13/12/2013 08:12 GMT+7

Xả lũ thủy điện sai quy trình do bên dự báo thời tiết?

NGUYÊN LINH - L.GIANG
NGUYÊN LINH - L.GIANG

TT - Đại biểu Đào Chuẩn mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 12-12 với bức xúc của cử tri khi thủy điện xả lũ không đúng quy trình, khiến các khu dân cư ngập sâu, kéo dài.

Ông Chuẩn đề nghị UBND tỉnh nói rõ quy trình vận hành đúng sai thế nào, đồng thời cho biết diện tích rừng bị mất do thủy điện, đã trồng lại được bao nhiêu?

Ông Lê Trường Lưu, phó chủ tịch UBND tỉnh, trả lời: “Hầu hết các hồ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xả lũ đúng quy trình, góp phần giảm lũ 0,4-0,6m. Tuy nhiên đợt bão số 11, hồ thủy điện Hương Điền không tuân thủ theo yêu cầu của tỉnh về hạ mực nước trong hồ để có dung tích phòng lũ. Chủ tịch UBND tỉnh đã lập biên bản cảnh cáo đối với đơn vị chủ hồ thủy điện này”.

Ông Lưu nói công tác quan trắc, dự báo khí tượng - thủy văn chưa chính xác, khiến đơn vị vận hành hồ thủy điện không làm theo quy trình vì sợ xả thì hụt nước, trong khi đó hệ thống cảnh báo đến người dân hạn chế, thông tin chậm đến với người dân vùng xa, khiến người dân bị động.

Ông Lưu cho biết rừng của tỉnh này bị mất hơn 1.000ha do xây dựng thủy điện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa trồng bù được vì thiếu đất. Hiện tỉnh đang rà soát đất rừng để sớm trồng bù lại diện tích rừng đã mất.

Đại biểu Trần Xuân Bình (huyện Nam Đông) chất vấn việc tỉnh giao rừng tự nhiên cho các nông lâm trường và ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông với diện tích rất lớn, trong khi đó người dân các xã Hương Hữu, Hương Sơn thiếu đất sản xuất thì không được giao?

Ông Hồ Đăng Vang, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, trả lời: “Từ năm 2006 đến nay, ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông đã bàn giao cho huyện Nam Đông hơn 11.500ha để giao cho người dân, hiện còn quản lý 15.295ha.

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo ban quản lý tiếp tục rà soát và dự kiến năm 2014 giao tiếp 433ha (rừng trồng 157,3ha và đất trống 275,7ha) cho người dân xã Thượng Quảng, Thượng Long”.

Trả lời kiến nghị của cử tri về việc tỉnh Thừa Thiên - Huế “mắc nợ” hơn 1.000ha đất lâm nghiệp của người dân khi thu hồi thực hiện dự án hồ Tả Trạch từ năm 2004, ông Lưu cho biết UBND tỉnh đã có công văn và trực tiếp làm việc với Chính phủ và các bộ để đề nghị bổ sung kinh phí đền bù khoảng 70 tỉ đồng cho người dân do không còn quỹ đất để cấp đổi.

* Ngày 12-12, phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 HĐND Quảng Bình đã diễn ra khá căng thẳng, với nhiều ý kiến bức xúc của đại biểu trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2011-2015. Trong đó, nạn khai thác cát sạn trái phép trên sông Gianh thuộc địa phận các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa thời gian qua đã gây xói lở nặng nề bờ sông và đất sản xuất, làm thất thoát nguồn tài nguyên, khiến nhiều đại biểu bức xúc.

Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, đưa ra số liệu cụ thể: “Qua kiểm tra mấy ngày gần đây, phát hiện 38 tàu thuyền hút cát sạn trái phép và tất cả người lái thuyền đều không có giấy phép lái thuyền theo quy định”. Nhiều đại biểu cho rằng đó là do sự quản lý yếu kém của các địa phương và xử lý thiếu kiên quyết của các cơ quan chức năng.

Ông Lương Ngọc Bính - bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh - kết luận: “Từ nay nếu kiểm tra phát hiện thuyền khai thác trái phép cát sạn thì ngành công an, mà cụ thể là CSGT tỉnh và các địa phương, phải tịch thu ngay. Nếu không làm được thì bị kỷ luật. Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch và xã Cảnh Hóa từ nay đến trước Tết Giáp Ngọ phải giải tỏa xong bến bãi tập kết cát sạn trái phép ở xã. Nếu làm không được cũng bị kỷ luật. Chuyện này nói mãi rồi, bây giờ không nói nữa”.

Kỳ họp cũng đã thông qua nghị quyết đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là tuyến đường ven biển kéo dài từ xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) đến địa phận xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), rộng 60m, dài hơn 7km.

NGUYÊN LINH - L.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên