể. Chầm chậm cho chiếc thúng vào sâu bên trong nghĩa trang, ông Hữu phân công: “Chú đưa ba cha con thằng Tiến lên thúng, vào chỗ cạn trước. Hiển ở lại canh chừng hai bà này, tí chú quay lại”. Dù chỉ cách 1km nhưng ông Hữu phải mất hơn 30 phút mới có thể quay lại cùng anh Hiển đưa hai phụ nữ thoát khỏi miệng hà bá. Khi người đã an toàn, ông Hữu và anh Hiển bàn nhau: để hai con bò trên đó sẽ chết, mấy chục triệu bạc coi như mất trắng nên cả hai quay lại. Anh Hiển cột dây vào thúng xuống nước vừa bơi vừa lùa hai con bò. Ông Hữu ngồi trên thúng đề phòng nếu nước mạnh quá thì anh Hiển lao lên thúng chấp nhận bỏ bò. “May là hai con bò rất nghe lời nên cuối cùng cũng thoát ra được. Hú vía” - ông Hữu nói. Cứu xong gia đình anh Tiến, cả hai lại tiến sâu vào thôn Phước Tích. Dòng nước ngầu đục, cuốn trôi cả bờ tre không ngăn được tinh thần nghĩa hiệp. Hết người này đến người khác kẹt trong tâm lũ được đưa ra ngoài. Cực nhất là cuộc cứu hộ tám con người trong gia đình ông Trần Thanh có cụ bà 90 tuổi và một cháu bé mới sinh hai tháng. Ông Hữu kể lại: “Tôi chèo thúng còn Hiển gọi, lúc này thấy ông Thanh lật ngói chui lên kêu cứu. Mất hơn một giờ, cả hai mới đưa được cả gia đình ông Thanh đến nơi an toàn. Một ngày vật lộn, 28 người kẹt trong dòng lũ đã được cứu ra khỏi nỗi hoảng loạn cùng cực. “Ớn nhất là vào nhà ông Lê Văn Hùng, lúc này nước lên quá nhanh, khẩn cấp quá, phải đưa cả bốn người lên cùng tôi với Hiển là sáu. Vừa chèo vừa vái trời thương mình” - ông Hữu kể tiếp. Nghĩ cho người, đừng chỉ thương mình Bà Hà Thị Anh Thư, bí thư Huyện ủy Bình Sơn, cho biết mấy ngày qua chính câu chuyện nghĩa tình của anh Hiển, ông Hữu đã tiếp thêm động lực lớn cho huyện trong việc khắc phục hậu quả lũ. Bà Thư nói: “Rất trân quý tinh thần nghĩa hiệp của ông Hữu và anh Hiển”. Cả ngày vật lộn, mệt rã rời đến tối mịt ông Hữu mới trở về nhà thì thấy nước vào nửa vách. Gạo, lúa, bắp, ớt ngập trong nước, đồ đạc trong nhà trôi theo dòng nước. Vậy mà ông Hữu bảo: “Nghĩ cho người, đừng chỉ thương mình. Của mất làm lại được, chứ người mất thì coi như vĩnh viễn”. Bà Lăng Thị Tuất, vợ ông Hữu, vừa trách vừa thương chồng. Số là sau khi ông Hữu đi, bà mới biết ông mượn thúng chèo đi rồi. Lúc này nước lên nhanh, bà leo lên tủ thờ tránh tạm. Tủi thân bà khóc. May sao, một chiếc xe của đội cứu hộ xã ghé vào cứu bà, đến khi nước rút đi hai vợ chồng mới gặp nhau. Bà Tuất nói: “Nhìn lúa gạo hỏng tiếc đứt ruột nhưng nghĩ cảnh ổng vật lộn với lũ cứu người lại thương”. Ông Trần Quang Hà, phó chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, chia sẻ: Khó có thể hình dung sự dũng cảm và quyết tâm của cả hai khi ngược xuôi trên dòng nước ầm ầm đi cứu người. Mà đâu chỉ một lần, họ đi đến vài chục lượt, hết ngõ này đến xóm nọ. “Ở đâu kêu cứu là cả hai lại tới, UBND xã rất biết ơn và gửi lời cảm ơn đến cả hai. Chúng tôi đã đề nghị huyện khen thưởng cho tinh thần tương trợ nghĩa hiệp của họ” - ông Hà nói. Sau lũ, ông Hữu và anh Hiển đến nhà thăm anh Tiến. Bên chén trà, cả gia đình anh Tiến nhìn ân nhân của mình xúc động: “Cả nhà như được sinh lần hai. Nếu lúc đó không được cả hai phát hiện cứu giúp mà nước lên nhanh như vậy thì chỉ có nước chết. May sao trời còn thương cho gia đình tôi gặp được chú Hữu và Hiển. Chẳng biết lấy gì báo đáp ơn cứu mạng này”.■ Tags: Giữa dòng nước lũXả thân cứu ngườiÔng HữuAnh Hiển
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.