Rapper Wowy (Nguyễn Ngọc Minh Huy) - Ảnh: CJHK
Nghệ sĩ rap kiêm diễn viên Wowy (32 tuổi) đang được công chúng chú ý qua vai phản diện trong phim Ròm và vai trò huấn luyện viên chương trình Rap Việt. Anh có thâm niên 14 năm hoạt động trong giới rap, có biệt danh là "Lão đại".
Từng suýt đốt nhà người ta và hối hận
* Trong Ròm, nhân vật đại ca giang hồ của anh chỉ đạo đốt chung cư. Còn ngoài đời, anh từng tiết lộ suýt đốt nhà người khác. Sự việc như thế nào?
- Hồi đó tôi mới vị thành niên. Tôi cầm một xô xăng. Tôi tạt xăng lên cánh cửa. Lúc đó, tôi không nghĩ nhiều. Tôi chỉ nghĩ quăng lửa vô thì căn nhà bốc cháy. Nhưng tại hiện trường, một điều tôi không hề ngờ tới đã xảy ra. Đó là xăng rớt xuống thềm, chảy ra đường đến chỗ tôi đứng.
Wowy trong vai đại ca giang hồ của phim Ròm - Ảnh: CJHK
Rồi khi tôi châm lửa vào một tờ giấy thì bỗng dưng nó tắt. Tôi vẫn châm lại lần hai. Nhưng khi tôi quăng tờ giấy khỏi tay thì lửa thình lình bốc ra từ trong không trung, lan xuống đất.
Khi tôi phát hiện điều đó thì lửa đã lan đến chân tôi. Tôi bỏ chạy, thấy tay mình nóng ran. Tôi quay lại nhìn thì hóa ra mình đang cầm nguyên một cái xô bằng lửa. Tôi buông nó ra và tiếp tục chạy.
Rất may mắn là tôi không bị cháy và không ai thiệt mạng trong vụ đó. Giây phút tờ giấy tắt trước đó, tôi hiểu ý nghĩa của nó nhưng tôi vẫn cố làm. Hậu quả là chính tôi cũng có thể bốc cháy.
Khi tôi kể lại, cảnh tượng nghe có vẻ siêu thực. Nhưng tôi không hề khuyến khích người ta làm điều đó.
* Anh hối hận vì sự việc?
- Tôi không vui vì điều mình đã làm. Thật may không có gì xảy ra. Tôi hi vọng về sau mình sẽ phát giác được những "tín hiệu" như "tờ giấy tắt lửa" để không làm điều sai trái.
* Anh có sợ khán giả đánh đồng anh với nhân vật - một người lưu manh, bạo lực?
- Có thể sẽ có người nghĩ vậy, nhưng họ không biết được sự thật. Thực ra tôi cũng mong mọi người hiểu nhầm như vậy, để họ tin rằng cái họ thấy trong phim chính là thực tế cuộc sống và bộ phim không cổ xúy điều đó.
Ròm và chương trình Rap Việt đưa Wowy đến gần với khán giả - Ảnh: CJHK
Phim tả sự thật trần trụi, khán giả chịu được không?
* Anh đóng nhiều cảnh, chung với diễn viên Anh Tú Wilson (vai Phúc), đều là đe dọa, uy hiếp khá bạo lực. Anh cảm nhận sao về bạn diễn trẻ này?
- Tú là người chơi parkour nên đóng tốt các cảnh nhảy, nhào lộn, té ngã. Ròm là lần đầu cậu ấy đóng phim nên rất "máu". Tôi cũng vui vì có một bạn trẻ mà máu lửa như vậy. Tú luôn chịu thiệt thòi trong mọi thứ. Có những cảnh cậu ấy phải chịu đau: bay từ tầng một xuống, bị quăng cái búa sát đầu...
* Ròm từng gặp khó khăn về thẩm định trước khi ra rạp. Khi đã ra rạp, phim lại gây tranh cãi về chất lượng. Anh nghĩ sao về cuộc tranh cãi này?
- Người nghệ sĩ luôn muốn mô tả sự thật trần trụi nhưng lại gặp trở ngại nhiều phía, lớn nhất là ở sức chịu đựng của người xem. Người ta muốn đi tìm sự thật nhưng họ có dám nhìn thẳng vào sự thật hay không? Tôi nghĩ đạo diễn Trần Thanh Huy đã cố gắng hết sức để phơi bày hiện thực xã hội qua bộ phim này.
"Người ta muốn đi tìm sự thật nhưng họ có dám nhìn thẳng vào sự thật hay không?" - Wowy - Ảnh: CJHK
* Trong quá khứ, lựa chọn nào đã tạo nên con người anh hôm nay?
- Tôi nghĩ đó là sự cứng đầu. Cách đây nhiều năm, khi MTV qua Việt Nam, họ chọn bài Hai thế giới của tôi để đưa lên truyền hình nhưng đề nghị thay đổi ca từ cho phù hợp. Tôi không đồng ý và bài hát không được đưa lên.
Còn bây giờ, tôi học được sự linh hoạt. Khi bài Chạy của tôi được chọn làm nhạc phim Ròm, tôi chấp nhận một số thay đổi để bài nhạc phù hợp với phim theo ý nhạc sĩ Tôn Thất An.
Bài Chạy vừa được phát hành MV mới với phiên bản "chạy chậm". Đạo diễn MV, anh Andy Nguyen, lại muốn thay đổi tiếp so với phiên bản của anh Tôn Thất An. Và anh An cũng phải chấp nhận sửa cho phù hợp với MV mới.
Nghệ sĩ tôn trọng nhau nhưng mỗi người đều có cái tôi. Tác phẩm bị sửa thì hầu như ai cũng khó chịu. Theo quan điểm của tôi, phiên bản bài Chạy trong phim Ròm chiếu ở Busan là bản có giá trị nghệ thuật tốt nhất, thể hiện tốt nhất nội dung bộ phim.
Tiếc là khán giả sau này không nghe được phiên bản đó. Nhưng tôi hiểu là ai cũng phải linh hoạt mới có thể làm việc được.
Ở Rap Việt, tôi đấu tranh cho thí sinh của mình
* Nhân nói về sự cứng đầu, tôi muốn nhắc đến chương trình Rap Việt, nơi anh không ngại bày tỏ quan điểm trái chiều với đồng nghiệp.
- Khi thi đấu, điều một huấn luyện viên phải làm là đấu tranh cho ý tưởng, cho thí sinh của mình. Khi thí sinh diễn, tôi đứng hết chứ không ngồi. Tôi muốn chiến đấu cùng họ.
Dù là ban giám khảo hay các huấn luyện viên khác, tôi cũng sẽ đấu tranh để họ đồng thuận với ý tưởng của thí sinh đội mình.
Mọi người có thể nghĩ tôi cộc tính nhưng với tôi, đó là điều phải làm.
Wowy trong chương trình Rap Việt - Ảnh: VIE CHANNEL
* Nhờ các chương trình về rap, rap cũng trở nên gần gũi hơn trong mắt công chúng. Anh nghĩ sao về sự thay đổi này?
- Khi có Rap Việt, tôi thấy rất hạnh phúc. Trước đây, rất khó khăn để tổ chức các show diễn về rap. Năm 2016, chính tôi từng tổ chức một show thu hút 3.000 người, có giấy phép nhưng vẫn bị dừng giữa chừng. Tôi bị nhiều người hiểu lầm, thiệt hại tiền bạc rất lớn.
Ở Việt Nam, nghệ sĩ rap thường biểu diễn ở bar hoặc một số sự kiện. Họ chưa được công nhận sức lao động. Còn ở nước ngoài, nghệ sĩ rap có thể biểu diễn ở những lễ hội âm nhạc lớn. Tôi mong sắp tới nghệ sĩ rap Việt có cơ hội biểu diễn trước hàng chục nghìn người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận