19/07/2019 12:00 GMT+7

WTO cần cải tổ để hợp thời hơn?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Sự thất vọng và những vụ kiện cáo giữa các nước thành viên đang đe dọa xé toạc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng nhiều tiếng nói đòi cải tổ tổ chức 24 năm tuổi này đã rơi vào bế tắc.

WTO cần cải tổ để hợp thời hơn? - Ảnh 1.

Trụ sở WTO tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS

WTO đang trong một cuộc khủng hoảng về nhân sự khi Mỹ quyết tâm ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho Cơ quan phúc thẩm WTO.

Bà Cecilia Malmstrom, cao ủy Liên minh châu Âu về thương mại, cảnh báo: "Nếu Cơ quan phúc thẩm WTO sụp đổ vào cuối năm nay, các nước sẽ có quyền làm theo cách mà họ muốn (trong lĩnh vực thương mại) và điều này sẽ cực kỳ tệ cho những quốc gia đang phát triển".

WTO đang trong một cuộc khủng hoảng thực sự và chúng ta phải nhanh chóng nhận ra được điều đó.

Bà Cecilia Malmstrom (cao ủy Liên minh châu Âu về thương mại)

Sự bất mãn của Mỹ

Là một nhánh thiết yếu của hệ thống giải quyết tranh chấp WTO, cơ quan phúc thẩm hiện chỉ có 3 thẩm phán - mức tối thiểu để có thể lắng nghe và phân xử kháng cáo của các nước thành viên. Nhưng hai trong số này sẽ hết vai trò ở WTO vào ngày 10-12-2019, đồng nghĩa cơ quan phúc thẩm chỉ còn lại thẩm phán duy nhất.

Một phán quyết có lợi cho Trung Quốc mới đây của Cơ quan phúc thẩm WTO càng khiến nhiều người bi quan về việc nó sẽ được bổ sung đầy đủ 7 thẩm phán trước cuối năm nay.

"Báo cáo phúc thẩm của WTO đã làm suy yếu các quy tắc của WTO, khiến chúng trở nên kém hiệu quả hơn trong việc chống lại các khoản trợ cấp dành cho SOE Trung Quốc (doanh nghiệp nhà nước), thứ đang gây tổn hại cho công nhân với doanh nghiệp Mỹ và làm méo mó thị trường trên toàn thế giới" - văn phòng Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ phản ứng ngày 17-7 sau quyết định có lợi cho Trung Quốc.

Các tuyên bố đầy cứng rắn của Mỹ như thế này thực sự không mới. Kể từ khi tỉ phú Donald Trump lên cầm quyền ở Nhà Trắng, WTO đã hứng búa rìu chỉ trích từ Washington. Chính quyền Mỹ tuyên bố Cơ quan phúc thẩm WTO, nơi cho phép các quốc gia kháng cáo các phán quyết bất lợi, đã thực thi quyền quyết định và trọng tài vượt quá sự ủy thác ban đầu, chà đạp lên chủ quyền quốc gia.

Washington cũng khẳng định cơ quan phúc thẩm, thông qua các phán quyết của mình, đã bổ sung hoặc giảm bớt quyền của các thành viên WTO bằng cách diễn giải lại các hiệp định của WTO, mặc dù các thành viên WTO chưa bao giờ đồng ý với những diễn giải đó.

Bánh răng đang bị kẹt ở đâu?

Dù tất cả các nước thành viên của WTO đều nhận thức cần phải nhanh chóng cải tổ tổ chức này, những tiến bộ đạt được là rất ì ạch. Nhiều sáng kiến đã được đưa ra, nhưng không đi tới đâu chỉ vì một nguyên tắc tưởng chừng là nền tảng tạo nên sức mạnh và sự công bằng trong WTO: sự đồng thuận.

Trong bối cảnh mỗi nước tham gia cuộc chơi chung đều có tính toán lợi ích riêng, việc tìm kiếm tiếng nói ủng hộ của tất cả 164 thành viên là một nhiệm vụ nan giải.

Hãy nhìn vào sự đình trệ suốt bao nhiêu năm qua của vòng đàm phán Doha được khởi động từ năm 2001 để hiểu rõ mặt trái của nguyên tắc đồng thuận. Trong khi mục đích cao nhất của nó là hướng tới việc hạ thấp các rào cản thương mại, nhiều nước đang phát triển kiên quyết nói không với các đề xuất thu hẹp và điều chỉnh các thông số như thế nào là một nước đang phát triển.

Hồi năm ngoái, Liên minh châu Âu đã đề xuất nâng số thẩm phán tại Cơ quan phúc thẩm WTO lên 9 thành viên, xác định lại tư cách thành viên của cơ quan này từ "bán thời gian" sang "toàn thời gian", cũng như cải thiện tính minh bạch và thông báo trợ cấp của các nước thành viên.

Đáp lại đề xuất này, tháng 5 năm nay, Ấn Độ lên tiếng đòi bảo lưu các điều khoản đặc biệt dành cho các nước đang phát triển trong WTO. Đề xuất ngay lập tức nhận được sự tán dương của Trung Quốc và Nam Phi.

Đối xử đặc biệt và khác biệt (S&DT) của WTO cho phép các quốc gia đang phát triển thời gian dài hơn để thực hiện các thỏa thuận và cam kết, tiêu chuẩn kỹ thuật trong WTO cùng nhiều lợi ích khác.

Mỹ đã đề xuất rút các quyền và miễn trừ đặc biệt trên đối với các nền kinh tế mới nổi là thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), G20 được Ngân hàng Thế giới xếp vào nhóm "thu nhập cao" hoặc chiếm hơn 0,5% thương mại toàn cầu.

Nếu WTO không cải tổ để trở nên hợp thời hơn, một số nước như Mỹ có thể sẽ rời bỏ tổ chức này như Tổng thống Trump từng dọa. Trong lúc chức năng đàm phán và giám sát của WTO đang bị tàn phá, sự ra đi của các thành viên chủ chốt sẽ dẫn tới những xói mòn lòng tin về hợp tác đa phương hóa, dẫn đến sự gia tăng của các thỏa thuận thương mại song phương và mang tính khu vực.

2/3 tự xưng "nước đang phát triển"

Những bực tức của Mỹ còn xuất phát từ thực tế 2/3 tổng số 164 nước thành viên WTO đang tự coi mình là "quốc gia đang phát triển", bởi điều này cho phép họ tận dụng một số lợi ích và miễn trừ thực hiện các nghĩa vụ chỉ dành cho các nền kinh tế tiên tiến. Thậm chí hiện tại 10 nước trong nhóm G20 như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn tuyên bố là các nước đang phát triển trong WTO, đơn giản vì WTO cho phép tự phân loại và không có định nghĩa chung cho tình trạng phát triển hoặc đang phát triển.

WTO mở đường cho Trung Quốc áp thuế

TTO - Trung Quốc có khả năng được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mở đường để áp thuế trừng phạt Mỹ vì một tranh chấp thương mại dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo Hãng tin Reuters.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên