Theo ông Phạm Văn Chi - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, việc để Ngân hàng Thế giới (World Bank) hủy tài trợ hơn 10 triệu USD cho các hạng mục xây dựng hai bên bờ sông Cái do liên quan về việc bồi thường đất đai là một tổn thất lớn, làm mất một cơ hội phát triển TP Nha Trang và cải thiện môi trường sống cho cư dân.
Hậu quả bồi thường cho dân không đúng chính sách World Bank
Theo World Bank, một trong các mục tiêu cụ thể của tiểu dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải Nha Trang (CCSEP Nha Trang) là giải quyết tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường khu vực phía bắc TP Nha Trang.
Đồng thời, cải thiện vệ sinh môi trường, tăng cường khả năng thoát lũ và chống sạt lở hai bên bờ sông Cái Nha Trang, kết hợp nâng cấp hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TP theo quy hoạch của tỉnh.
CCSEP Nha Trang triển khai từ năm 2016, được gia hạn thêm 18 tháng và phải hoàn thành vào ngày 30-6-2024. Thế nhưng, theo Ban quản lý dự án đầu tư phát triển tỉnh Khánh Hòa, đến tháng 11-2023 chỉ có 26,2% người bị ảnh hưởng được bồi thường và bàn giao đất cho CCSEP Nha Trang.
Vào tháng 3-2023, World Bank kiểm tra thì tại dự án khu tái định cư Ngọc Hiệp có đến 32% phương án bồi thường cho dân không tuân thủ đầy đủ quy định chính sách của tổ chức này mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết, ban hành theo các hiệp định tài trợ vốn được ký kết.
Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều hạng mục đầu tư không có mặt bằng để thi công đúng thời hạn. Vì vậy, World Bank hủy tài trợ toàn bộ hợp phần 2, gồm các hợp đồng xây dựng hạng mục kè và đường bờ nam sông Cái (đoạn từ cầu đường sắt xuống đến cầu Hà Ra), kè tại bờ bắc sông Cái và đường Chử Đồng Tử.
Bảo vệ cho người bị ảnh hưởng từ dự án do World Bank tài trợ
Theo chính sách của World Bank, tất cả người bị ảnh hưởng bởi dự án do World Bank tài trợ, có tài sản gắn liền trên đất hoặc sinh sống trong khu vực thu hồi đất trước ngày khóa sổ đều có quyền được đền bù cho các thiệt hại của họ, và được trợ giúp khôi phục tương xứng. Các tài sản bị thiệt hại phải được bồi thường trên cơ sở giá thay thế đảm bảo bằng 100% giá trị bị thiệt hại.
Trường hợp người dân thiếu các cơ sở pháp lý về việc sử dụng đất không cản trở các hộ bị ảnh hưởng có quyền được nhận bồi thường và hỗ trợ khôi phục sinh kế hoặc được hỗ trợ khôi phục sinh kế.
Những người bị mất thu nhập và kế sinh nhai hoặc chỉ mất kế sinh nhai sẽ đủ điều kiện nhận hỗ trợ phục hồi sinh kế căn cứ theo các tiêu chí hợp lệ theo quy định đối với dự án do World Bank tài trợ.
Trước khi kết thúc dự án World Bank tài trợ, nếu thấy sinh kế của người bị ảnh hưởng vẫn chưa được phục hồi bằng với mức trước khi có dự án, cần xem xét có các biện pháp bổ sung.
Theo World Bank, người bị ảnh hưởng là những cá nhân, hộ gia đình, tổ chức hay cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp về vật chất và kinh tế do việc thu hồi đất và các tài sản khác một cách bắt buộc bởi dự án mà World Bank tài trợ, dẫn đến một trong các việc sau: phải di dời hoặc mất chỗ ở; mất tài sản hoặc sự tiếp cận tài sản; hoặc mất các nguồn thu nhập hay những phương tiện sinh kế, cho dù người bị ảnh hưởng có phải di chuyển tới nơi khác hay không (hộ dân bị ảnh hưởng sinh kế tạm thời hoặc vĩnh viễn).
Bảo vệ về đất ở cho người bị ảnh hưởng bởi dự án
Có rất nhiều quy định chính sách về đất ở của World Bank nhằm bảo vệ quyền lợi cho người bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, như quy định, trong trường hợp số tiền bồi thường về đất thấp hơn giá trị của một lô đất tái định cư tối thiểu trong khu tái định cư của dự án, người bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ khoản chênh lệch để mua được lô đất mới.
Người bị ảnh hưởng không có quyền hợp pháp về đất hoặc không thể hợp pháp hóa quyền sử dụng đất nhưng họ không còn nơi nào trong TP Nha Trang để di dời, cư trú thì sẽ được giao một lô đất tái định cư tối thiểu mà họ chấp thuận trong khu tái định cư để mua trả góp hoặc thuê để sinh sống với giá thay thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận