Xã hội không tiền mặt

LOAN PHƯƠNG 25/04/2016 19:04 GMT+7

TTCT - Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã lên kế hoạch cho một xã hội không còn tiền mặt tới năm 2020. Thụy Điển, Mỹ, Đức, Pháp… cũng đang vận động mạnh mẽ để tiến tới một nền kinh tế không còn tiền mặt. Một đất nước không có bóng dáng tiền mặt sẽ ra sao?

Xã hội tiến bộ hơn khi không dùng tiền mặt
Xã hội tiến bộ hơn khi không dùng tiền mặt

Tiền bạc rồi sẽ trở thành thông tin, theo một bài bình luận trên The Atlantic ngày 13-4. Ở Mỹ, xã hội không tiền mặt đã là viễn cảnh được vẽ ra từ khá lâu, nhưng tranh luận thật sự bùng phát vào năm 2014 khi Cass Sunstein, cựu chánh văn phòng các vấn đề thông tin và luật pháp của chính quyền Obama, viết một bài xã luận ủng hộ xã hội không tiền mặt. 

Thông tin sẽ thay thế tiền mặt

Trong đó, ông dẫn ra mối quan hệ giữa việc triển khai hệ thống chuyển tiền phúc lợi điện tử (EBT) của Mỹ và tỉ lệ tội phạm giảm. Theo hệ thống EBT mới, người nhận trợ cấp sử dụng thẻ ghi nợ thay vì tiền mặt, đồng nghĩa với việc những khu nghèo khó sẽ ít thấy tiền mặt hơn và như thế ít tội phạm hơn.

Tuy vậy một năm sau bài xã luận của Sunstein, trong một sự kiện có vẻ không liên quan, một sinh viên ở Đại học Columbia bị bắt và bị truy tố với năm tội danh liên quan tới ma túy, bao gồm sở hữu và có ý định bán ma túy.

Sinh viên này bị cáo buộc đã bán ma túy qua ứng dụng di động Venmo của Hãng Paypal. Ứng dụng này, được kết nối với tài khoản ngân hàng và/hoặc tài khoản thẻ tín dụng của người dùng, cho phép bạn bè của nam sinh viên này chuyển tiền cho cậu để mua “hàng” mà không cần phải gặp nhau, không cần trao đổi tiền mặt và nhờ thế tránh được sự theo dõi của cảnh sát.

Tức là một xã hội không tiền mặt, ngoài những lợi ích như Sunstein tiên đoán, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong một xã hội không tiền mặt, tiền được chuyển thành những con số, tin nhắn, tín hiệu điện tử. Nói ngắn gọn: thông tin sẽ thay thế tiền mặt.

Từ năm 1862, ở Mỹ mọi người dùng tiền xu và các loại giấy tờ có giá do ngân hàng tư nhân phát hành để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Ngày nay, tiền mặt lại đang trên đường biến mất, chỉ còn chiếm 40% giá trị các giao dịch ở Mỹ năm 2012 và đang tiếp tục giảm.

Có rất nhiều lợi ích trong việc loại bỏ tiền mặt khỏi nền kinh tế, như loại bỏ thị trường chợ đen và khiến chính sách tiền tệ được thực thi dễ dàng hơn, nhưng do tiền bạc trở thành thông tin cũng xuất hiện những lo ngại rằng mọi giao dịch giờ đây bị ghi lại, giám sát và có thể bị nhà chức trách thao túng.

Nhưng dẫu có thế nào, với việc mua sắm trên mạng ngày càng trở nên phổ biến và các thẻ tín dụng được phát hành ngày càng nhiều, tiền mặt đang trở nên lỗi thời trên khắp thế giới.

Các chính phủ và cơ quan thuế vụ hẳn là những người yêu các giao dịch điện tử nhất. Không có tiền mặt sẽ rất khó giấu tiền của bạn khỏi cơ quan thuế. Các cơ quan giám sát bí mật của chính quyền, như Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), sẽ rất thích thú với những dấu vết mà giao dịch điện tử để lại.

Và không chỉ ở Mỹ, năm 2015 Pháp và Tây Ban Nha đã thông qua các đạo luật hạn chế sử dụng tiền mặt. Ở Pháp hiện giờ là bất hợp pháp khi sử dụng tiền mặt mua bất cứ thứ gì giá trị trên 1.000 euro (khoảng 1.080 USD). Ở Đức, kinh tế gia Peter Bofinger ủng hộ việc cấm hoàn toàn tiền mặt và gọi nó là chủ nghĩa vô chính phủ.

“Không còn tiền mặt, những thị trường như lao động bất hợp pháp và ma túy sẽ bị tận diệt - Bofinger viết trên báo Đức Der Spiegel - và các ngân hàng trung ương sẽ dễ dàng thực thi chính sách tiền tệ hơn”.

khi nhà thờ cũng sẵn sàng

Nếu một xã hội không có tiền mặt, bọn tội phạm không chỉ ít động cơ hơn mà còn không thể bán những gì chúng trộm hay cướp được

Ulvaeus

Và ít có nơi nào đang tăng tốc hướng tới một xã hội không tiền mặt nhanh như Thụy Điển, quốc gia đã trở nên cực kỳ cấp tiến trong vấn đề này sau khi cảm nhận được sự thuận lợi của việc chi trả bằng ứng dụng di động và thẻ.

Là một nước công nghệ cao (nơi ra đời dịch vụ âm nhạc trực tuyến ăn khách Spotify và hãng đã làm ra trò chơi điện tử Candy Crush) nhưng dân số ít (gần 10 triệu người), từ bỏ tiền mặt là một vấn đề rất thực tế với Thụy Điển khi nhiều ngân hàng của nước này không còn chấp nhận tiền mặt nữa.

“Tiền mặt đang chết dần, chúng tôi không muốn bị bỏ lại so với thời đại” - Bjorn Ulvaeus, cựu thành viên ban nhạc lừng danh Abba, giờ là một doanh nhân lớn, nói với báo The New York Times.

Cũng như ở nhiều quốc gia không tiền mặt khác, việc áp dụng tiền điện tử rộng rãi gây ra lo ngại trong dân chúng về quyền riêng tư và tội phạm qua Internet. Năm ngoái chẳng hạn, số vụ lừa đảo trên Internet ở Thụy Điển đã tăng gấp đôi so với mười năm trước, lên khoảng 140.000, theo số liệu từ Bộ Tư pháp nước này.

Những người lớn tuổi và dân nhập cư đã quen với tiền mặt có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi, còn những ai dùng ứng dụng để trả cho mọi thứ và vay mượn bằng điện thoại di động đứng trước rủi ro nợ nần. “Nó có thể đang rất thịnh hành - Bjorn Eriksson, cựu giám đốc Cơ quan cảnh sát Thụy Điển và cựu chủ tịch Interpol, nói - Nhưng có đủ loại rủi ro khi xã hội không còn tiền mặt”.

Bất chấp điều đó, những người ủng hộ như Ulvaeus nói sự an toàn cho mọi người là lý do quan trọng mà các nước nên thôi dùng tiền mặt. Ulvaeus chuyển hẳn sang chỉ dùng thẻ và thanh toán điện tử sau khi căn hộ của con trai ông ở Stockholm bị đột nhập hai lần vài năm trước.

Tiền mặt giờ chỉ chiếm khoảng 2% nền kinh tế Thụy Điển, so với 7,7% ở Mỹ và 10% ở khối sử dụng đồng euro. Năm 2015, chỉ khoảng 20% tổng các giao dịch tiêu dùng ở Thụy Điển bằng tiền mặt so với mức trung bình 75% trên toàn thế giới, theo Tổ chức Euromonitor International.

Các loại thẻ vẫn đang áp đảo ở đây, với gần 2,4 tỉ giao dịch thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trong năm 2013 (15 năm trước là 213 triệu), nhưng ngay cả các loại thẻ nhựa giờ cũng đang đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt từ các ứng dụng di động cho những việc mua sắm hằng ngày.

Hơn một nửa chi nhánh của những ngân hàng lớn nhất Thụy Điển, SEB, Swedbank, Nordea Bank và những ngân hàng khác, tiền mặt không còn được chấp nhận. Năm ngoái, các ngân hàng Thụy Điển còn lưu trữ khoảng 3,6 tỉ krona tiền giấy và tiền xu, so với 8,7 tỉ vào năm 2010.

Máy rút tiền mặt bị “cho về vườn” hàng trăm cái một lúc, nhất là ở những vùng nông thôn. Leif Trogen, một quan chức Hiệp hội Ngân hàng Thụy Điển, thừa nhận các ngân hàng kiếm được khá hơn nhiều qua các khoản phí từ cuộc cách mạng không tiền mặt, nhưng ông khẳng định lợi ích chung cho cả xã hội còn lớn hơn.

Ở Thụy Điển tiền mặt vẫn chưa chết, nhưng không còn là một thói quen thường trực của nhiều người nữa. Ở Đại học Gothenburg chẳng hạn, sinh viên nói họ chỉ dùng thẻ và thanh toán điện tử. “Không ai có tiền mặt cả - Hannah Ek, sinh viên 23 tuổi, nói - Tôi nghĩ tới thế hệ tôi khi lớn tuổi sẽ không còn tiền mặt nữa”.

Ek cũng thừa nhận có rủi ro của việc vung tay quá trán: “Tôi quả có tiêu tiền nhiều hơn. Nếu tôi có tờ tiền lớn như 500 krona (khoảng 58 USD), tôi sẽ phải nghĩ kỹ trước khi phá nó ra”. Nhưng không chỉ có giới trẻ. Sự thay đổi đang lan vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế Thụy Điển.

Ông Stefan Wikberg - 65 tuổi, kỹ thuật viên công nghệ thông tin - chưa có nhà ở trong bốn năm qua sau khi mất việc. Giờ ông có một chỗ để “chui ra chui vào” và bán tạp chí cho Situation Stockholm, một tổ chức từ thiện. Ông cũng sử dụng một thẻ thanh toán trực tuyến để bán hàng sau khi thấy rằng không ai mang tiền mặt theo người.

Dù chỉ bán báo dạo, ông để một tấm biển ghi chấp nhận các loại thẻ Visa, MasterCard, American Express và hơn thế nữa. “Khi họ nói không có tiền lẻ, tôi nói họ có thể trả bằng thẻ hoặc tin nhắn cũng được” - ông Wikberg nói. Doanh số của ông tăng 30% kể từ khi áp dụng thanh toán điện tử hai năm trước.

Hay ở nhà thờ Filadelfia Stockholm, do quá ít trong khoảng 1.000 giáo dân đi lễ mang theo tiền mặt để quyên cho nhà thờ như truyền thống, linh mục Soren Eskilsson đã phải thích nghi. Trong một thánh lễ chủ nhật mới đây, tài khoản ngân hàng của nhà thờ được chiếu trên một màn hình lớn.

Con chiên rút điện thoại ra và quyên tiền thông qua ứng dụng có tên Swish, vốn là của những ngân hàng lớn nhất Thụy Điển. Các nhà thờ ở Thụy Điển còn có cả một hệ thống máy “Kollektomat” mà qua đó giáo dân có thể góp tiền cho nhiều hoạt động khác nhau của giáo hội.

Năm ngoái, trong khoảng 20 triệu krona mà nhà thờ Filadelfia thu được, 85% là thanh toán điện tử. “Mọi người quyên nhiều tiền hơn vì việc thanh toán điện tử đơn giản và dễ dàng” - linh mục Eskilsson nói và nhà thờ cũng tiết kiệm được một khoản phí an ninh đáng kể trong việc bảo quản những hòm tiền mặt.

Sự lo ngại vẫn còn lớn nhưng với những người như Ulvaeus, khuynh hướng đã là không thể chống lại. “Mọi thứ đều ủng hộ một xã hội không tiền mặt - cựu ca sĩ Abba nói - Đó từng là một xã hội không tưởng, nhưng chúng tôi đã ở rất gần nó”.■

Giống với gần như mọi đột phá công nghệ khác, người giàu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi xã hội chuyển dần sang không dùng tiền mặt. Họ có thể bảo đảm sự riêng tư tốt hơn và lợi ích họ được hưởng cũng nhiều hơn khi mà rất nhiều người nghèo thậm chí còn chưa có cả tài khoản ngân hàng, chứ đừng nói thẻ tín dụng hay ứng dụng thanh toán di động. Ở Mỹ chẳng hạn, khoảng 8% dân số vẫn chưa có tài khoản ngân hàng và tỉ lệ chắc chắn cao hơn nhiều ở những nước đang phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 2 tỉ người hiện vẫn chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng thông thường.

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận