02/05/2013 13:30 GMT+7

Xã hội văn minh sao chấp nhận khói thuốc tràn lan?

BaoChau
BaoChau

TTO - Vấn đề cấm hút thuốc nơi công cộng nhận được sự đồng tình của nhiều bạn đọc. Bạn đọc chia sẻ những ý kiến đóng góp để Luật phòng chống tác hại thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống.

0fRtjIpY.jpgPhóng to
Ảnh tư liệu

TTO xin trích đăng:

+ Công cuộc phòng chống hút thuốc lá (cả hút thuốc lá thụ động) ở nước ta dường như cho đến nay không có một kết quả nào. Người hút thuốc lá vẫn còn rất cao. Đáng lo là giới trẻ vẫn vô tư đến với thuốc lá, nhất là giới trẻ ở nông thôn, tỉnh lẻ.

Thực tế việc tiếp cận với thuốc lá vẫn còn quá dễ dàng. Giá thuốc lá quá rẻ và ai mua, ai hút cũng được, kể cả đứa bé lên 10 tuổi. Quy định cấm bán thuốc lá cho trẻ em hay cấm hút thuốc nơi công cộng chỉ là… những lời nói suông, không phát huy giá trị gì, không đi vào cuộc sống.

Quy định không “sống” được là vì nó không được thực thi một cách nghiêm túc bài bản; vì ý thức của một bộ phận người dân còn quá kém, còn dễ dãi, du di…

Đó là cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, nơi vui chơi giải trí của trẻ em, phương tiện giao thông công cộng (ôtô, máy bay, tàu điện) và cơ sở/khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.

Ngoài ra cũng sẽ cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà tại nơi làm việc, địa điểm công cộng, các trường cao đẳng, đại học, học viện và các địa điểm công cộng.

Đặc biệt, từ cuối năm 2013 sản phẩm thuốc lá có cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh (50% diện tích vỏ bao) sẽ thay thế thuốc lá chỉ cảnh báo bằng chữ như hiện hành.

Khi vẫn còn người thản nhiên hút thuốc trong bệnh viện; cán bộ, công chức nhà nước vẫn "phì phà" tại cơ quan… thì việc loại trừ thuốc lá quả thật là con đường gian nan.

Trình độ dân trí thấp theo tôi là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khói thuốc tràn lan. Chẳng những không ý thức với bản thân (hút thuốc lá) mà không ý thức cả với cộng đồng gây nên tình trạng hút thuốc thụ động, mà theo các chuyên gia về y tế thì tác hại của nó cũng không kém người hút.

Không ít người vừa hút thuốc vừa bồng bế trẻ con, không thương tiếc gì những lá phổi non nớt đó!

Những tấm biển cấm hút thuốc đã được treo ở nhiều nơi nhiều chỗ, nhưng hiệu quả thì chưa cao, thậm chí chưa có, vì dù đã có biện pháp chế tài, xử phạt nhưng lại không thấy thực thi.

Khoa học đã chỉ đích danh thuốc lá là tác nhân của rất nhiều loại bệnh tật. Vậy thì không còn gì để nhân nhượng, để du di.

Và để đi đến một môi trường không thuốc lá, thiết nghĩ Nhà nước phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc phát động, tuyên truyền; cũng như mỗi người hãy tự nâng cao ý thức, tự bảo vệ lấy mình.

Một tín hiệu đáng mừng là nhiều hộ mua bán tư nhân đã treo bảng cấm hút thuốc tại cửa hiệu của mình. Có thể khách hàng có người không hài lòng, nhưng theo tôi đây là điều cần thiết với thực tế cuộc sống hiện nay.

Rất nhiều nước trên thế giới đã làm được thì tại sao chúng ta lại không? Đất nước chúng ta tuy còn nghèo tiền nghèo bạc chứ đâu nghèo hiểu biết, đâu còn lạc hậu, sơ khai. Phát triển bền vững thì đâu chỉ là kinh tế, là chỉ số tăng trưởng… mà còn là trình độ dân trí, là lối sống văn minh, tiến bộ.

Mà một xã hội văn minh, tiến bộ; một đất nước cường thịnh thì không thể chấp nhận khói thuốc tràn lan.

Thanh Vân (trieukietlong@...)

+ Nên áp dụng thêm việc tăng giá thuốc lá lên thật cao thông qua việc tăng thuế nhập khẩu và thuế sản xuất. Như vậy sẽ hạn chế được số người sử dụng.

Yến Nhi (ynnhiynnhi@...)

Độ tuổi hút thuốc lá tại VN ngày càng trẻ

Những nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ hút thuốc lá của thanh thiếu niên VN đang gia tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc lá ngày càng trẻ. Có đến 17,6% nam và 5,6% nữ học sinh dưới 10 tuổi từng thử qua thuốc lá. Tỉ lệ nam hút thuốc lá trước 13-15 tuổi là 6,5%.

Đặc biệt, có 10,3% nam và 4% nữ độ tuổi 13-15 trả lời có ý định sẽ thử hút thuốc.

+ Cộng đồng chống thuốc lá, trong đó tiên phong là ngành giáo dục địa phương, chính quyền địa phương. Tại nơi công cộng nên dùng bảng tuyên truyền. Hạn chế nhập khẩu thuốc lá. Giảm diện tích trồng và quy mô cơ sở sản xuất thuốc lá. Các công ty xí nghiệp cũng nên cấm hút thuốc lá. Nên có quy định xử phạt quảng cáo thuốc lá và lôi kéo người khác hút thuốc lá...

Trần Trọng Duy (asgsmvn@...)

+ Tôi đọc cuốn Đi dọc Hà Nội của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến, thấy một thông tin thú vị, xin chép lại để chia sẻ cùng mọi người. Đó là trước đây vua Minh Mạng nhận thấy tác hại của thuốc phiện nên đã ra lệnh cấm. Tuy nhiên, khi thực dân Pháp đô hộ lại cho phép chuyện này. Vua Tự Đức nhận thấy cấm là điều khó khả thi nên đã cho phép sử dụng thuốc phiện, nhưng bù lại đánh thuế thật cao. Thiết nghĩ, chuyện thuốc lá cũng vậy, việc cấm thuốc có hiệu quả nhất chính là đánh thuế thật cao. Một khi tiền mua thuốc lá quá đắt đỏ, nhiều người sẽ quyết tâm từ bỏ.

Bên cạnh đó, có dịp đi Nhật Bản, tôi cũng thấy có một ví dụ đang tham khảo, học hỏi. Đó là chính quyền Nhật Bản quy hoạch những khu vực cho phép hút thuốc. Ai nghiện thuốc cứ đến khu vực này hút. Như vậy, chuyện hút thuốc thụ động sẽ được giải quyết. Cấm hút thuốc bằng cách bố trí rõ ràng vị trí hút thuốc sẽ là cách hạn chế khói thuốc tràn lan hữu hiệu nhất.

Tứ Tả

+ Việc ngăn chặn khói thuốc nên bắt đầu từ gia đình. Vợ nên yêu cầu chồng bỏ thuốc. Nếu chồng chưa bỏ được thì nên yêu cầu chồng không hút trước mặt con cái, ở chỗ đông người. Cha cũng nên bỏ thuốc để làm gương cho con cái. Có một thực tế dễ nhận thấy là trong gia đình nếu người cha không hút thuốc thì con cái cũng sẽ không hút thuốc.

Quang Huy

Làm sao để ngăn chặn tình trạng khói thuốc lá tràn lan? Mỗi cá nhân nên làm gì để góp phần đưa Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực? Kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá? Kinh nghiệm của bạn trong việc bỏ thuốc lá, giúp người thân bỏ thuốc?

Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ email [email protected], hoặc bằng phần Phản hồi ngay bên dưới bài. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, Unicode, không CAPSLOCK.

TTO

BaoChau
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên