TTCT - Mỗi khi World Cup nữ diễn ra, người hâm mộ lại chứng kiến cả một cuộc chiến về sự công bằng trên các trang báo, giữa bóng đá nam và nữ. Có vô số thống kê chỉ ra rằng những cầu thủ nữ nghèo hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp nam giới của họ. Cuộc chiến lương bổng Marta - tiền đạo thủ quân của tuyển nữ Brazil và là một huyền thoại của làng bóng đá thế giới - đã đến World Cup năm nay ở Pháp với một đôi giày không có logo tài trợ nào. Marta - tiền đạo thủ quân của tuyển nữ Brazil Lương của Marta cũng chỉ là 380.000 USD/năm. Để so sánh, Neymar, thủ quân đội tuyển nam Brazil, hiện kiếm được 975.000 USD một… tuần! Còn nếu so với Lionel Messi chẳng hạn, người có tổng thu nhập tính cả lương, quảng cáo, tài trợ… vào khoảng 148 triệu USD/năm, thì những gì Marta vất vả cả năm mới kiếm được không bằng… một ngày của Messi. Cơ quan Phụ nữ và bình đẳng giới của Liên Hiệp Quốc còn thống kê được là thu nhập của Messi gấp đôi tổng tiền lương của toàn bộ các cầu thủ nữ ở 7 giải vô địch hàng đầu thế giới cộng lại! Và thu nhập mới là trục trặc dễ thấy nhất trong bóng đá nữ. Các cầu thủ nữ vẫn còn phải đối mặt với nhiều sự mỉa mai, phân biệt đối xử và cả xúc phạm. Những nhận định, thường luôn là của nam giới, cho rằng cơ thể của phụ nữ không phù hợp với bóng đá, vẫn còn khá phổ biến. Những người lên tiếng chuyện lương bổng của cầu thủ nữ cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Rất nhiều người tin rằng việc cầu thủ nữ nhận lương thấp hơn so với đồng nghiệp nam là một kết quả hợp lý của thị trường. Bóng đá nữ không thu hút nhiều CĐV, không mang lại nhiều giá trị thương mại nên việc họ nhận lương thấp là hiển nhiên. Trong một thời đại thương mại hóa, người ta có thể nhìn thấy bất công trong mọi ngành nghề. Nhiều ca sĩ với chất giọng tầm thường, các diễn viên không có tài năng đáng kể nào ngoài những xicăngđan vẫn có thu nhập cao vì đơn giản, họ nổi tiếng. Vậy nên nhiều ngôi sao bóng đá nam dù tài năng cũng không phải quá nổi bật, nhưng lại giúp đội bóng quảng bá hình ảnh tốt hơn, bán được nhiều áo đấu hơn, thu hút CĐV đông đảo hơn, và họ nhận được mức thù lao ngất ngưởng là kết quả của những yếu tố thương mại đó. Nhưng thật ra, những lập luận về thương mại và thị trường bỏ qua một yếu tố quan trọng góp phần vào quyết định chi tiêu của người tiêu dùng: định kiến về bóng đá nữ. Các cầu thủ nữ nhận lương thấp hơn đồng nghiệp nam vì ít người xem họ thi đấu hơn. Ít người xem họ thi đấu là vì các trận bóng đá nữ kém hấp dẫn hơn so với bóng đá nam. Nhưng yếu tố xuất phát của chuỗi suy luận đó liệu có thực sự chính xác? Lieke Martens, ngôi sao của Hà Lan ở World Cup nữ 2019. Ảnh: Globe and Mail Chất lượng đã khác Nhìn nhận một cách công bằng, World Cup nữ 2019 vẫn còn những pha bóng “hài hước” của các hậu vệ và thủ môn. Nhưng nếu là một CĐV theo dõi bóng đá nữ thường xuyên, phải thừa nhận là chất lượng chuyên môn các trận đấu giờ đây đã tốt hơn rất nhiều so với các kỳ World Cup trước. Ở World Cup nữ 2003, tỉ lệ bàn thắng mỗi trận là 3,34, con số trong mơ của bóng đá nam. Nhưng nhiều bàn thắng không có nghĩa là hấp dẫn hơn. Sự thật, hầu hết các trận đấu là những màn “đếm số”. Thời đó, làng bóng đá nữ chỉ có vài đội tuyển thực sự có chất lượng cao, gồm Mỹ, Canada, Brazil, Đức, Thụy Điển, Na Uy và Trung Quốc. Những trận đấu giữa các đội đó với những đội ở ngoài nhóm thường hoàn toàn một chiều. Trong 24 trận vòng bảng ở World Cup 2003 (có 4 bảng), 13 trận kết thúc với cách biệt 3 bàn trở lên. Nhưng World Cup 2019 đã khác. Tuy giờ có đến 6 bảng, với 36 trận vòng bảng, chỉ 8 trận kết thúc với tỉ̉ số cách biệt 3 bàn trở lên. Tỉ lệ 22,2% này là sự rút ngắn đáng kể về mặt bằng trình độ trung bình của các đội, so với 54% của kỳ World Cup cách đây 16 năm. Các nền bóng đá nữ đã xích lại gần nhau hơn, với sự trỗi dậy của các đội tuyển châu Âu. Hơn 10 năm trước, cả châu Âu chỉ có Đức, Thụy Điển và Na Uy được xem là “có những cô gái biết chơi bóng”. Còn hiện tại, Hà Lan, Đan Mạch, Ý và Anh đang bắt đầu trỗi dậy. Với quá nhiều các giải bóng đá nam hấp dẫn như Premier League, Champions League, CĐV bóng đá châu Âu đáng lẽ không mấy mặn mà với bóng đá nữ - kể cả những CĐV nữ. Đó là lý do khiến ở châu Âu nhiều năm trước, cầu thủ bóng đá không thể trở thành một công việc thực thụ cho các cô gái đam mê quả bóng tròn. Ở World Cup 2007, chỉ 3/8 đội lọt vào tứ kết thuộc châu Âu. Nhưng với chiến dịch phát triển bóng đá nữ cách đây vài năm do Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) phát động, bóng đá nữ đang dần phát triển hơn ở cái nôi của làng túc cầu thế giới. Chính sách rất cụ thể, xoay quanh tiền. UEFA không thiếu tiền, và họ tăng mức tài trợ cho mỗi liên đoàn bóng đá nữ quốc gia thêm 50%, từ 100.000 euro mỗi năm lên 150.000 euro. Tiền thưởng của các giải đấu tăng lên, giúp cầu thủ nữ có thu nhập ổn định hơn để sẵn sàng theo đuổi con đường VĐV chuyên nghiệp. So với World Cup 2015, tổng tiền thưởng của World Cup năm nay cũng tăng gấp đôi, lên 30 triệu euro. Nhưng bơm tiền chỉ là giải pháp ngắn hạn: UEFA muốn cho các cô gái đá bóng “chiếc cần câu” thay vì “con cá”. Họ đã làm việc với nhiều nhà đài ở châu Âu để mang đến cho người hâm mộ các đoạn video clip, thông tin trực tuyến trận đấu, giúp các trận bóng nữ dễ dàng đến với người hâm mộ hơn (không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng mua bản quyền các giải bóng đá nữ). Rồi họ thành lập một mạng xã hội cho các cầu thủ nữ #wePlayStrong13 trên YouTube. Tại đây, các cô gái mê bóng đá được xem nhiều video clip tập luyện, chơi bóng, hậu trường, cuộc sống đời tư, cả chuyện trang điểm thế nào khi ra sân của những ngôi sao như Ada Hegerberg (Na Uy), Lieke Martens (Hà Lan), Pernille Harder (Đan Mạch)... Tất cả nhằm một mục đích: giúp bóng đá nữ thu hút nhiều CĐV hơn, và mang chất giải trí nhiều hơn. Năm nay, cùng thời điểm diễn ra giải World Cup nữ thế giới, bên bóng đá nam đang có một giải lớn là Giải vô địch Nam Mỹ Copa America. Giải Copa năm nay cho tới giờ chẳng mấy hấp dẫn, với quá nhiều trận đấu có tỉ số 0-0, nhưng vẫn khá đông người theo dõi vì hai yếu tố: truyền thống và các ngôi sao. World Cup nữ cũng cần xây dựng hình ảnh như vậy. Và mọi chuyện lúc này đang tiến triển tốt. Tính đến tứ kết, World Cup 2019 thu hút khoảng 30 triệu người xem truyền hình, bỏ xa con số 12 triệu của kỳ World Cup 4 năm trước. Khi người châu Âu thực sự nghiêm túc với cuộc chơi bóng đá nữ, World Cup hay Euro nữ có thể còn đáng xem hơn cả Copa America, giải đấu vật vã với tỉ lệ bàn thắng vỏn vẹn khoảng 2,2 bàn/trận. Trong khi đó, con số tương ứng của World Cup nữ 2019 là 2,8. Và nữa, khi châu Âu vào cuộc, châu Á đã tỏ ra hụt hơi khi Trung Quốc, Nhật Bản (vô địch 2011, á quân 2015) đều dừng bước ở vòng 1/16.■ Khán giả gấp 10 sau 20 năm Những con số về lượng khán giả cũng nói lên độ cuốn hút tăng nhanh của bóng đá nữ. Năm 1995, 26 trận đấu của World Cup nữ ở Thụy Điển chỉ có khoảng 112.000 khán giả đến sân. 8 năm sau trên đất Mỹ, con số tương ứng với 32 trận là khoảng 679.000. Đến World Cup 2015 (52 trận), lượng khán giả là hơn 1,3 triệu, tức gấp 10 so với 20 năm trước dù số trận đấu chỉ gấp đôi. Giải đấu năm nay đang diễn ra ở Pháp cho đến trước vòng bán kết đã có khoảng 1,1 triệu khán giả mua vé đến sân. Tags: FIFA World CupBóng đá nữCầu thủ nữ
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.