25/06/2024 07:52 GMT+7

Xả rác ngập ngụa đường phố TP.HCM: Ý thức một phần, hạ tầng còn yếu

LÊ PHAN
và 1 tác giả khác

Bài viết "Rác ngập ngụa khắp nơi ở TP.HCM: Ai xả đấy?" (Tuổi Trẻ 23-5) đã phản ánh về nạn xả rác ở TP.HCM. Chuyện này do ý thức cư dân là chính, nhưng hạ tầng và công tác thu gom, xử lý rác chưa hoàn thiện cũng không vô can.

Hẻm 25 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - nơi thí điểm phân loại rác của TP - nay đã không còn thực hiện. Rác chưa phân loại gom vào thùng chờ mang đi - Ảnh: NGỌC QUÝ

Hẻm 25 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - nơi thí điểm phân loại rác của TP - nay đã không còn thực hiện. Rác chưa phân loại gom vào thùng chờ mang đi - Ảnh: NGỌC QUÝ

Nhìn lại lĩnh vực xử lý rác tại TP.HCM hiện nay vẫn còn nhiều bất cập đáng nói. Đầu tiên là công tác phân loại rác, TP.HCM đã phải loay hoay rất nhiều năm...

Thí điểm rồi... đâu lại vào đó

Khu vực hẻm 25 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1 - một trong những nơi thí điểm phân loại rác tại nguồn đầu tiên trên địa bàn TP.HCM. Đến nay, nhiều hộ dân trong hẻm đã không còn phân loại nữa.

Hiện nay, hầu hết hộ dân đều bỏ rác các loại chung vào túi để trước nhà và chờ thu gom. Khi được hỏi về việc phân loại rác thải tại hẻm, người dân cho biết không còn thực hiện từ mấy năm nay.

Bà Trần Thị Mai Thời (ngụ hẻm 25) cho biết kế hoạch thực hiện phân loại rác thải được thực hiện khoảng đầu 2017, nhưng chỉ thực hiện được 1 - 2 năm đầu rồi thôi. Sau đó, người dân bỏ chung vào rồi xe thu gom cũng thu chung luôn. Trong thời gian thực hiện, bà Thời cho rằng ngoài việc lưu ý một chút vài thao tác cho việc phân loại rác thì không có khó khăn gì thêm.

"Hồi còn phân loại rác, các đơn vị thu gom rác sẽ phát cho các hộ gia đình trong hẻm các túi ni lông gắn nhãn rác thải thực phẩm, rác thải nhựa, rác thải còn lại. Rác được thu gom vào các xe rác riêng biệt.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có hộ phân loại, có hộ không. Giờ thì nhiều nhà bỏ rác vào các túi ni lông để trước nhà, không còn thực hiện phân loại rác nữa. Chính quyền địa phương làm chưa quyết liệt công tác này nên thí điểm thời gian rồi đâu vào đó", bà Thời chia sẻ.

Còn ông Trần Văn Minh (cùng ngụ hẻm 25) cho biết khó khăn trong việc phân loại có lẽ đến từ thói quen của người dân. Trước nay người dân đều tiện tay cho tất cả rác thải vào một bao nên nhiều hộ dân chỉ làm được ít bữa rồi thôi.

Gần 20 năm chưa làm được

Từ năm 2006, chương trình phân loại rác tại nguồn đã được TP.HCM triển khai thí điểm nhưng do không đồng bộ từ người dân, đơn vị thu gom, vận chuyển, đơn vị xử lý nên chương trình đã không thành công. Đến năm 2011, TP.HCM triển khai trở lại, TP quyết định phân loại rác thành ba loại nhưng một lần nữa không đạt được kết quả.

Sau đó, TP.HCM đã triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn thành hai loại theo quyết định 09/2021 của UBND TP. Việc phân loại này phù hợp với lộ trình chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt rác phát điện.

Đến khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phân loại thành ba loại là rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thải thực phẩm; rác thải sinh hoạt khác.

Trước đây Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cũng đã từng thí điểm thực hiện phân loại rác ở một số địa phương tại TP. Điển hình là mô hình đổi rác tái chế được lấy quà tại chung cư Tây Thạnh, quận Tân Phú. Sau đó, đơn vị này đã xây dựng đề án "Mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế" với năm loại rác tái chế gồm nhựa, giấy, kim loại, thủy tinh và ni lông.

Mục tiêu đề án nhằm tạo giá trị kinh tế cho cá nhân và đơn vị thu gom rác, phân loại rác tại nguồn, giảm tỉ lệ chôn lấp. Khi nguồn rác tái chế đủ lớn, các bên liên quan có giải pháp biến rác thải thành nguyên liệu tái sử dụng. Tuy nhiên đến năm 2021, việc thí điểm này đã tạm ngừng lại và chờ chủ trương tiếp.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng nhận định thực tế phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn trên cũng tồn tại một số bất cập, chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung.

Cụ thể, số người dân tham gia chưa cao cùng với lượng phương tiện thu gom còn ít nên dẫn đến có tình trạng người dân đã phân loại tại nhà nhưng lực lượng thu gom lại trộn lẫn với nhóm khác khi thu gom hoặc thu gom chung giữa hộ đã phân loại và hộ không phân loại...

Tuy nhiên, cũng có một điểm khả quan khi theo kết quả công bố của Viện Nghiên cứu phát triển trong năm 2022, trên 85% người dân ở TP.HCM hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết của việc phân loại rác tại nguồn.

Bên cạnh đó, TP.HCM đang dần hình thành thị trường thu mua các loại rác có thể tái chế đi vào hoạt động. Việc này góp phần làm giảm áp lực trong việc thu gom, vận chuyển cũng như xử lý rác sinh hoạt cũng như xả rác ra môi trường.

Phân loại rác chưa thành một phần do xe thu gom

Khi người dân thực hiện phân loại rác xong nhưng xe thu gom không đạt chuẩn thì rác lại bị dồn làm một. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc phân loại rác chưa thành công dù đã thực hiện nhiều năm.

Dù có nhiều nỗ lực của cơ quan chức năng nhưng hiện nay khâu này vẫn còn chưa đồng bộ. Đường phố vẫn còn nhiều xe thu gom không đạt chuẩn chạy nhan nhản gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị...

Sau 18 năm triển khai phân loại rác tại nguồn, TP.HCM sẽ phân loại rác thành ba loại thay vì hai loại từ cuối năm nay. Để triển khai thực hiện quy định nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ phối hợp các quận, huyện xây dựng "Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn" trình UBND TP.HCM ban hành làm cơ sở.

Từ đó hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân thực hiện. Việc phân loại rác thành ba loại bắt đầu thực hiện từ ngày 31-12-2024.

Rác ngập ngụa khắp nơi ở TP.HCM: Ai xả rác đấy?Rác ngập ngụa khắp nơi ở TP.HCM: Ai xả rác đấy?

Từ các dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, 19-5, Ông Bàu, Miếu Nổi... ngập ngụa ùn ứ hàng trăm tấn rác đặt ra một câu hỏi: Ai xả rác? Và dưới đây là ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên