Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải (CCSEP) được Chính phủ Việt Nam đề nghị và World Bank ký hiệp định tài trợ cho vay vốn đầu tư tại 4 thành phố ven biển, thuộc các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Chậm trễ thu hồi đất, tái định cư
Tiểu dự án CCSEP tại TP Nha Trang (CCSEP Nha Trang) được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 4-2016 (điều chỉnh tháng 10-2017), tổng mức đầu tư 72 triệu USD (theo tỉ giá hiện nay tương đương 1.746 tỉ đồng).
Mục tiêu chính của dự án CCSEP là đầu tư cải thiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe của người dân ở TP Nha Trang và các nơi được thực hiện; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo cảnh quan đô thị; hỗ trợ tăng cường quản lý dự án và cải cách thể chế nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.
Tiểu dự án CCSEP TP Nha Trang gồm 4 hợp phần. Theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt tổng mức đầu tư tiểu dự án CCSEP Nha Trang vào năm 2016, tổng chi phí bồi thường, giải tỏa thu hồi đất của tiểu dự án là hơn 184,18 tỉ đồng (tương đương 8,25 triệu USD).
Từ tháng 9-2016, UBND TP Nha Trang đã thông báo thu hồi đất của dân để xây dựng khu tái định cư tại phường Ngọc Hiệp với tổng diện tích 13,45ha để tái định cư cho dân bị ảnh hưởng bởi tiểu dự án.
Sau này TP điều chỉnh giảm, khu tái định cư vừa nêu còn 8,62ha, gồm khoảng 235 lô đất.
Có tổng cộng 593 hộ dân và 1 tổ chức là chùa Phổ Tế bị ảnh hưởng, thu hồi đất để thực hiện dự án CCSEP Nha Trang. Trong đó, số hộ phải di dời, tái định cư 215 hộ.
Thế nhưng, theo báo cáo của Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, đến ngày 30-8-2023 chỉ có 118 hộ dân nhận chi trả bồi thường và bàn giao đất. Còn tại khu tái định cư Ngọc Hiệp thì chỉ mới bàn giao 11 lô đất tái định cư cho dân.
Trong khi về tiến độ, sau khi được World Bank đồng ý gia hạn thêm 18 tháng, tiểu dự án CCSEP Nha Trang phải hoàn thành vào ngày 30-6-2024.
World Bank dừng tài trợ hơn 10 triệu USD
Về việc bồi thường và tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án CCSEP Nha Trang, theo hiệp định của Chính phủ Việt Nam đã ký kết, sẽ thực hiện theo "khung chính sách tái định cư" dự án và "kế hoạch hành động tái định cư" tiểu dự án CCSEP Nha Trang của World Bank đã công bố.
Lãnh đạo ban quản lý dự án trên cho biết vào tối 23-12, thực hiện theo "khung chính sách tái định" của World Bank tại tiểu dự án CCSEP Nha Trang, việc bồi thường cho dân đã tốt hơn nhiều dự án khác. Thế nhưng nhiều người dân bị ảnh hưởng, thu hồi đất vẫn không chấp nhận và không bàn giao đất.
Do đó cho đến nay chỉ mới có 26,2% số hộ bị ảnh hưởng bởi tiểu dự án CCSEP Nha Trang nhận bồi thường, bàn giao đất. Rất nhiều hộ dân đã khiếu nại với tỉnh và gởi đến cả World Bank để yêu cầu xem xét về việc bồi thường, thu hồi đất của họ.
World Bank đã nhiều lần kiểm tra tiến độ, làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tiểu dự án CCSEP Nha Trang. Đoàn công tác của World Bank đã kiểm tra, rà soát, thẩm định các hoạt động thu hồi đất và bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi các hạng mục đầu tư thuộc hợp phần 2 của tiểu dự án.
Kết quả World Bank đã phát hiện ở hợp phần trên có 76 hộ dân bị ảnh hưởng đã nhận bồi thường. Trong đó, có 60 hộ đã bàn giao đất nhưng có 50 trường hợp bồi thường cho dân thấp hơn và "không tuân thủ khung chính sách tái định cư của dự án và kế hoạch hành động tái định cư của tiểu dự án CCSEP Nha Trang".
Đồng thời, theo World Bank, việc chậm trễ đáng kể trong thực hiện thu hồi đất, tái định cư cho hợp phần 2 và cả tiểu dự án CCSEP Nha Trang cũng như việc thi công xây dựng các hạng mục hợp phần 2 đều không thể hoàn thành trước ngày kết thúc dự án (30-6-2023).
Vì vậy ngày 4-10-2023, bà Carolyn Turk - giám đốc quốc gia Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của World Bank - đã có thư thông báo cho chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa "World Bank không thể tiếp tục tài trợ cho 2 hợp đồng thuộc hợp phần 2 của tiểu dự án CCSEP Nha Trang".
Đó là hợp phần gồm 2 hạng mục đầu tư là xây dựng kè, đường bờ Nam Sông Cái; kè bắc Sông Cái và đường Chử Đồng Tử (tại khu vực Tháp Bà Ponagar).
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, tổng kinh phí đầu tư xây dựng 2 hạng mục thuộc hợp phần 2 đã bị World Bank cắt tài trợ vốn thực hiện là khoảng hơn 10 triệu USD (tương đương hơn 250 tỉ đồng Việt Nam).
Khánh Hòa đề nghị dùng ngân sách tỉnh để triển khai hợp phần 2 của dự án
Ngày 24-12, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn gửi bà Carolyn Turk - giám đốc quốc gia tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của World Bank - kiến nghị phương án dùng nguồn vốn ngân sách địa phương thay cho nguồn vốn World Bank để thực hiện hợp phần 2 của CCSEP Nha Trang.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc hủy hoàn toàn 2 hợp đồng của hợp phần 2 ra khỏi CCSEP Nha Trang sẽ gây bất lợi lớn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công do không được áp dụng khung chính sách đền bù, tái định cư của dự án CCSEP Nha Trang.
UBND tỉnh kiến nghị World Bank cho phép được tiếp tục triển khai hợp phần 2 bằng nguồn vốn ngân sách địa phương thay cho nguồn vốn World Bank.
UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định hiện tại ngân sách tỉnh hoàn toàn đủ khả năng cân đối để bố trí vốn thực hiện hợp phần 2 của CCSEP Nha Trang.
N.T.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận