Liệu đang tồn tại những bất cập và chênh lệch ra sao trong việc xã hội hóa nền giáo dục Việt Nam?
Xã hội hóa giáo dục phải đi từ hình thức đến nội dung
Phóng to |
Sinh viên Trường đại học dân lập Công nghệ Sài Gòn trong một tiết học |
Dường như xã hội hóa giáo dục hiện nay chỉ mới đáp ứng được về mặt hình thức, còn nội dung chính vẫn chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Đầu ra của giáo dục hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của xã hội, dẫn đến việc cung - cầu không gặp được nhau. Xem ra thì việc xã hội hóa hiện thời chỉ mới thay đổi một phần giáo dục của Nhà nước thôi, chứ thực chất nội dung đào tạo chẳng đổi khác là bao.
Xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam hiện có ba hình thức chủ yếu. Một là xã hội cùng nhau góp kinh phí cho giáo dục, kể cả ở trường công thì học sinh vẫn phải đóng tiền học dưới các hình thức khác nhau. Thứ hai, Nhà nước cho phép các cá nhân trong xã hội được đứng ra xây dựng trường tư thục hay dân lập. Thêm nữa là song song với việc mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài, chúng ta cũng chấp thuận để nhà đầu tư nước ngoài đến đây xây trường, liên kết mở trường quốc tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoại trừ các trường dạy cho học sinh nước ngoài thì các cơ sở giáo dục còn lại đều được Nhà nước quy định về nội dung giảng dạy. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cùng ban ngành có liên quan quy định tất cả, từ vấn đề tuyển sinh, tuyển giáo viên, chọn môn học, tiêu chuẩn cấp bằng và tốt nghiệp, luôn cả vấn đề quản lý tài chính.
Những trường dân lập và tư thục dường như chỉ được “xã hội hóa” một phần rất nhỏ, chứ bản chất bên trong về nội dung giảng dạy vẫn bị lệ thuộc. Cho nên, rất khó trách rằng tại sao đã xã hội hóa giáo dục mà đầu ra vẫn bất cập, bởi vì chúng ta chỉ mới xã hội hóa về mặt đóng góp tài chính (thu phí) và vật chất (cho xây trường dân lập…) chứ chưa xã hội hóa về nội dung giảng dạy. Nghĩa là nền giáo dục chưa đưa vào giáo án những yêu cầu cấp thiết của xã hội, những kiến thức cập nhật của một nền kinh tế hội nhập, khiến sinh viên bỡ ngỡ và không đáp ứng được nhu cầu của thị trường khi ra trường.
Dường như ở các trường đại học, không có những giờ học giúp học viên nắm bắt tình hình xã hội và giảng viên cũng không dám đưa thực tiễn đời sống đang diễn ra để học sinh tiếp cận và nắm bắt. Những gì mà thế hệ trẻ đang học đều đã xảy ra từ lâu, chứ không tiếp cận được những sự kiện mới nhất liên quan đến chuyên ngành của mình thì làm sao đầu ra có chất lượng?
Khi nói đến xã hội hóa giáo dục ở những bậc học cao như đại học hoặc trung học phổ thông, chúng ta dễ thấy tiêu chuẩn xét tốt nghiệp tú tài hay cử nhân đều do Bộ GD-ĐT và các cấp quản lý giáo dục quy định. Đầu ra này bị chi phối hoàn toàn, nhưng những sinh viên tốt nghiệp này khi bước ra ngoài xã hội lại không đáp ứng được nhu cầu của công việc thực tế.
Sản phẩm đào tạo của ngành giáo dục nước ta - nguồn cung - chưa đủ chất lượng để đáp ứng đúng nhu cầu mà xã hội đang cần và mong đợi. Thế nên dù công cuộc xã hội hóa giáo dục đã được tiến hành từ lâu nhưng cung và cầu vẫn chưa thể gặp nhau.
Vì sao lại có sự chênh lệch bất ổn này? Ắt hẳn không phải do trình độ và trí tuệ của con em chúng ta kém cỏi, bởi sinh viên Việt Nam luôn được đánh giá cao khi hòa nhập trong môi trường giáo dục quốc tế. Câu trả lời chỉ có thể là vì nội dung giáo dục nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Có bao giờ ngành GD-ĐT tự nhìn lại mình, xem nội dung giảng dạy hiện có theo kịp xu hướng thời đại và cập nhật đúng những yêu cầu thiết thực từ cuộc sống không? Học sinh, sinh viên có đang được học những kiến thức phù hợp, những điều đang diễn ra ở xã hội hằng ngày hay chỉ học lại các lý thuyết tồn tại khô khan trong sách vở, đã lỗi thời và lạc hậu so với sự phát triển năng động của đất nước?
Nên chăng cần sớm sửa đổi nội dung giảng dạy để phù hợp với cuộc sống hiện nay? Bài toán này đã được đề cập nhiều lần nhưng dường như không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi vậy, vấn đề cần làm ngay bây giờ là phải sửa đổi tận gốc nền giáo dục thì nhiều năm sau mới mong thấy được kết quả khả quan. Nếu không, bất cập giữa cung và cầu sẽ còn tiếp diễn, như chuyện của vài chục năm trước chúng ta từng cải cách giáo dục nhưng vì không tiến hành triệt để nên vẫn còn lấn cấn đến tận giờ.
Nội dung cốt lõi của xã hội hóa giáo dục
Để xã hội hóa giáo dục một cách toàn diện, cần xem lại hai vấn đề sau. Thứ nhất, nền kinh tế nước ta ngày nay đã hội nhập toàn cầu, đòi hỏi từ kiến thức của cá nhân đến sự vận hành của xã hội đều phải kết nối và cập nhật kịp thời với thế giới. Nền giáo dục phải mang những bài học từ thực tiễn cuộc sống vào giáo án giảng dạy để sinh viên khi ra trường không khỏi bỡ ngỡ bởi sự chênh lệch quá lớn giữa lý thuyết và thực hành.
Để làm được điều này, ngành GD-ĐT phải tự so sánh mình có khác gì so với các nước phát triển, từ bộ môn giảng dạy đến nội dung giáo án, thời gian học trình, phương pháp dạy và học… Có như vậy mới cải cách triệt để và đào tạo được đầu ra đáp ứng đúng nhu cầu xã hội. Đây mới chính là cốt lõi của nội dung xã hội hóa giáo dục. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể tự đặt cho mình một chuẩn riêng, tách biệt với sự công nhận và đồng nhất của thế giới.
Điều này dẫn đến hậu quả khôn lường, mà trước mắt là những học viên muốn tiếp cận với kiến thức thực tiễn của xã hội đã từ chối môi trường giáo dục thuần lý thuyết ở nước ta. Chúng ta đã và đang thấy nhiều gia đình gửi con em du học nước ngoài ngay từ bậc phổ thông dù gánh nặng chi phí là không nhỏ. Đây hoàn toàn là việc bất đắc dĩ nhưng vì tương lai của con em, họ buộc phải làm thế.
Sự quay lưng với nền giáo dục nước nhà cho thấy Việt Nam sẽ còn mất đi nhiều học sinh, sinh viên nếu không giải quyết kịp thời những bất cập trong công cuộc xã hội hóa giáo dục. Chi phí mỗi năm Nhà nước đầu tư cho giáo dục rất lớn mà không đem lại hiệu quả như vậy thì thật là một sự phí phạm rất lớn - phí phạm tài chính, phí phạm nhân lực và hơn thế nữa là phí phạm chất xám.
Muốn giải quyết được điều này, Nhà nước phải xã hội hóa giáo dục một cách triệt để hơn. Nội dung giáo dục nên chăng để cho các trường chủ động tự soạn chương trình giáo án và tự chịu trách nhiệm với chất lượng đào tạo của mình. Nhà trường có quyền và trách nhiệm tuyển sinh, tổ chức thi cử và cấp bằng, tuyển chọn đội ngũ giáo viên cũng như được tự chủ hoàn toàn về tài chính. Có như vậy mới đúng nghĩa của cụm từ “xã hội hóa giáo dục”.
Bên cạnh đó, mỗi trường có một chuyên ngành, đặc tính và văn hóa riêng nên chúng ta cần tôn trọng, chấp nhận sự khác nhau này bằng cách cho ban giám hiệu từng trường quy định phương pháp dạy và học của riêng họ. Nhà nước và Bộ GD-ĐT chỉ cần quan tâm đến chất lượng đầu ra, bằng những đánh giá phân loại trường để xã hội và phụ huynh và học sinh, sinh viên có căn cứ khách quan để chọn lựa đâu là nơi đào tạo phù hợp nhất cho mình. Còn lại tất cả vấn đề nội bộ hãy để cho các trường tự quyết.
Nhà nước cần hỗ trợ về tài chính cho các trường ở các cấp khác nhau, không kể trường công lập hay tư thục vì ngân sách giáo dục quốc gia đều do người dân đóng góp nên không có gì sai nếu đầu tư cho cả trường công lẫn trường tư. Một vấn đề nữa là đừng để thiếu đất xây trường.
Đất đai xây dựng trường học không nên xem là đất thương mại, mà là đất công của Nhà nước chu cấp cho ngành giáo dục. Việc này không chỉ thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT mà ở tầm chính sách quốc gia, Nhà nước phải có những tỷ lệ quy hoạch đất đai dành riêng cho giáo dục. Biết bao trường học mở ra nhưng không có diện tích đất để xây trường, đành cho sinh viên học tạm bợ ở những cơ sở chật hẹp khác nhau.
Trong khi nếu những cơ quan có thẩm quyền biết cách kêu gọi, khuyến khích người dân đóng góp đất tư nhân để xây trường thì mọi việc sẽ khác. Nếu người dân đóng góp đất đai cho Nhà nước thuê thì phải miễn thuế cũng như đảm bảo quyền lợi cho họ, từ đó mới mong có thêm nhiều đất đai để xã hội hóa giáo dục.
Không chỉ riêng cho giáo dục, mà cả những ngành khác như y tế, văn hóa, thể thao…, Nhà nước cũng nên tạo điều kiện và giúp đỡ người dân đã mang đất cho thuê làm trường học, bệnh viện, công viên, sân vận động…
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận vai trò của Nhà nước và Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng các loại trường mà xã hội chưa làm được, như những trường dạy các ngành học văn hóa và truyền thống, những trường cho các học sinh khó khăn không thể theo học các trường tư thục, trường phổ cập…
Nhà nước cũng nên quan tâm nhiều đến chính sách cho các trường học, có chế độ phúc lợi dành cho những người làm giáo dục, nhất là các thầy cô giáo (bảo hiểm, phúc lợi xã hội, lương bổng…), không phân biệt giáo viên trường công lập hay dân lập. Có chính sách như vậy thì xã hội hóa giáo dục mới đào tạo được đầu ra phù hợp với yêu cầu xã hội và cung - cầu mới hy vọng sớm gặp được nhau.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Thanh tra đồng loạt nhiều trường ĐH, CĐ “Ba công khai” trước giờ G TP.HCM: niêm yết “3 công khai” vào tháng 6 hằng năm Sẽ kỷ luật hiệu trưởng Trường ĐH Phan Thiết Đại Học Phan Thiết: phải báo cáo hình thức kỷ luật trước ngày 15-11Hậu quả của sự bao cheLửng lơ số phận sinh viên “thừa”Đại học Phan Thiết tuyển “chui” cả trung cấpVì sao "đại học ba không"?Đề án “giả”, đại học thậtĐH Phan Thiết tuyển gấp ba lần chỉ tiêu cao đẳngLạ, thành lập đại học dễ thế sao?Vụ đề án “giả”, đại học thật: Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận