09/07/2018 20:09 GMT+7

World Cup đang nhạt dần bản sắc?

ANH HOÀNG
ANH HOÀNG

TTO - Đây là bài viết Tuổi Trẻ Online vừa nhận được từ bạn đọc Anh Hoàng. Có phải World Cup đang nhạt dần bản sắc? Chúng tôi xin mời các bạn cùng tham gia mổ xẻ câu hỏi mà 'cà phê luận World Cup' của bạn đọc này đặt ra.

 World Cup đang nhạt dần bản sắc? - Ảnh 1.

Các cổ động viên Brazil tại 2018 - Ảnh: AP

Ngồi "luận" World Cup cùng mấy ông bạn trong những ngày nghỉ chờ các trận bán kết diễn ra, chúng tôi - những người đã kinh qua 7-8 mùa World Cup cùng nhận xét: 'Các đội tuyển thi đấu World Cup đang mất dần bản sắc'.

Cách Argentina, Uruguay và cả Brazil thi đấu trên đất Nga không khác gì các đội bóng châu Âu với các cầu thủ chạy nhiều hơn là dùng kỹ thuật cá nhân và sự nhuần nhuyễn trong phối hợp để công phá đối phương. Mỹ từ "vũ điệu của những nghệ sĩ Nam Mỹ" chắc chỉ còn là cách gọi của một thời quá khứ.

Lấy Brazil là một ví dụ. Có ai ngờ được một Brazil hùng mạnh ở World Cup 2018 lại sợ sệt trước Mexico đến nỗi các hậu vệ tuyển Brazi phải lăn xả kiểu "lấy thân mình lấp lỗ châu mai" trong hơn 20 phút đầu của trận đấu.

Sau trận đấu, nghe hàng thủ Brazil được khen là vững chắc mới thấy "đắng" khi nhớ lại tuyển Brazil ở World Cup 1982, 1986, 1990 với những cái tên Zico, Socrates, Falcao… Tuyển Brazil luôn bước vào trận và "đàn áp" đối phương với lối chơi tấn công hoa mỹ cùng kỹ thuật cá nhân tuyệt hảo của các cầu thủ.

Dù thất bại nhưng cái đẹp của tuyển Brazil ở thời này vẫn in vào tâm khảm nhiều người. Nó khác với cảnh thất bại của tuyển Brazil trước Bỉ ở trận tứ kết vừa qua, một trận thua mà các cầu thủ Brazil đã thiếu tự tin khi nhập cuộc.

Một minh chứng nữa là tuyển Đức. Họ có xứng được gọi là "Cỗ xe tăng" nữa hay không? Chắc chắn là không, nếu nhớ lại một tuyển Đức của hơn 20-30 năm trước. Lúc ấy dù không có những siêu sao cỡ Zico của Brazil hay Maradona (Argentina) hay Platini (Pháp)… nhưng tinh thần thép vẫn giúp tuyển Đức với hình ảnh của cỗ xe tăng lừ lừ tiến vào trận chung kết World Cup 1982 và 1986.

Đáng nói ở trận bán kết năm 1982, Đức đã lội ngược dòng gỡ hòa 3-3 sau khi bị tuyển Pháp dẫn 3-1 trong thời gian đá hiệp phụ. Và tiếp đó, họ thắng luôn tuyển Pháp của bộ tứ huyền ảo Platini-Giresse-Tigana-Fernandez trên chấm luân lưu 11m. Ở trận chung kết năm 1986, họ khiến Argentina của Maradona hoảng loạn sau khi gỡ hòa 2-2 dù bị dẫn 2-0.

Chính cái "chất Đức" này đã giúp nhiều người yêu mến tuyển Đức dù họ không phải là đội bóng có lối đá hoa mỹ. Và nó cũng khiến các đối thủ dù là tuyển Brazil cũng phải kiêng dè mỗi khi đối mặt với tuyển Đức.

Nhưng ở World Cup lần nay, "cỗ xe tăng" Đức đã tan chảy, họ không còn cái "chất Đức" truyền thống mà thay vào đó là hình ảnh bạc nhược trong trận thua Hàn Quốc 0-2.

Vì sao bản sắc của những đội tuyển "đinh" lại dần nhạt phai ở đấu trường World Cup?

Nói đến bản sắc của một đội tuyển, dứt khoát không thể bỏ qua yếu tố con người và lối chơi. Lối chơi ở đây nhìn xa hơn cũng có thể hiểu là tư tưởng định hình cho lối chơi của đội bóng.

Về cá nhân, không thể nói rằng các ngôi sao hiện nay như Messi, Ronaldo, Neymar, Modric, Coutinho… kém hơn các tiền bối của mình. Vậy chỉ có thể là lối chơi mà người có quyền lực nhất trong việc áp đạt lối chơi của đội bóng là: HLV.

Vì sao các HLV không dám chọn lối chơi đẹp?

Tùy theo quan điểm của mọi người, chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Còn trong "cà phê luận World Cup" của chúng tôi, câu trả lời được thống nhất cao là sức ép thành tích dẫn đến các HLV phải chọn lối chơi thực dụng khô cứng đã khiến cái không gian thoáng đãng để các cầu thủ phô diễn hết tài nghệ của mình ngày càng chật hẹp.

Điều này dẫn đến các đội bóng lớn ngày càng chơi thận trọng, đương nhiên trận đấu sẽ buồn hơn và bản sắc cũng nhạt dần.

Xin dẫn lại một chút phát biểu của Hagi, cựu danh thủ Romania, người từng được mệnh danh là Maradona vùng Carpathian ở World Cup 1994: "Chúng tôi chơi bóng để trình diễn. Vì vậy, tuyển Romania không bao giờ chơi bóng kiểu phòng ngự đổ bê tông".

Quan điểm chơi bóng trình diễn này đã giúp tuyển Romania chơi cực hay khi đánh bại tuyển Argentina 3-2. Và đây cũng là một trong những trận kịch chiến được đánh giá hay nhất ở World Cup 1994.

Ngay tiền đạo nhập tịch người Brazil Huỳnh Kesley, cầu thủ hiện đang khoác áo CLB TP.HCM cũng đã bình luận trên Tuổi Trẻ Online sau trận thua 1-2 của tuyển Brazi trước Bỉ ở vòng đấu tứ kết vừa qua: "Lối chơi tấn công hoa mỹ của Brazil dưới thời HLV Tite đã giảm đi rất nhiều, thay vào đó là phòng ngự và rất thực dụng. Tôi không cho rằng đó là quan điểm sai về chiến thuật vì bóng đá phải là ghi bàn, phải giành chiến thắng. Tính thực dụng có vẻ như không thật phù hợp và là điều gì đó không được các cầu thủ Brazil ưa thích bởi bản chất phóng khoáng cùng sự ngẫu hứng vốn đã thấm sâu vào họ từ lúc làm quen với bóng đá".

Bình luận của tiền đạo Huỳnh Kesley nghe thật thấm nhưng cũng làm chúng tôi bật ra câu hỏi: Liệu đến World Cup nào đó cái đẹp, cái ngẫu hứng… trong vũ điệu Samba lừng danh của tuyển Brazil cũng sẽ chết khi lối đá thực dụng ngự trị ở World Cup?

Chúng tôi nghĩ vậy, còn mọi người nghĩ sao?

Manchester United có phải là đội "chi phối" vòng bán kết World Cup 2018?

TTO - Nhiều người hâm mộ Quỷ đỏ đang tự hào đội bóng của họ nắm quyền 'chi phối' 4 đội tuyển góp mặt ở bán kết World Cup 2018. Nhưng sự thật có phải như vậy?

ANH HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên