Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận vẫn đang điều tra, làm rõ vụ tai nạn trên xảy ra trong đêm 9-3, tại Km46+300 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Hậu quả để lại là người nhặt ve chai đã chết, còn tài xế xe tải phải đối mặt với nhiều tình huống pháp lý khác trong vụ tai nạn.
Người đàn ông nhặt ve chai bị xe tải tông chết trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Bất chấp nguy hiểm vào cao tốc nhặt ve chai
Vì sao lại xuất hiện người đàn ông bất chấp nguy hiểm chạy xe đạp vào đường cao tốc nhặt ve chai trong đêm tối? Và không chỉ nạn nhân này, quan sát của Tuổi Trẻ Online còn thấy nhiều trường hợp khác, thậm chí đi bộ giữa tuyến chính để vác bao lụm nhặt ve chai.
Ngoài chuyện các đơn vị quản lý chưa kịp thời phát hiện, một phần lý do khác chính là câu chuyện xả rác. Xả rác không chỉ làm mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông trên cao tốc.
Bao bịch bay dễ vướng vào dòng xe đang chạy với tốc độ cao. Chai nhựa, lon nước ngọt vứt lại bừa bãi đã "kích thích" thêm nhiều người bất chấp nguy hiểm vào lụm nhặt. Và thực tế đã xảy ra vụ tai nạn chết người như trên.
Ngay sau vụ tai nạn trên, một du khách khác từ TP.HCM về Bình Thuận cũng chia sẻ thêm với phóng viên từng trải qua một phen thót tim khi đang chạy ô tô với vận tốc khoảng 100km/h thì bất thình lình phát hiện một người đàn ông đang nhặt ve chai phía trước.
Khó phát hiện để xử lý việc xả rác
Tình trạng người tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc mới từ Vĩnh Hảo đến Dầu Giây xả rác - từ chai nhựa, khăn giấy, bao bịch, lon nước đến cả mùi xú uế - khiến các đơn vị quản lý nhức nhối.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Duy Lân (trực thuộc Công ty Quản lý và đầu tư xây dựng công trình 238, một đơn vị vận hành khai thác tạm thời đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) cho biết không dọn xuể rác, nhất là những điểm dừng khẩn cấp.
Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây nhức nhối hơn, bởi hai bên tuyến chính có làn dừng khẩn cấp hoàn chỉnh nên tài xế tấp xe vào lúc nào cũng được. Nhất là những nút giao có nhiều làn xe nên ban đêm tài xế dừng ngủ rồi để lại rác, mùi xú uế…
Đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long giải thích dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đến nay vẫn trên danh nghĩa là khai thác tạm nên nhiều công tác quản lý cũng đều tạm.
Đơn cử như trường hợp đơn vị quản lý đến nay vẫn chưa nhận được kinh phí hay thủ tục khai thác vận hành cụ thể để bố trí nhân sự làm việc. Trên toàn tuyến có 5 nút giao, trong khi đơn vị quản lý chỉ có thể bố trí người trực chốt ở một số nút giao lớn.
Các nút giao còn lại như quốc lộ 55, ĐT 720 qua tỉnh Bình Thuận chưa có ai gác chốt do chưa hoàn thành thủ tục bàn giao. Từ việc không có ai gác chốt nên dễ dàng xảy ra tình trạng người đi xe máy hoặc nhặt ve chai chạy vào tuyến chính.
"Trên toàn đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng chưa có hệ thống camera giám sát, quản lý như các cao tốc khác nên khó bắt quả tang người tham gia giao thông xả rác. Vì vậy, ý thức người dân vẫn là trên hết", vị đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long chia sẻ thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận