
Giá đồ ăn tại làng đại học đắt ngang ngửa giá cơm dành cho dân văn phòng - Ảnh: KHÁNH QUỲNH
Tại khu vực làng đại học Thủ Đức (TP.HCM), khoảng 4 năm về trước giá cơm sinh viên chỉ dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/phần, nay tăng lên trung bình 30.000 đồng/phần.
Nhiều sinh viên “chạnh lòng” vì chỉ riêng tiền ăn đã tiêu tốn gần hai phần ba sinh hoạt phí gia đình gửi lên hằng tháng.
Hiếm hoi cơm sinh viên “ngon - rẻ - ship tận nơi”
Làng đại học Thủ Đức từ lâu đã trở thành địa điểm nổi tiếng vì các bữa ăn giá rẻ dành cho sinh viên trong khu vực. Nhưng những phần cơm sinh viên với giá bình dân 20.000 đồng gần như không còn xuất hiện trong thời gian gần đây.
Tại nhiều quán ăn dọc ký túc xá khu B - Đại học Quốc gia TP.HCM, giá phần ăn dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/suất. Phần cơm sườn với giá 25.000 đồng, thêm trứng hoặc chả là 28.000 đồng.
Theo chia sẻ của Khánh Linh, sinh viên năm cuối Trường đại học Kinh tế - Luật, 28.000 đồng là mức bình dân trong khu vực.
“Quán cơm tấm như vậy thuộc dạng rẻ nhất, được nhiều sinh viên ăn. Những quán cơm phần, cơm món vừa có canh và món mặn giá lên tới 40.000 đồng, thậm chí 45.000 đồng nếu ăn cơm thêm”, Khánh Linh nói.
Khánh Linh đang thực tập cho một công ty tại khu đô thị Sala (TP Thủ Đức). Linh ngạc nhiên khi giá cơm văn phòng ở đây chỉ bằng ở làng đại học Thủ Đức.

Cơm văn phòng tại khu đô thị Sala có giá 40.000 đồng - Ảnh: NVCC
Bữa cơm trưa với món mặn và canh, Linh nói giá niêm yết là 40.000 đồng, kèm theo trà đá, trái cây tráng miệng miễn phí.
“Đương nhiên có nhân viên phục vụ, phòng ăn máy lạnh. Cách bài trí của quán cũng rất chỉn chu, với 40.000 đồng cho phần cơm ở đây xứng đáng hơn ăn buổi chiều ở quán cơm sinh viên”, Linh so sánh.
Các hội, nhóm bán đồ ăn sinh viên nổi tiếng với tiêu chí “ngon - rẻ - ship tận nơi” khu vực làng đại học Thủ Đức cũng bắt đầu tăng giá.
Quán cơm gà Khánh Linh hay đặt giao, hai tháng nay tăng từ 28.000 đồng/phần lên 30.000 đồng. Đó là chưa tính cơm thêm 2.000 đồng, canh thêm mất 3.000 đồng.

Nhiều chủ quán ăn lên giá bán vì nguyên vật liệu tăng giá. Đồ ăn thêm như cơm, xốt đã không còn miễn phí - Ảnh chụp màn hình
Trong bài viết của người bán giải thích lý do: “Do giá gà ngày càng tăng nên anh điều chỉnh giá cơm ức gà nhé!”.
“Nếu muốn thêm các món chính như đùi gà, ức gà... cũng phải trả tiền gần bằng suất ăn hoàn chỉnh”, Linh phàn nàn.
Nhớ thời đĩa cơm giá 18.000 đồng
Anh Văn Trường (26 tuổi, ngụ Gò Vấp) kể về kỷ niệm khó quên khi dẫn cậu em họ từ quê vào thành phố học đi ăn cơm tấm tại quán quen ở làng đại học.
Vốn có nhiều kinh nghiệm ăn uống tại làng đại học, anh Trường tự tin giới thiệu quán cơm tấm “vừa rẻ vừa ngon” anh đã gắn bó cả 4 năm đại học cho cậu em họ thân thiết.
“Lúc mình ăn cách đây 4, 5 năm gì đó đĩa cơm chỉ có giá 18.000 đồng. Nghĩ chắc ở làng đại học không lên giá nhiều nên tự tin rủ cậu em đi ăn cùng. Đến nơi nhìn menu toàn 30.000 - 40.000 đồng, cả hai đứa nín thinh. Đã vậy còn chạy hơn 6-7 cây số”, anh Trường choáng so với giá cơm 4 năm trước từng ăn.

Suất cơm giá 30.000 đồng nhưng không đủ no, phải tự phục vụ - Ảnh: KHÁNH QUỲNH
Hai người đành gọi hai đĩa cơm sườn rẻ nhất với giá 30.000 đồng. Mặc dù giá không khác các quán đã ăn nhưng việc bưng món, lấy chén đũa đều phải tự thân vận động. Thấy cậu em chưa no, anh Trường gọi thêm 2 phần cơm và được thông báo phải trả thêm 5.000 đồng.
Nhà cho 4 triệu đồng, tiền cơm "ngốn" hết nửa
Giá cả như vậy, sinh viên với hầu bao 5 triệu đồng chỉ cần đủ tiêu đã là quá giỏi, nói gì đến việc tiết kiệm hay làm gì khác.
Như trường hợp của Nguyễn Thị Hương Giang, sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết cô phải đi làm thêm mới đủ trang trải các nhu cầu khác mặc dù chương trình học đang rất nặng.
“Mình thường có những buổi học cả ngày tại trường nên bữa trưa thường xuyên phải đặt đồ ăn bên ngoài. Có hôm vừa phải mua thức ăn và nước uống nên có khi việc ăn uống đã ngốn hết của mình gần 2 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, gia đình chu cấp cho mình 4 triệu đồng/tháng, nên để có thể mua những thứ khác mình bắt buộc phải đi làm thêm buổi tối”, Hương Giang chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận