Như Tuổi Trẻ Online thông tin, ngày 8-8, sau khi vụ tai nạn liên hoàn trên cầu Phú Mỹ (TP.HCM) xảy ra, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh người đi đường bất chấp nguy hiểm lao vào cứu tài xế mắc kẹt trong ô tô thoát ra ngoài an toàn.
Theo hình ảnh được clip ghi lại, vụ tai nạn vừa xảy ra, người đi đường, trong đó có một số người mặc đồ công nhân, xe ôm công nghệ... phát hiện nam tài xế mắc kẹt trong ô tô nên tìm mọi cách đập cửa kính ô tô để cứu tài xế ra ngoài.
Hành động này nhận được nhiều lời ngợi khen của bạn đọc.
Dưới đây là chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Văn Công (Đại học Nguyễn Huệ) xung quanh vấn đề này.
Học những bài học dũng cảm ở đâu?
Hỏa hoạn, đuối nước, bão lũ, chập điện… là những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống của chúng ta bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên trong tình huống khẩn cấp này làm sao có thể xử lý một cách nhanh nhất, an toàn nhất, không để lại hậu quả là việc làm vô cùng khó khăn.
Câu chuyện về một nhóm người đi đường bất chấp nguy hiểm lao vào giải cứu nam tài xế mắc kẹt trong ô tô đang bốc cháy sau vụ va chạm liên hoàn 8 xe trên cầu Phú Mỹ chiều 8-8 được lan tỏa nhanh chóng trên các trang mạng xã hội và được dư luận đồng tình, cảm phục.
Không phải ai cũng trả lời được điều này. Song nếu như những bài học đó được đào tạo, được bồi dưỡng, được trải nghiệm thông qua các tình huống thì chắc chắn sẽ hữu ích hơn và khi gặp điều kiện tương tự có thể giải quyết được.
Có rất nhiều lớp học kỹ năng dành cho các bạn trẻ, về mặt lý thuyết cũng được trang bị khá bài bản, đưa ra nhiều tình huống.
Chẳng hạn khi phát hiện hỏa hoạn cần làm gì, thông báo cho ai, sử dụng thiết bị nào, làm sao để bảo đảm an toàn…
Theo tôi, các lớp kỹ năng sống đó phần nào đã giúp các em biết xử trí tình huống.
Tuy nhiên không phải tất cả mọi người được đào tạo đều có thể xử trí tình huống trên thực tế một cách hiệu quả, có người vẫn không biết làm gì, lúng túng, sợ sệt, sợ nguy hiểm và sợ mang họa vào thân…
Phải chăng quá trình đào tạo chúng ta vẫn dừng trên lý thuyết? Các bài tập, tình huống giả định không gắn liền với thực tế?
Chú trọng kỹ năng thực hành
Có thể nói các tình huống nguy hiểm xảy ra trong thực tế là rất ngắn. Do vậy khi hành động không phải ai cũng làm được, làm hiệu quả. Trước hết cần phải có một thái độ sống tích cực.
Đó là sự đồng cảm, chia sẻ, là tình người, là trách nhiệm với cộng đồng. Họ không quản ngại khó khăn, không sợ hy sinh mà sẵn sàng thực hiện bằng trái tim và khối óc của mình.
Điều này giới trẻ phải được học tập, được giáo dục từ gốc rễ, được trải nghiệm trên thực tế mới có được.
Chẳng hạn muốn các em có sự chia sẻ, đồng cảm thì hãy đưa các em đến gặp những trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật… để các em được quan sát, được thể hiện sự sẻ chia, đồng cảm với họ.
Ngược lại sự ích kỷ, tâm lý sợ sệt, thờ ơ, vô cảm không dám đối mặt với khó khăn… chắc chắn họ không dám "ra tay cứu giúp" những người gặp nạn.
Câu chuyện về những người xả thân cứu người ra khỏi tình huống nguy hiểm nêu trên là một minh chứng sống động. Họ cũng chỉ là những người dân bình thường nhưng lại làm được những điều phi thường.
Không sợ hiểm nguy và ra tay hành động nhanh chóng, đó là yếu tố rất cần thiết.
Bên cạnh tinh thần xả thân, họ thực hiện thao tác nhanh chóng để đưa người bị nạn thoát khỏi hỏa hoạn. Đó là những kỹ năng thực hành quan trọng, phải được rèn luyện, tỉnh táo xử lý không chỉ bằng con tim mà bằng cả khối óc.
Lan tỏa những gương điển hình
Cùng với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bài học này cần phải trở thành những tình huống giáo dục được đưa vào các nhà trường phổ thông, cao đẳng, đại học.
Điều này góp phần giúp thế hệ trẻ hiểu được giá trị sống, thái độ sống, tính người, tình người trước hoàn cảnh khó khăn nhất.
Bên cạnh đó những tấm gương sống này cần phải được truyền cảm hứng cho các em bằng cách mời nói chuyện, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sẽ rất có ý nghĩa giáo dục.
Các bài học về kỹ năng sống phải được thiết kế thiết thực hơn, sự trải nghiệm không chỉ trên mô hình, tình huống mà quan trọng nhất là trải nghiệm thực tế cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận