Chẳng phải người Việt vẫn tự hào về truyền thống "tôn sư trọng đạo" đó hay sao?
Dạy và học phải là lẽ sống
Người thì cho rằng vì ta đang sống trong thời các giá trị đảo lộn nên đạo đức suy đồi. Người lại nói do mặt trái của kinh tế thị trường nên chuyện học giờ cũng chẳng khác gì việc mua bán nên không còn thiêng liêng như trước.
Người lại giải thích giáo dục bây giờ là giáo dục đại trà, chứ không còn là giáo dục dành cho số ít tinh hoa, nên không thể đòi hỏi tinh thần tôn sư trọng đạo như xưa nữa...
Vậy thì có đúng là dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo hay chỉ là một sự tự huyễn hư truyền?
Lần giở lại lịch sử, ta thấy rất nhiều câu chuyện đẹp đẽ về tình thầy trò. Và hồi tưởng lại những năm tháng đi học của vài chục năm trước đây, ta vẫn thấy sự ấm áp của các thầy cô, dù ở ngay những nơi nghèo khó nhất.
Ta cũng thấy hình bóng những người học trò cất công tầm sư học đạo. Mà không chỉ là tầm sư để cầu học đạo lý, tri thức mà còn để học nghệ thuật, học võ, học chơi...
Vậy thì ta không thể phủ nhận rằng tinh thần tôn sư trọng đạo là có thật, nhưng không phải ở tất cả mọi người và mọi lúc, mọi nơi.
Vậy thì khi nào ta có được tinh thần tôn sư trọng đạo?
Câu trả lời là khi người học trò coi việc học và thấy việc học là cách thức tìm ra lẽ sống của đời mình. Và tương ứng với điều đó, người thầy cũng thấy việc dạy không chỉ là công việc mà còn là lẽ sống.
Nhưng trong vài khảo sát cá nhân của tôi những năm qua, khi hỏi các em học sinh sinh viên câu hỏi "Học để làm gì?", thì hơn 80% các em bối rối không trả lời được.
Chẳng qua là đến tuổi thì cha mẹ cho đến trường. Thầy giảng thì phải nghe. Cô giao bài thì phải làm. Mọi việc diễn ra theo sắp đặt, quán tính, cứ thế mà làm, sao lại còn phải hỏi "Học để làm gì?" cho mệt!
Tương tự như vậy, khi hỏi giáo viên câu hỏi tương tự "Dạy để làm gì?" thì tỉ lệ giáo viên bối rối còn cao hơn thế. Dạy học vì đó là công việc? Dạy học vì để kiếm sống? Đã chọn nghề dạy học, hoặc bị đưa đẩy vào nghề dạy học, thì cứ thế mà dạy thôi, sao phải hỏi "Dạy để làm gì?" cho mệt óc.
Chỉ khi hỏi thêm thì cả thầy và trò bắt đầu suy nghĩ và đưa ra nhiều lý do khác nhau. Nhưng đó chỉ là lý do và diễn giải, xuất hiện khi phải đối phó với một câu chất vấn, chứ không phải là một lẽ sống tự nhiên, trực sẵn.
Diễn và giả
Như thế ta thấy, trong gần 20 năm đi học, cả thầy và trò đều chưa thấu hiểu về ý nghĩa công việc của mình làm. Trò không rõ học để làm gì. Thầy cũng không rõ dạy để làm gì.
Công việc mà mỗi người đang thực hiện chỉ là một quán tính, một sắp đặt, được thực hiện trong trạng thái hiển-nhiên-đờ-đẫn từ trong sâu thẳm, mà không phải là một cách thức để truy tầm lẽ sống.
Khi đó, đạo học đã không còn. Đạo học đã rời xa cả người dạy và người học, vì đạo học là hiện thân của lẽ sống được truy cầu.
Khi đó, cái thật trong việc dạy và việc học cũng không còn nữa, chỉ còn cái diễn, rồi từng bước chuyển thành cái giả, rồi dần dần cái diễn - cái giả sẽ lên ngôi.
Khi cái diễn - cái giả lên ngôi sẽ có mấy khả năng sau xảy ra: hoặc ta sẽ trượt dài trong cái diễn - cái giả đó, hoặc là ta sẽ đối phó nó bằng một cái diễn - cái giả khác, hoặc là ta sẽ chống lại cái diễn - cái giả bằng một sự nổi loạn, hoặc ta sẽ cam chịu nó như một sự bất lực.
Đó chính là hiện trạng mà chúng ta thấy phổ biến trong giáo dục hiện nay. Nếu không tin, xin hãy xem các tiết học dự giờ, ta sẽ thấy tràn ngập trong đó là cái diễn: thầy diễn việc dạy, trò diễn việc học, người dự giờ diễn việc tham gia.
Hoặc nếu ta xem các bài làm theo văn mẫu - toán dạng của học sinh, nhận xét kiểu đóng dấu, cắt dán của các thầy cô, ta sẽ thấy dội lên hình ảnh của một sự diễn và đối phó, từ cả thầy và trò.
Hay khi xem học bạ của học sinh hiện giờ, ta sẽ thấy chất lượng giáo dục dường như đã chạm ngưỡng hoàn hảo, nhưng kiến thức, kỹ năng và thái độ sống thì... ối giồi ôi, giật mình!
Nhưng vì sao ai cũng mong muốn có được cái thật - cái chân, mà cái diễn - cái giả lại trở nên phổ biến như vậy?
Lý do là để có được cái thật - cái chân, một người luôn phải tự vấn, luôn phải nhìn vào lòng mình để thẩm soát. Việc này vừa khó, vừa đòi hỏi tính kỷ luật.
Còn với cái diễn - cái giả, đó là cái ta trình diễn ra bên ngoài, vừa dễ thao túng, lại có nhiều lý do để biện minh, dễ dãi.
Cái ở bên ngoài ta cũng là cái người khác có thể đánh giá, đo lường dễ dàng hơn nhiều so với những thứ chân thật ở sâu bên trong ta, nên rất hợp ý và thuận tiện cho các nhà quản lý.
Kết quả là cái diễn - cái giả lên ngôi và đánh bạt cái thật - cái chân, không chỉ trong giáo dục mà trong mọi mặt của đời sống.
Các con sóng của thị trường, khi mọi thứ đều bị giải thiêng và quy về mua bán - tiêu thụ, cùng các kỹ nghệ và hoạt động quảng cáo rốt ráo trên diện rộng, càng làm cho đạo học ngày càng xa rời cả người dạy và người học.
Mà khi đạo học đã không còn thì khó đòi hỏi chuyện trọng đạo tôn sư.
Dạy thật, học thật, thi thật, sống thật
Vậy giải pháp cho vấn đề nan giải này là gì? Hiển nhiên giải pháp là dẹp bớt cái diễn - cái giả trong giáo dục bằng cách khôi phục việc dạy thật - học thật - thi thật - sống thật, trong sự hồn nhiên của con trẻ và sự sáng tạo của người thầy.
Nếu nhà trường chưa làm được thì gia đình cần phải làm như một giải pháp thay thế.
Chỉ khi đó, những câu chuyện bi hài và đau lòng trong giáo dục, rộng hơn là trong mọi mặt của đời sống, mới giảm bớt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận