Ông Longman còn đến bản doanh của đội bóng đá nữ Việt Nam để trò chuyện cùng HLV Mai Đức Chung và nhiều nữ cầu thủ, đồng thời sắp xếp phỏng vấn một nhà báo của Tuổi Trẻ sau khi đã tìm hiểu những hoạt động mà báo Tuổi Trẻ dành cho bóng đá nữ.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhà báo Longman liên tục "mắt chữ A, miệng chữ O" khi được nghe tường tận về một thời gian khổ của bóng đá nữ Việt Nam. Từ chuyện các nữ cầu thủ ngày ngày lau sàn tại Tao Đàn, phải bươn bả bán bánh mì, bán vé số kiếm sống, để rồi khi ra sân lại cùng ùa lên "đá như đánh ghen" - theo chỉ đạo của ông bầu bóng đá nữ đời đầu Trần Thanh Ngữ.
Sau cùng, nhà báo 69 tuổi người Mỹ gật gù cảm thông và chia sẻ - thật ra ở nơi đâu, dù ít dù nhiều, bóng đá nữ đều phải chịu cảnh bất công.
Thật vậy, đừng tưởng rằng cảnh khổ, cảnh nghèo chỉ có với cầu thủ nữ Việt Nam. Ngay tại Mỹ, các cô gái quần đùi áo số vẫn liên tục đấu tranh cho quyền bình đẳng của họ. Năm 2016, dư luận Mỹ từng phẫn nộ khi biết công tác phí mỗi ngày mà cầu thủ nam nhận được là 75 USD, trong khi cầu thủ nữ chỉ là 60 USD. "Chắc bọn họ nghĩ rằng phụ nữ nhỏ con hơn nên ăn ít hơn", nữ danh thủ Carli Lloyd bình luận.
Còn tại Olympic Tokyo, ban tổ chức từng gây tranh cãi khi xếp giờ thi đấu trận chung kết bóng đá nữ (giữa Canada và Thụy Điển) vào buổi trưa chỉ vì muốn nhường giờ đẹp cho những sự kiện cuốn hút hơn, trong khi trận chung kết nam vẫn diễn ra vào chiều tối như thông lệ.
Cuộc tranh đấu cho bình đẳng giới trong bóng đá vẫn chưa thể dừng lại. Và sự thật các cô gái quần đùi áo số phải chấp nhận, đó là quy luật của thị trường. Bóng đá nam quả thật hấp dẫn hơn bóng đá nữ.
Một cuộc khảo sát ở Nhật cho biết tốc độ trung bình của quả bóng trong trận cầu nữ là 20,6 - 23,4m/giây, trong khi số tương ứng của nam là 24,4 - 28,4m/giây, nhanh hơn khoảng 20%. Chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta nhận thấy bóng đá nam xem "đã mắt" hơn bóng đá nữ.
Có lẽ vì vậy mà FIFA đã sắp xếp World Cup nữ diễn ra vào mùa hè năm lẻ, để né đi sự kiện thể thao đình đám như World Cup (nam), vòng chung kết Euro hay Olympic. Khi đó, người hâm mộ được toàn tâm tận hưởng các trận cầu bóng đá nữ mà không lăn tăn rằng liệu có nên chuyển kênh tivi để xem một trận bóng đá nam hay không.
Nhưng có một yếu tố hoàn toàn bình đẳng trong cuộc chơi, đó là người hâm mộ Việt Nam đã được nghe kể rất nhiều câu chuyện xúc động về tinh thần vượt khó vươn lên của các cô gái. Ở nhiều góc độ, thậm chí câu chuyện của họ còn truyền cảm hứng hơn cả những đồng nghiệp nam giới.
Mà đâu chỉ có than nghèo kể khổ, các nữ tuyển thủ của chúng ta ngày nay giỏi giang, lanh lợi và học hành bài bản. Có 11/23 nữ tuyển thủ đến World Cup đang và từng là sinh viên đại học. Đội trưởng Huỳnh Như là "đại sứ văn hóa" khi tỏa sáng rực rỡ ở Bồ Đào Nha. Họ đều là những người hùng với các câu chuyện truyền cảm hứng, đậm tính giáo dục.
Bấy nhiêu thôi cũng đủ để mọi người luôn sát cánh, đồng hành cùng các cô gái của chúng ta, bất kể kết quả của các trận đấu World Cup nữ 2023 ra sao. Có sát cánh mới tạo thêm động lực để các cô gái làm thêm những kỳ tích, như họ đã giành vé dự World Cup nữ 2023. Có sát cánh chúng ta mới có thêm những câu chuyện đẹp, những gương mặt truyền cảm hứng, những thành tích tốt hơn và hãy tin rằng World Cup nữ 2023 là bước khởi đầu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận