Du khách nước ngoài mắc kẹt tại Hội An lưu lại hình ảnh đáng nhớ tại resort họ đã tá túc trong thời điểm cách ly tháng 3-2020 - Ảnh: B.D
Phó tổng giám đốc người Việt một công ty liên doanh có thương hiệu đẳng cấp toàn cầu đã rất lo lắng khi nhận được tin nhắn, hình ảnh của chuyên gia cao cấp nước ngoài gửi cho ông từ một nơi cách ly tập trung, lúc Chính phủ cho phép các doanh nghiệp trong nước đón chuyên gia trở lại làm việc, như một lời cầu cứu.
Hai tiếng sau, vị chuyên gia cấp cao này đã được chuyển sang nơi khác có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, phù hợp với mục tiêu: ông vừa được cách ly trong môi trường an toàn vừa đảm bảo công việc vẫn chạy ro ro với tâm lý ổn định, thoải mái nhất.
Không chỉ vị chuyên gia cảm thấy hài lòng khi được chuyển sang nơi cách ly phù hợp, mà cả vị phó tổng giám đốc người Việt cũng thở phào nhẹ nhõm khi công ty được lựa chọn địa điểm cách ly tương xứng với vị trí của đối tác để thanh toán chi phí.
Hồi tháng 4-2020, lúc tâm dịch COVID-19 đang căng thẳng, dù ủng hộ chủ trương xã hội hóa cách ly nhưng Chính phủ khi ấy vẫn không thu phí với hàng trăm ngàn người dân được áp dụng cách ly tại các điểm tập trung.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi Đà Nẵng bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn mới với nguy cơ giãn cách xã hội có thể kéo dài hơn dự kiến, các chuyến bay đưa hàng ngàn chuyên gia, người Việt ở nước ngoài tiếp tục trở về, thâm hụt ngân sách rất rõ ở nhiều địa phương thì việc đặt vấn đề thúc đẩy xã hội hóa cách ly là phù hợp.
Trên trang cá nhân, giảng viên Huỳnh Thế Du (Trường đại học Fulbright VN) từng cho rằng xã hội hóa cách ly là phương án hợp lý.
Nó vừa có thể tạo điều kiện cho những người có điều kiện kinh tế phải cách ly có cuộc sống đúng như kỳ vọng của mỗi người vừa có thể giảm áp lực ngân sách, nhưng lại có thêm nguồn lực cho việc chống dịch, kích thích các hoạt động kinh tế trong thời buổi khó khăn hiện nay nếu nhìn ở khía cạnh: cần giảm tải cho Nhà nước khi việc cách ly tập trung hiện tại đang thiếu thốn nguồn lực và có nguy cơ quá tải.
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy đang có khoảng 120 khách sạn có thể dùng để cách ly có trả phí theo yêu cầu của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.
Riêng tại TP.HCM, sau khu cách ly có thu phí tại huyện Cần Giờ từ 10 cơ sở lưu trú du lịch, khu nghỉ dưỡng (năng lực đáp ứng cho 400 phòng và 500 giường, mức thu khoảng 10 triệu đồng/14 ngày/người), mới nhất, Sở Du lịch TP.HCM tiếp tục đề xuất dùng 1.618 phòng của các khách sạn 3-5 sao làm điểm cách ly có trả phí cho các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh dưới sự giám sát chặt chẽ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố về phòng chống dịch COVID-19.
Tới đây, việc mở rộng thêm cơ sở lưu trú du lịch, resort đạt tiêu chuẩn cách ly theo yêu cầu nghiêm ngặt của cơ quan y tế là điều cần tính toán tiếp. Có như vậy, áp lực cho các điểm cách ly tập trung mới giãn bớt khi mà cuộc chiến ngăn dịch, dập dịch vẫn còn quá nhiều vất vả, gian nan.
Thực tế cũng cho thấy không ít nhu cầu đời sống khi được xã hội hóa phù hợp thường có chất lượng tốt lên, không những giảm khả năng phát sinh tiêu cực, cải thiện chất lượng dịch vụ hạ tầng, mà còn san sẻ cho các hạng mục phúc lợi xã hội khác vẫn đang thiếu thốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận