Du khách dễ dàng bắt gặp những gánh hàng bánh cuốn thịt nướng ở các con phố tại Hội An - Ảnh tư liệu |
1. Ước muốn một xã hội phồn thịnh, hiện đại nhưng thân thiện, nhân văn
Tôi tin rằng trong đầu tư phát triển, cưỡng chế thu hồi đất là tình huống bất khả kháng đối với tất cả các bên liên quan gồm chính quyền, người dân và chủ đầu tư.
Không ai muốn song cưỡng chế thu hồi đất vẫn cứ xảy ra, đặc biệt ở các dự án kinh tế mà chủ đầu tư không phải nhà nước dễ là hình ảnh gây suy giảm niềm tin nơi người dân vào công quyền và cái nhìn thiếu thiện cảm về nhà đầu tư, khiến những ai trăn trở với công cuộc phát triển xã hội phải suy ngẫm.
Trong bối cảnh như vậy, khắp các địa phương là những khu quy hoạch “xí phần”, đầu tư cầm chừng và các nhà máy gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.
Theo tinh thần Luật đất đai, người dân sau thu hồi đất phải có cuộc sống khá hơn trước. Thế nhưng tình trạng chung của người dân hậu đền bù giải tỏa ở nhiều nơi hoặc phải sống trong những ngôi nhà tái định cư không phù hợp tâm thế của người mất đất vốn phần lớn là nông dân và việc làm không ổn định, hoặc nhận tiền đền bù rồi tự xây nhà (thường được chính quyền “thả lỏng” thủ tục cấp phép) và thụ hưởng vật chất một cách vội vã, tạo nên sự biến tướng, thậm chí là hỗn độn xã hội ở góc độ nào đó.
Người nghèo là một thành phần không thể tách rời của mọi đô thị. Cạnh đó, bộ phận dân cư dịch chuyển vào các đô thị theo dòng chảy việc làm là luôn có thật. Ngoại trừ một bộ phận tìm được công việc phù hợp trình độ và tay nghề, còn lại là lao động tự do.
Chỗ ở của họ thường là các khu nhà trọ tạm bợ, dễ tạo nên nguy cơ tiềm ẩn về vệ sinh môi trường, cháy nổ, thậm chí tệ nạn xã hội. Một chỗ làm hoặc buôn bán ổn định và một nơi ở đúng nghĩa với họ vẫn là xa xỉ.
Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đau đáu: “Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề của sự phát triển, phải có chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo”.
Vậy nên tôi mơ ước trong 20 năm nữa, trong công cuộc phát triển của xã hội sẽ không còn hình ảnh những cuộc cưỡng chế; người dân bị thu hồi đất trước tiên phải là đối tượng được thụ hưởng lợi ích từ dự án.
Đô thị VN không chỉ sạch đẹp, văn minh với những tòa nhà hiện đại, vỉa hè thẳng tươm mà còn thân thiện, nhân văn; ở đó người nghèo và dân nhập cư có thể sống bằng chính sức lao động chân chính của họ với chỗ ở đàng hoàng.
2. Giải pháp đề xuất
2a. Theo quy định, ngoại trừ dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích công cộng nhà nước đứng ra đền bù thu hồi đất, các dự án phát triển kinh tế thì chủ đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhượng đất với dân (trường hợp dự án trên 80% diện tích bồi hoàn mà không tiếp tục thỏa thuận được thì Nhà nước can thiệp).
Cưỡng chế trong trường hợp này tuy không sai song có vẻ quyền tự do định đoạt tài sản của người dân không được tôn trọng, dễ khiến họ có cảm giác chính quyền đứng về phía “người giàu”, đẩy họ ra khỏi công cuộc phát triển của địa phương.
Để không xảy ra cưỡng chế, lợi ích các bên phải dung hòa. Trong trường hợp này, chính quyền chỉ nên là “trọng tài”, chủ đầu tư đứng ra giao dịch với dân theo nguyên tắc thuận mua vừa bán của thị trường. Người dân hoàn toàn có quyền tự định đoạt tài sản hợp pháp của họ.
Ngay cả khi “được phép” (trên 80% diện tích bồi hoàn mà không tiếp tục thỏa thuận được), cưỡng chế cũng không nên xảy ra.
Muốn vậy, chủ đầu tư nên lập dự án diện tích lớn hơn nhu cầu ở mức độ nhất định; diện tích “thừa” này dùng làm khu cây xanh cách ly, các tiểu công viên trong dự án hoặc dự phòng phát triển. Nếu không thỏa thuận được tiếp thì diện tích này bỏ ra song vẫn đủ cho dự án mà không cần công lực cưỡng chế.
Nên nghiên cứu để người dân tham gia bằng hình thức góp vốn đầu tư với thời hạn nhất định. Khi được tham gia với vai trò làm chủ, người dân sẽ không “đối kháng”, ngược lại sẽ ủng hộ chủ đầu tư.
Ngoài ra, cần điều tra, khảo sát nghiêm túc cuộc sống người dân sau đền bù giải tỏa nhằm thực hiện triệt để tinh thần Luật đất đai.
Cần có chính sách đào tạo nghề theo nhu cầu cho các hộ mất đất. Tránh để người dân chỉ nhận một cọc tiền rồi thôi; khi ấy với nhận thức không cao, việc làm không ổn định, họ dễ sử dụng tiền đền bù cho mục đích hưởng thụ nhất thời; tái nghèo hoặc tạo nên những biến tướng xã hội là khó tránh khỏi.
2b. Các dự án thiếu thực thi các cam kết về vệ sinh môi trường cần bị xử lý triệt để bằng cách phạt nặng chủ đầu tư, thậm chí rút giấy phép vĩnh viễn nếu tái phạm nhiều lần.
Các dự án “xí phần” hoặc có dấu hiệu “bán” dự án cần thu hồi; tùy quy mô, tính chất dự án có thể được gia hạn, chờ nhà đầu tư mới hay biến thành các tiểu công viên.
Mảng xanh đô thị vì vậy ngày càng nở rộng, mật độ cây xanh không chỉ đạt mà ngày càng vượt chỉ tiêu quy hoạch; đô thị vì vậy càng trở nên lý tưởng hơn về khí hậu.
Để tránh những dự án quy hoạch méo mó theo ý chủ đầu tư, cần một cơ chế phản biện độc lập, sự tranh luận rạch ròi từ các chuyên gia, sự tham vấn cộng đồng kịp thời và thực chất.
2c. Bám vỉa hè kiếm sống là cách đơn giản nhất người nghèo đô thị và thành phần nhập cư lao động tự do có thể lựa chọn. Tương tự, dùng công lực để “đẩy đuổi” hàng rong, “xóa trắng” vỉa hè là cách đơn giản nhất chính quyền có thể làm, song đó không là cách giải rốt ráo bài toán việc làm cho các đối tượng trên.
Bên cạnh giải pháp dài hơi, căn cơ về chính sách việc làm là việc cần thiết phát triển những đô thị vệ tinh nhằm hạn chế tình trạng di cư ồ ạt tạo áp lực cho các đô thị lớn.
Giải pháp trước mắt là nên quy hoạch lại hàng rong. Thực tế nhiều địa phương cho phép sử dụng một phần vỉa hè cho việc buôn bán, song đối tượng thụ hưởng là ai nếu không là những hộ có nhà mặt tiền, tức “nhà giàu”?
Người nghèo sống trong các con hẻm và dân nhập cư sẽ buôn bán ở đâu? Chính quyền cần quy hoạch cho họ chỗ buôn bán tập trung theo những tuyến phố nhất định; đối với hàng rong di động cần quy định họ được phép dừng ở đâu, thời điểm nào để tránh ảnh hưởng mỹ quan đô thị và cản trở giao thông.
Hàng rong nếu nhìn bằng con mắt khắt khe sẽ thấy như “chướng ngại” đối với mỹ quan đô thị, song nếu xét bằng nhãn quan nhân văn thì hàng rong (đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm) là cách đơn giản người nghèo tự kiếm sống mà không cần sự trợ giúp từ Nhà nước, đồng thời là nét sinh hoạt thú vị, tiện lợi phù hợp tính linh hoạt của người Việt.
Theo các hãng lữ hành, hàng rong chân chính là một trong những ấn tượng của du khách khi đến VN.
Cuối cùng, Nhà nước cần tăng cường các gói kích cầu bất động sản, tạo cơ chế thông thoáng tối đa để người nghèo, người có thu nhập thấp chạm tới giấc mơ về nhà ở ổn định.
Những tranh luận về diện tích căn hộ cho đối tượng này nên là 20m2, 30m2 hay bao nhiêu cho vừa để tránh phát sinh những khu “ổ chuột” trên cao như vừa qua là không cần thiết.
Hãy để các kiến trúc sư, các nhà thiết kế giải bài toán này bởi họ đủ thông minh sáng tạo ra những căn hộ diện tích khiêm tốn nhưng tiện nghi và xinh đẹp.
Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới. Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi). Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ). Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi. Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất. Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online. Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút. Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi). Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo). Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có: - 1 giải nhất: 25.000.000 đồng - 1 giải nhì: 15.000.000 đồng - 1 giải ba: 10.000.000 đồng - 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015. Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận